Vụ tòa "gai bê tông" trên đèo Mã Pì Lèng: "Chưa thể nói trước được có tháo dỡ hay không"

07/10/2019 09:06 AM | Xã hội

Lãnh đạo huyện Mèo Vạc cho biết, đối với công trình Panorama sai phạm nằm trên địa bàn thì cấp ủy, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm, nhưng không phải chịu hoàn toàn.

"Cái nào thuộc thẩm quyền của huyện thì huyện sẽ giải quyết, cái nào không thuộc thì sẽ do tỉnh và các sở ban ngành giải quyết. Còn nếu không hoàn thiện thủ tục theo đúng quy trình thì không có cách nào gỡ được", bà Mua Hồng Sinh (Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc) nói về công trình nhà hàng ăn, nghỉ Panorama sai phạm trên đèo Mã Pì Lèng.

Bà Sinh cũng chia sẻ thêm, công trình này còn thiếu nhiều giấy tờ, trong đó, có giấy phép xây dựng, loại giấy phép này huyện không thể cấp do vị trí tọa lạc tòa nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích.

Huyện đang yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, nhưng phức tạp vì mảnh đất nằm ở vùng ven di sản. Nếu làm nhà ở thì huyện xử lý được ngay nhưng đây là công trình hoạt động vì mục đích khác nên chủ đầu tư buộc phải tham khảo ý kiến của các sở, ban ngành.

Vụ tòa gai bê tông trên đèo Mã Pì Lèng: Chưa thể nói trước được có tháo dỡ hay không - Ảnh 1.

Khách du lịch chụp ảnh trên ban công tòa Panorama.


Khi PV đặt câu hỏi về quá trình xây dựng công trình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã nhiều lần cảnh báo, nhưng tại sao bên huyện vẫn để cho xây dựng thì vị lãnh đạo huyện Mèo Vạc trả lời rằng đã kiểm tra này từ cuối năm 2018 và cả đầu năm 2019 cũng có kiểm tra: "Huyện đã có những buổi làm việc, có yêu cầu vài lần chủ đầu tư tạm dừng để hoàn thiện các thủ tục đã, chứ không phải là huyện không làm gì đâu," bà Sinh nói.

Bà Sinh thừa nhận thêm một vấn đề, đối với công trình Panorama nằm trên địa bàn thì cấp ủy, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm, nhưng không phải chịu hoàn toàn.

PV hỏi thêm trường hợp xấu nhất có thể đi đến tháo dỡ tòa nhà không? Bà Sinh nói "chưa thể nói trước được có tháo dỡ hay không", nhưng sẽ nghiên cứu biện pháp.

Hiện, huyện chỉ biết yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý theo đúng quy định.

"Huyện đã tạo điều kiện hết mức có thể cho chủ đầu tư làm để thu hút khách du lịch, tuy nhiên, phía chủ đầu tư đã không làm đúng các quy trình, chưa có cơ quan ban ngành nào thẩm định về việc xây dựng. Phía huyện chỉ có trách nhiệm quản lý, nhưng thủ tục giấy tờ thì không thể làm", bà Sinh nói.

Vụ tòa gai bê tông trên đèo Mã Pì Lèng: Chưa thể nói trước được có tháo dỡ hay không - Ảnh 2.

Bà Vũ Ngọc Ánh.


Trước đó, khi trao đổi với báo chí, bà Vũ Ngọc Ánh nói, khi quyết định thi công, bà cũng nắm được công trình của mình không nằm trong lõi công viên địa chất nên mới làm và cũng vì trên cho làm thì cứ làm, "họ chả lấy một xu, một cắc nào".

Về việc thiếu giấy tờ liên quan, giấy phép xây dựng mà vẫn thi công hoàn thiện, đi vào hoạt động, bà Ánh nói "cái đấy huyện thiết kế cho mà".

Trong khi đó, ông Trần Quang Minh (Bí thư huyện ủy Mèo Vạc) thừa nhận vừa rồi các thông tin trên báo chí đăng rất đầy đủ, ông từ chối nêu các ý kiến về những phát ngôn của bà Ánh, ông nói sẽ gặp gỡ bà này để trao đổi, đồng thời sẽ rà soát lại các cán bộ trong huyện về việc có "hậu thuẫn" cho xây công trình này hay không.

Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia được Bộ Văn hoa-Thể thao và Du lịch xếp hạng hồi tháng 11/2009.

Danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Ngoài ra, khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở nước ta.

Mã Pí Lèng còn được du khách gọi là "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.

Theo Hoàng An-Lê Anh

Cùng chuyên mục
XEM