Từ "cơn chấn động" chồng Thu Minh bị tố quỵt nợ, đừng bỏ qua bài học đắt giá này

14/08/2016 11:27 AM | Kinh doanh

Các doanh nghiệp Việt khi giao dịch với công ty Global Home đã "nhận" nhiều điều khoản bất lợi như chỉ giao dịch qua email, không nhận đặt cọc trước, các điều khoản thanh toán lỏng lẻo...

“Đã liên quan đến làm ăn kinh tế thì phải rõ ràng. Các doanh nghiệp cần áp dụng các phương thức thanh toán quốc tế để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp. Đọc nhiều bài báo (tố cáo ông Otto de Jager - chồng ca sĩ Thu Minh lừa đảo) thấy nói rõ là đã xuất hàng, chứng từ đầy đủ nhưng không đòi được tiền, như vậy có thể hiểu các điều khoản thanh toán trong Hợp đồng ngoại thương rất lỏng lẻo, không có vai trò của Ngân hàng trung gian phục vụ nhà nhập khẩu cũng như xuất khẩu”.

Trên đây là dòng chia sẻ trên facebook của một bạn đọc về vấn đề các doanh nghiệp gỗ đang có đơn thư tố cáo hành vi "lừa đảo" và thiếu trách nhiệm với đối tác của ông Otto De Jager - chồng ca sĩ Thu Minh.

Trước đó, Công ty TNHH Gia Hân đã lên tiếng về tranh chấp trị giá 20 tỷ đồng với Global Home do ông Otto làm Tổng giám đốc (trên 493.000 USD nợ và 280.000 USD hàng tồn kho). Theo đó, công ty của chồng ca sĩ Thu Minh bị tố không thanh toán các khoản nợ cho Gia Hân dù hàng xuất đi khá đều đặn. Lý do mà Global Home đưa ra là vì hàng xuất không đạt và bị lỗi. Tuy nhiên, phía công ty Gia Hân cho biết, trước khi xuất hàng, phía đối tác đã cho người kiểm tra kỹ và đóng dấu QC công nhận hàng đạt chuẩn.

Ngay sau khi công ty Gia Hân lên tiếng, đồng loạt một số doanh nghiệp gỗ khác cũng đưa ra bằng chứng cho thấy công ty Global Home do ôntg Otto làm tổng giám đốc tại Việt Nam đang cố tình "trốn" nợ như Công ty TNHH Sản xuất - xuất nhập khẩu gỗ Việt Mỹ (Biên Hoà, Đồng Nai) hay Công ty Vinafor Đà Nẵng…

Giao dịch bằng email vẫn có thể coi là bằng chứng để khởi kiện

Trong số những doanh nghiệp trên, chỉ có hai công ty thực hiện ký kết hợp đồng kinh tế rõ ràng với đối tác, còn lại đều là những giao dịch qua thư điện tử (email). Đặc biệt, trong cách thức làm ăn của ông Otto là nhận được đơn hàng xong mới thanh toán, chứ không hề đặt cọc hay ứng trước cho nhà cung ứng một số tiền thoả thuận theo thông lệ.

"Với những doanh nghiệp nhỏ lẻ, có hợp đồng là sướng lắm rồi, nhưng đều thực hiện một chiều. Đây cũng là hệ luỵ của quá trình hội nhập", luật sư đại diện công ty Gia Hân lên tiếng.

Sổ sách chứng từ còn ghi rõ số tiền mà Global Home đang nợ công ty Gia Hân
Sổ sách chứng từ còn ghi rõ số tiền mà Global Home đang nợ công ty Gia Hân

Đánh giá về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật Gia TP.HCM cho rằng theo luật, công ty nhập muốn có hàng thì phải đặt cọc tiền trước và bên xuất sẽ giao hàng theo tiến độ. Thế nhưng, theo như tường trình của Công ty Gia Hân thì họ lại xuất hàng trước rồi nhận tiền sau, trong khi đối tác lại là công ty nước ngoài. Điều này cho thấy họ muốn giữ chân khách hàng.

"Ngược lại, đối tác viện cớ hàng lỗi để không trả tiền là thiếu chuyên nghiệp, không đàng hoàng. Bởi lẽ, nếu thấy phía xuất đưa sản phẩm không đúng quy chuẩn thì cần có văn bản phản hồi và yêu cầu đổi hàng. Vì vậy, Công ty Gia Hân có thể thu thập đầy đủ bằng chứng để kiện ra tòa", vị này nhận xét.

Với vụ việc của Công ty Việt Mỹ, luật sư Nguyễn Văn Hậu và luật sư Hà Hải - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng dù là giao dịch bằng email, đó vẫn là bằng chứng để doanh nghiệp có thể khởi kiện đối tác Global Home.

Nên thuê luật sư tư vấn khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu

Luật sư Châu Huy Quang, điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT cho biết, một nguyên nhân khiến doanh nghiệp dễ bị lừa đảo, đó là không chú trọng đầu tư chi phí pháp lý tư vấn, luật sư hỗ trợ cho các điều tra cẩn trọng về đối tác trước khi quyết định giao kết.

Chính vì vậy, vị luật sư này cho biết, các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc thuê một hãng luật sư chuyên nghiệp tư vấn khi xuất khẩu. Đặc biệt, khi có dấu hiệu “lừa” hay phá bỏ hợp đồng của đối tác, nên cân nhắc biện pháp pháp lý ngay, bao gồm: kiện, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, như: chặn L/C, bắt giữ tàu, niêm phong hàng, phong tỏa tài khoản, cấm xuất cảnh..

Cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VIETGO cho rằng, doanh nghiệp Việt khi hội nhập cần phải tự nâng cao hiểu biết về luật pháp quốc tế và thói quen giao dịch của bạn hàng. Bên cạnh đó, đặc biệt cẩn thận trong việc thanh toán. Cách tốt nhất là khi thảo hợp đồng, nên mở L/C tại ngân hàng.

Cuối cùng là tìm đến các chuyên gia như những người làm xuất nhập khẩu lâu năm hoặc các công ty tư vấn để đảm bảo giảm thiểu tối đa những rủi ro trong giao dịch.

Đối với tình trạng gian lận, lừa đảo qua email, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp, đó là: khi giao dịch với đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam nên dùng email chính thức của công ty thay vì sử dụng các dịch vụ miễn phí từ Gmail, Yahoo… để tránh bị giả mạo hay gần giống email thật (thay đổi một vài chữ gần giống nhau). Nên chủ động yêu cầu đối tác sử dụng email chính thức trong trường hợp đối tác cung cấp email từ các dịch vụ miễn phí kể trên.

Trong giao dịch qua email, các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý địa chỉ người nhận, nhất là các thư gửi những thông tin quan trọng của giao dịch như bản sao bộ chứng từ giao hàng và tài khoản nhận tiền qua điện chuyển tiền. Bên cạnh liên lạc qua email, doanh nghiệp cũng cần có những liên hệ trực tiếp với đối tác thông qua các đường khác, như điện thoại hay fax chính thức. Nhất là khi đối tác yêu cầu thanh toán vào tài khoản khác với tài khoản đã ghi trong hợp đồng ký kết.

Theo Đăng Khải

Cùng chuyên mục
XEM