‘Vua bánh mỳ’ Kao Siêu Lực và 4 bài học kinh doanh trong khủng hoảng: "Lái thuyền đi biển chưa gặp gió bão cứ tưởng là mình giỏi, giờ gặp bão mà không rớt mới là người có bản lĩnh!"
Sân bay thưa người. Trường học tạm đóng cửa. Sản lượng thức ăn nhanh cung cấp cho thị trường giảm xuống tới 40%. "Vua bánh mỳ" Việt Nam Kao Siêu Lực – người đưa ra một loạt sáng kiến như bánh mỳ thanh long hay bánh mỳ dinh dưỡng tặng riêng cho các bác sỹ tuyến đầu chống dịch – lái con thuyền ABC Bakery vượt bão COVID-19 thế nào?
Xuất phát từ việc hỗ trợ đầu ra cho nông dân trồng thanh long khi xuất khẩu ùn ứ, bánh mỳ thanh long của "Vua bánh mỳ" Việt Nam Kao Siêu Lực đã gợi cảm hứng cho một loạt các sản phẩm thanh long khác như pizza thanh long của Pizza Home hay burger thanh long của KFC.
Mới đây, ông lại cho ra đời loại bánh mì dành tặng cho các y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 với tên gọi "bánh mì dinh dưỡng", bởi nó là bánh mì đen có kèm thêm nhiều nguyên liệu tốt cho sức khỏe như hạt óc chó, nho khô, phô mai, khoai lang Nhật sấy dẻo và mè đen.
Chia sẻ về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới ABC Bakery, ông Kao Siêu Lực cho biết đại dịch này có ảnh hưởng tiêu cực, nhưng trong những ảnh hưởng đó vẫn có yếu tố lạc quan.
"Học sinh nghỉ học, trường học tạm ngưng. Trước mảng bánh ăn sáng chúng tôi cung cấp rất lớn, các phụ huynh có thể mua ổ bánh cho các con mang đi học. Nay học sinh nghỉ, ABC Bakery mất thị phần đó", ông Kao Siêu Lực giãi bày.
"Mảng sân bay cũng vậy. 98% thức ăn nhanh tôi cung cấp hết, nay giảm xuống tới 40%".
"Vua bánh mỳ" xoay xở thế nào?
Nhà sáng lập đưa ABC Bakery từ một tiệm bánh nhỏ thành chuỗi 35 cửa hàng chia sẻ khá rời rạc. Chúng tôi tạm lược lại 4 bài học giúp doanh nghiệp này vượt bão.
1 - Đa dạng phân khúc trong kinh doanh
Khi hoạt động này bị sụt giảm, doanh nghiệp phải có hoạt động khác bù đắp lại. May mắn là ABC Bakery đa dạng phân khúc, không chỉ nhắm vào một thị trường.
"ABC Bakery không chỉ kinh doanh trong nước mà còn xuất khẩu rất mạnh. Bình quân cứ 2 ngày chúng tôi xuất khẩu 1 container, thậm chí làm sáng đêm cũng được 1 container/ngày, cho nên không bị ảnh hưởng mảng sản xuất", "Vua bánh mỳ" Kao Siêu Lực chia sẻ tại một tọa đàm mới đây.
2 - Kinh doanh phải có sáng kiến, không có cầu tạo ra cầu
"COVID-19 có tác động rất tai hại, khiến nhiều ngành khủng hoảng. Tình cờ do thanh long không xuất khẩu được, lúc đó tôi nghĩ ra làm bánh mỳ thanh long, và hoàn toàn bất ngờ khi bánh mỳ thanh long lại thành công và trở thành văn hóa của Việt Nam", ông Lực kể.
Món ăn đó đã tạo nên một trào lưu ẩm thực, các món khác cũng thanh long. Nhờ đó, giải quyết được một phần đầu ra của thanh long cho bà con nông dân rất nhiều. Ngoài pizza thanh long, burger thanh long, hiện còn có cả bún dưa hấu, bánh tráng thanh long…
Câu chuyện đưa thanh long vào bánh mỳ có phải chỉ là chiêu trò marketing? Phía ABC Bakery mới đây trả lời VTV cho biết, mỗi ngày doanh nghiệp này vẫn tiêu thụ đều đặn 2 tấn thanh long.
Ông Lực cho biết hiện nhiều nông dân cũng than với ông về việc khó tiêu thụ sầu riêng và một số loại trái cây khác.
"Những sáng kiến trên là cái lạ với thị trường, kích thích nhu cầu. Kinh doanh phải có đầu óc sáng kiến, nên coi là lạc quan chứ không chỉ coi là bi quan, không có cầu tạo ra có, từ đó tạo ra các kênh phân phối", ông Lực nói.
3 - Chuẩn bị tốt
Khi được hỏi lời khuyên ứng phó với khủng hoảng cho các doanh nghiệp nhỏ, vốn không nhiều nội lực, ông Kao Siêu Lực cho rằng: Đã kinh doanh phải tiên liệu được!
"Lái thuyền đi biển chưa gặp gió bão cứ tưởng là mình giỏi, giờ gặp bão mà không rớt mới là người có bản lĩnh!"
"Không kinh doanh thì thôi, đã kinh doanh phải theo kịp thời đại. Hiện nay cách mạng công nghệ 4.0, tôi cũng suy nghĩ và chuẩn bị. Tôi chuẩn bị 7 dây chuyền lận, với các dây chuyền bánh khác nhau, ứng dụng toàn bộ công nghệ mới. Khi đã chuẩn bị hết xong xuôi, cơ hội sẽ đến chúng ta đã sẵn sàng nắm bắt. Chứ cơ hội đến anh lại bảo "Đợi tôi chút xíu, tôi chuẩn bị thêm", thì cơ hội đi mất rồi", ông Lực nói.
"Chuẩn bị tốt thì rủi ro vẫn có chứ không phải không, nhưng ảnh hưởng sẽ ở mức thấp nhất" - PTGĐ Vissan
Các doanh nhân tham dự tọa đàm cũng bổ sung thêm, ý tứ "chuẩn bị" này giúp tăng sức đề kháng của doanh nghiệp. Từ góc độ nhà cung cấp, với 1 mặt hàng, đại diện CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) cho biết phải có ít nhất 2 nhà cung cấp, thậm chí là 3 - 4, để đảm bảo an toàn cung ứng nguyên liệu, từ đó ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, chuẩn bị các kịch bản, bao gồm kịch bản xấu nhất cho doanh nghiệp, đồng thời chú trọng vào việc quản trị tài chính.
"Chuẩn bị tốt thì rủi ro vẫn có chứ không phải không, nhưng ảnh hưởng sẽ ở mức thấp nhất", ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Vissan - cho biết.
4 - Ứng xử với người lao động
"Trong giai đoạn này, chúng tôi coi trọng nhất phần sức khỏe của người lao động. Giữ được người lao động mới sản xuất được", ông Lực nói.
Với câu hỏi về việc cắt giảm nhân sự trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng, ông chủ ABC Bakery cho rằng: "Ở công ty, tôi coi công nhân là anh em. Bao nhiêu năm có được hôm nay là nhờ anh em, hôm nay mình gặp khó khăn lại tính chuyện sa thải họ, thực sự tôi làm không được. Công nhân là tài sản của tôi, tôi rất quý, tôi không dám nghĩ tới việc sa thải họ".