Vụ Thu Minh: Tranh chấp được giải quyết tại HongKong, doanh nghiệp Việt bất lợi đủ đường

16/08/2016 10:05 AM | Kinh doanh

HongKong là thành phố thuộc hạng đắt đỏ nhất thế giới. Xét về chi phí tố tụng thì nó có thể cao hơn nhiều so với cơ quan tài phán tại Việt Nam và những bất lợi trong việc đi lại, thuê luật sư bảo vệ …

Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gỗ, trong đó Công ty gỗ Gia Hân, đã tố cáo công ty Global Home do ông Otto de Jager – chồng ca sĩ Thu Minh – làm Tổng giám đốc lừa đảo doanh nghiệp.

Có tranh chấp thì ai giải quyết?

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Tuấn Anh Hào, con trai của chủ công ty Gia Hân, một điều khoản trong hợp đồng hai bên là nếu xảy ra tranh chấp thì tranh chấp này sẽ được giải quyết tại Hongkong.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, đã chia sẻ với CafeBiz xung quanh vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho biết theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Trọng tài thương mại Việt Nam thì tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Vì vậy, cần xem xét điều khoản trong hợp đồng về thỏa thuận cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài cụ thể nào? Vào thời điểm xảy ra tranh chấp thì Trung tâm trọng tài này còn tồn tại không?... Chẳng hạn nếu trong hợp đồng ghi rõ cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (HKIAC) thì việc thỏa thuận trọng tài này là có giá trị hiệu lực.

Theo ông Đức Chánh, đối với Luật áp dụng trong hợp đồng, theo khoản 3 Điều 759 Bộ luật Dân sự 2005 thì pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, việc trong hợp đồng các bên có thỏa thuận áp dụng luật của Vương quốc Anh để áp dụng là có giá trị hiệu lực.

“Hiện nay do cả hai bên không công khai các hợp đồng do hai bên ký kết nên chưa thể xác định điều khoản về “Cơ quan giải quyết tranh chấp và Luật áp dụng” có hiệu lực hay bị vô hiệu hay không? Nếu có thì rõ ràng thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Trung tâm trọng tài và luật của Anh mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng sẽ được áp dụng”, luật sư Chánh cho biết.

Doanh nghiệp bất lợi đủ đường nếu tranh chấp được giải quyết tại Hong Kong

Theo luật sư Đức Chánh, chưa nói đến quy định của pháp luật ở nơi giải quyết tranh chấp cụ thể ra sao nhưng một điều dễ nhận thấy là nếu cơ quan tài phán nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam muốn bảo vệ quyền lợi cho mình phải thực hiện các công việc tố tụng tại nước đó.

“Xét về chi phí tố tụng thì nó có thể cao hơn nhiều so với cơ quan tài phán tại Việt Nam và những bất lợi trong việc đi lại, thuê luật sư bảo vệ … cũng là những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt”, luật sư Đức Chánh nhận định.

Thật vậy, HongKong là thành phố thuộc hạng đắt đỏ nhất thế giới. Hãng nghiên cứu Mercer Human Resource Consulting hồi tháng 6 công bố báo cáo Chi phí sinh hoạt (Cost of Living) 2016. Theo báo cáo này, HongKong đứng ở vị trí thứ nhất với giá trung bình một ly café là 7,8 USD (173.000 VND), một chiếc quần jeans giá khoảng 2,8 triệu đồng.

Công ty Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp ở HongKong sẽ tốn rất nhiều chi phí như vé máy bay, nơi ở, sinh hoạt… Rào cản ngôn ngữ cũng là một bất lợi lớn đối với doanh nghiệp Việt. Nếu khởi kiện kéo dài, liệu doanh nghiệp Việt có kham nổi?

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM