Vụ kiện Grab, Uber, cuộc chiến cũ - mới cho sự đổi thay

07/09/2019 09:31 AM | Kinh doanh

Vụ kiện tụng gay gắt giữa Grab và Vinasun cho thấy những rắc rối phát sinh về chính sách quản lý các mô hình kinh tế mới, thể hiện sự cạnh tranh và loại trừ giữa cái cũ và cái mới.

Công nghệ mới “tấn công”

Năm 2014, Uber và Grab - những mô hình kinh doanh đặc trưng cho nền kinh tế chia sẻ - chính thức vào thị trường Việt Nam. Với lợi thế về công nghệ, các hãng này đã kết nối với các công ty vận tải, kinh doanh không cần đầu tư xe (sử dụng xe của chính người lái), không phải thuê mướn nhân viên trực tổng đài. Minh bạch lộ trình và chi phí, liên tục khuyến mại cho khách và tặng thưởng để tăng thu nhập cho tài xế là những chiêu thức Uber, Grab đã áp dụng thành công tại thị trường Việt Nam, là yếu tố chính giúp các ứng dụng gọi xe này đánh bại những "ông lớn" taxi truyền thống trong cuộc chiến giành thị phần. Mâu thuẫn từ đó bắt đầu nảy sinh.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn này chính là vụ Vinasun khởi kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền lên tới hơn 41,2 tỷ đồng. Hãng Vinasun cho rằng họ bị thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận sụt giảm trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.

Tháng 10/2017, nhiều tài xế xe Vinasun đã dán biểu ngữ ở đuôi xe với dòng chữ "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam" và "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh".

Chưa tới mức phải ra toà, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có bản kiến nghị về việc dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber do gây "bất an" cho xã hội khi số lượng xe đã lên đến hơn 50.000 chiếc, theo cách họ gọi là "phá vỡ mọi quy hoạch".

Đáp lại, Grab lý giải họ chỉ thực hiện theo đề án thí điểm của Bộ GTVT và vi phạm (nếu có) thuộc về thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng, cũng như không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Cuộc cạnh tranh Grab, Uber ngày càng quyết liệt khi chính hai đại gia này liên tục đưa ra các chính sách để thu hút khách và lái xe. Khi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, chưa hề giảm nhiệt thì thật bất ngờ, Uber đã chấm dứt hoạt động qua một thông báo ngắn gọn và nguyên nhân xuất phát từ một thỏa thuận ở cấp cao hơn.

Trong bối cảnh đó, dường như Việt Nam chưa có một sự tiếp cận chính sách và ứng xử nhất quán, cũng như vấp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy định đối với các mô hình kinh tế mới này. Bản thân cơ quan chức năng cũng tỏ ra lúng túng, không biết xếp Grab và Uber vào đâu - doanh nghiệp taxi hay công ty công nghệ.

Về bản chất, taxi truyền thống và xe hoạt động trên nền tảng công nghệ như Uber, Grab đều thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Sự khác biệt chính nằm ở cách thức, taxi truyền thống kinh doanh dựa trên các mô hình cũ như sơn biểu trưng logo, mào taxi và đồng hồ tính tiền để hành khách có thể nhận biết và bắt xe trên đường; trong khi đó, xe hợp đồng cần phải có hợp đồng vận tải được giao kết trước khi hành khách bước lên xe, và không được đón khách vẫy trên đường.

Từ đó, Đề án 24 chia ra thành dịch vụ taxi và xe chạy hợp đồng để từ đó áp dụng các điều kiện kinh doanh khác nhau. Về điều kiện và quy định kinh doanh vận tải, xe taxi và xe hợp đồng phải tuân thủ hầu hết các điều kiện tương đương nhau như phải có giấy phép và phù hiệu kinh doanh, các quy định về lái xe, đăng kiểm, niêm hạn xe...

"Cách mạng" tư duy

Trước sức ép cạnh tranh gay gắt, các hãng taxi truyền thống buộc phải tổ chức lại hoạt động, áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ khách hàng tốt hơn. Tất nhiên, hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc cạnh tranh này là khách hàng. Họ không những được phục vụ tốt hơn mà còn tiết kiệm được nhiều tiền trong việc đi lại nhờ các đợt khuyến mại ồ ạt đến mức gây ngạc nhiên.

Đến nay, đã có nhiều đơn vị trong nước được cấp phép tham gia vào Đề án 24 gồm: Tập đoàn Mai Linh với M.car, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam với V.Car, Công ty CP Sun Taxi với S.Car, Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội với Thanh Cong Car, Công ty Thương mại và Dịch vụ Linh Trang - Taxi Long Biên với LB.car,...

Vụ kiện Grab, Uber, cuộc chiến cũ - mới cho sự đổi thay - Ảnh 1.

Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc

Bản thân Grab cũng gặp phải áp lực cạnh tranh từ các ứng dụng gọi xe công nghệ mới vừa ra mắt. Hai ứng dụng gọi xe Việt đang hoạt động rầm rộ hiện nay là FastGo và Go-Viet. Vì thế, để giữ chân cả tài xế lẫn khách hàng, Grab đang có những động thái mới đồng thời hướng đến các nền tảng siêu ứng dụng đa dịch vụ.

Trước những cái mới như Grab, Uber, cơ quan chức năng khá nhanh nhạy để bắt kịp. Năm 2016, Grab được Bộ GTVT cho phép triển khai Đề án thí điểm về triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24). Nhờ đó, Grab tiên phong đưa dịch vụ đặt xe công nghệ đến với mọi người dân, giúp việc di chuyển hằng ngày có thể trở nên an toàn, tiện lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều thông qua ứng dụng công nghệ.

Với một loạt thủ tục được đề nghị bãi bỏ, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 (quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nhiều gánh nặng chi phí và tạo sức bật cho taxi truyền thống.

Theo ông Trần Trung Tuyến, Tổng thư ký hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), mô hình kinh tế nền tảng đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ở Việt Nam, nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của nhiều bên liên quan nhờ vào những lợi ích mà các nền tảng mang lại như tăng năng suất, giảm chi phí, tạo ra các thị trường mới, cũng như gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động.

Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mô hình này dần bộc lộ một số khuyết điểm cần đến sự can thiệp của nhà nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người lao động, chống thất thu thuế...

Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Đậu Anh Tuấn, ghi nhận, tuy mới du nhập vào Việt Nam nhưng kinh tế chia sẻ lại là mô hình thay đổi nhanh chóng nên các chính sách để quản lý loại hình này vừa ra đời thường đã lạc hậu, quy định luôn cũ.

Cũng do là mô hình kinh tế mới nên các nhà đầu tư đang quan tâm đến các yếu tố như môi trường đầu tư công nghệ, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định nhu cầu trong nước, chính sách thuế và hệ thống pháp luật thống nhất...

Những lúng túng trong việc xử lý cho thấy sự chậm trễ trong việc xây dựng môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chính vì thế, tìm một mô hình thích hợp để vừa có thể tạo ra được một môi trường cạnh tranh công bằng, vừa không kìm hãm xu thế phát triển chung của thời đại đang là một nhu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (Quyết định số 999/QĐ- TTg) với theo quan điểm cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, và quản lý nhà nước cần đảm bảo cho sự phát triển của các hoạt động kinh tế hợp pháp, bao gồm kinh tế chia sẻ. Đề án đã xác định quản lý nhà nước cần nâng cao năng lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển, tạo lập các nền tảng số.

Theo ĐÔNG SƠN

Cùng chuyên mục
XEM