Đấu trường hàng không Việt ngày càng náo nhiệt và bài học từ Indonesia

07/09/2019 08:24 AM | Kinh doanh

Nếu các hãng dự kiến thành lập đi vào vận hành, Việt Nam sẽ đuổi kịp Thái Lan về số lượng hãng bay nội địa, chỉ xếp sau Indonesia.

Vietstar Airlines, sau khi được cấp Giấy chứng nhận khai thác tàu bay (AOC), đã trở thành hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam. Đây là hãng hàng không đầu tiên được cấp AOC thương mại cho máy bay phản lực thương gia tại Việt Nam. Hãng sẽ hướng tới cung cấp dịch vụ bay VIP cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

KiteAir đã được Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group Trần Trọng Kiên gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đề nghị phê duyệt dự án thành lập hãng hàng không. Với quy mô dự kiến là 30 chiếc máy bay vào năm 2024, cùng sự chèo lái của ông Trần Trọng Kiên (Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh) - người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch -  KiteAir cũng là một đối thủ đáng chú ý trong tương lai.

Với tiêu chí vận chuyển là khâu cốt lõi để giữ khách, giữ được thị trường, một công ty chuyên về du lịch lữ hành là Vietravel cũng đang ấp ủ thành lập hãng bay riêng, với cái tên Vietravel Airlines. Trong kết luận đánh giá đủ điều kiện thành lập hãng bay, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng mô hình hoạt động của Vietravel Airlines là có ở Việt Nam: một hãng hàng không chuyên phụ vụ du lịch.

Với lợi thế về tập khách hàng có sẵn, khoảng 1 triệu khách mỗi năm, Vietravel đã có một lượng khách rất lớn và ổn định để đảm bảo cho các chuyến bay của mình.

Đấu trường hàng không Việt ngày càng náo nhiệt và bài học từ Indonesia - Ảnh 1.

Nếu hồ sơ xin cấp phép bay được chấp thuận, Vinpearl Air sẽ là cái tên tiếp theo góp mặt trong cuộc đua giành thị phần trên thị trường hàng không. Cuộc cạnh tranh này hứa hẹn sẽ rất gay cấn bởi ngoài việc có khả năng lớn về tài chính, Vingroup còn có lịch sử triển khai dự án thần tốc như trường hợp xây nhà máy Vinfast tại Hải Phòng. Tập đoàn này còn có một lợi thế là các dự án khu du lịch nghỉ dướng trải khắp cả nước, nếu bán gói combo du lịch khách sạn kèm vé máy bay có thể sẽ thu hút được khá nhiều khách hàng.

Với các tên mới được ghi nhận, sắp tới Việt Nam sẽ có 9 cái tên sẽ góp mặt trong thị trường hàng không Việt: Vietnam Airlines, VASCO, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways, Vietstar Airlines, Vinpearl Air, Vietravel Airlines và KiteAir.

Ông Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc dự án Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Air, cho biết Việt Nam hiện chỉ có trung bình 1,9 máy bay/triệu dân, trong khi Thái Lan có 4,7 máy bay/triệu dân và con số này ở Malaysia là 9,5. Điều này chứng tỏ dư địa thị trường vẫn còn rất lớn. Bên cạnh tiềm năng, sự cạnh tranh của thị trường này cũng được đánh giá là vô cùng khốc liệt.

Theo Tổ chức vận tải hàng không quốc tế, số hành khách di chuyển bằng đường hàng không có thể tăng gấp đôi vào năm 2037, đạt con số 8,2 tỷ, trong đó phần lớn là nhờ nhu cầu tăng mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong năm quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng khách hàng không nhanh nhất, bên cạnh những thị trường lớn như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Mỹ.

Hiện nay Indonesia đang đứng đầu thị trường hàng không Đông Nam Á với 11 hãng nội địa. Đây là quốc gia có dân số lớn, trải rộng trên hàng nghìn hòn đảo, vì thế hàng không đóng vai trò rất quan trọng. Mật độ lưu thông hàng không ngày càng tăng, các phi công thường xuyên phải làm việc quá giờ.

Alvin Lie, một chuyên gia hàng không, chia sẻ: "Các sân bay mới luôn được nâng cấp. Nhưng vấn đề là hầu hết sân bay cũ đều bị quá tải, các sân bay mới cũng chỉ hoạt động ổn được 5-6 năm rồi cũng bị quá tải vì thị trường tăng trưởng quá nhanh".

Đấu trường hàng không Việt ngày càng náo nhiệt và bài học từ Indonesia - Ảnh 2.

Ngoài sự phát triển về quy mô, các hãng hàng không giá rẻ tại quốc gia này cũng hay gặp vấn đề về an toàn hàng không. Năm 2013, một phi công "lính mới" của hãng Lion Air điều khiển máy bay chạy quá đường băng và rơi xuống biển gần sân bay Denpasar, may mắn không có ai thiệt mạng. Năm 2017, một máy bay của hãng này va chạm với máy bay của hãng Wings Air khi hạ cánh tại sân bay Kuala Namu.

Trước tình hình đó, chính phủ Indonesia đã nỗ lực đáng kể trong giám sát pháp lý, tăng cường nhân lực, cơ sở hạ tầng liên lạc và an toàn sân bay. Đầu năm 2018, Jakarta Post đưa tin, chính phủ đang phải tập trung xử lý các trường huấn luyện bay kém chuẩn.

Việt Nam đang trở thành một quốc gia có mức độ hội nhập rất sâu so với thế giới. Chính điều này đã kéo du lịch tăng trưởng, tạo điều kiện nhưng đồng thời cũng là sức ép đối với hàng không Việt.

Hạ tầng hàng không đang là bài toán cấp bách trong tăng trưởng dài hạn. Nhiều sân bay tại các thành phố lớn phải hoạt động quá công suất, như sân bay tại Tp. Hồ Chí Minh là 130% và Nha Trang là 320%. Sân bay Nội Bài cũng phát hiện sự xuống cấp ở một số đường băng.

Tại buổi giao ban thường kỳ tháng 8 của Bộ GTVT ngày 29/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, nếu không làm sớm quy hoạch mở rộng sân bay thì Nội Bài cũng sẽ rơi vào tình trạng ùn tắc như Tân Sơn Nhất.

Các dự án nghìn tỷ gần đây như sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư 336.000 tỷ đồng, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn 7.700 tỷ đồng cũng cho thấy hạ tầng hàng không đang là một vấn đề cấp thiết trong dài hạn.

Ngoài hạ tầng, nguồn nhân lực cũng đang ghi nhận sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng. Trước tình hình đó, Vingroup cho biết đã thành lập trường Đào tạo Nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School). Dự kiến mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế được cung ứng ra thị trường.

Tuy nhiên, với tình trạng khan hiếm nhân lực ngành hàng không hiện nay, Vinpearl Air cũng như nhiều hãng bay nội địa khác vẫn phải tìm cách giải bài toán khó này nếu muốn nâng tầm cạnh tranh trong tương lai.

Theo Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM