CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên giải đáp bài toán “vàng” trong thu mua nông sản và xuất khẩu sản phẩm chế biến

23/12/2017 09:27 AM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng trong xuất khẩu giá, tiêu chuẩn và chất lượng là yếu tố quan trọng.

Tại sự kiện Chuỗi hợp tác an toàn để hội nhập tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp đưa ra những vấn đề họ đang gặp phải. Lương Quới, công ty chuyên về các sản phẩm từ dừa, cho biết diện tích trồng dừa hữu cơ của họ đang bị thu hẹp. Tài Tài, doanh nghiệp chuyên sản xuất đậu phộng, đang khó khăn về việc thu mua nguyên liệu sạch để chế biến xuất khẩu và bán tại thị trường nội địa.

Xuất khẩu là cạnh tranh về giá, tiêu chuẩn và chất lượng

Ông Nguyễn Lâm Viên, CEO Vinamit cho rằng khi nói đến xuất khẩu thì phải có tiêu chuẩn. Và người sản xuất phải thực hiện những tiêu chuẩn đó. Tiêu chuẩn giúp người sản xuất có tri thức và biết được rằng thị trường đang mong đợi những sản phẩm như vậy. Và dùng những kiến thức, kinh nghiệm, doanh nghiệp sẽ vận hành cỗ máy và đưa sản phẩm ra thị trường.

“Sản phẩm là kết quả về mặt uy tín của nhà sản xuất. Tiêu chuẩn cộng hưởng thêm để giữ giá trị uy tín đó. Không thể có chuyện cơ quan này cấp cho người này cái giấy chứng nhận mà sau đó lại đi làm bẩn được. Khi làm sản phẩm đạt được mong đợi của khách hàng thì đó là những sản phẩm tốt và được người tiêu dùng yêu mến”, ông Viên nói.

Ông Viên nói thêm rằng tiêu chuẩn giúp người sản xuất làm tốt các sản phẩm của mình và coi xem thị trường như thế nào để cung ứng.

Trong đàm phán, nếu nhà sản xuất muốn bán giá cao thì phải nêu rõ được vì sao lại bán giá như vậy và chứng minh rằng sản phẩm của mình hoàn toàn xứng đáng. Và cái thông minh của nhà sản xuất là đối tác cần làm sản phẩm ở mức nào thì sẽ làm ở mức đó nhưng cần nói rõ bản chất của sản phẩm. Muốn làm như vậy thì nhà sản xuất phải hiểu được thị trường, được nhu cầu của người tiêu dùng.

“Người mua muốn có sản phẩm tốt nhất, giá thấp nhất. Bao giờ cũng vậy”, CEO Vinamit khẳng định.

Và để có được sản phẩm tốt thì nguồn nguyên liệu cũng phải tốt, ổn định.

Câu chuyện thu mua nông sản: Không thể bảo nông dân bán giá thấp

Doanh nghiệp dừa Lương Quới cho biết diện tích dừa hữu cơ của họ đang bị thu hẹp do một thực tế là nông dân đang trồng dừa xen với cacao và bưởi. Họ phun thuốc cho cacao và bưởi. Và như vậy, là dừa không còn là hữu cơ nữa. Hay trong một khu trồng dừa, có cầu tiêu hay nuôi gà vịt thì cơ quan chứng nhận hữu cơ cũng hủy ngay khu trồng dừa đó trong diện hữu cơ.


Bưởi, dừa xen canh ở Bến Tre.

Bưởi, dừa xen canh ở Bến Tre.

Trước vấn đề mà Lương Quới đề cập đến, ông Viên cho rằng hiện bưởi đang bán rất chạy, người dân vào siêu thị là mua bưởi. Bưởi đang bán chạy hơn dừa và người nông dân sẵn sàng hy sinh dừa để lấy bưởi. Đó là thực tế.

“Doanh nghiệp phải ứng phó chuyện đó, phải hy sinh. Một là kiếm vùng khác. Hai là trả giá lại cho nông dân. Chẳng hạn như cung cấp cho họ kiến thức và nói với họ bảo vệ dừa hữu cơ đồng thời sẵn sàng cung cấp giải pháp hữu cơ cho họ, chứ không thể bảo nông dân bán giá thấp được”, doanh nhân họ Lâm phân tích và đưa ra nhận định.

Ông Viên đưa ra một ví dụ cụ thể là nông dân hiện đang bán mít cho Trung Quốc với giá 30.000 đồng/kg. Không thể bảo họ là bán cho Vinamit giá 5.000 đồng/kg hay 6.000 đồng/kg được. Mà doanh nghiệp phải ứng phó bằng cách bao tiêu để nông dân có thu nhập ổn định.

“Vinamit bao nhiêu năm nay vẫn làm vậy và bây giờ vẫn làm vậy, đó là bao tiêu cho nông dân”, ông Viên nói.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM