Vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc là gì?

15/08/2019 10:51 AM | Xã hội

Không phải thuế quan hay cảnh sát chống bạo động, “bàn phím” mới được xem là vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc khi đối mặt với những vấn đề thương mại và căng thẳng ở Hồng Kông.

Trên đây là bình luận của hãng tin Bloomberg hôm 14-8.

Trong những ngày gần đây, một số thương hiệu toàn cầu phải lên tiếng xin lỗi sau khi đội ngũ người dùng internet đông đảo ở Trung Quốc kêu gọi tẩy chay sản phẩm và trang web của một công ty mô tả Hồng Kông là "quốc gia" thay vì đặc khu.

Đối mặt với các đám mây bão địa chính trị, vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc có thể không phải là thuế quan hay cảnh sát chống bạo động mà là những người dùng máy tính bình thường.

Vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc là gì? - Ảnh 1.

Người biểu tình tại sân bay ở Hồng Kông. Ảnh: Bloomberg

Trong quá khứ, Bắc Kinh cũng tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng trực tuyến. Và gần đây, một số thương hiệu toàn cầu bao gồm Versace và Calvin Klein, buộc phải có những hành động mang tính nhượng bộ.

Người tiêu dùng tại "đất nước tỉ dân" đóng vai trò là một lực lượng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thay đổi các vấn đề địa phương như sữa bị nhiễm độc và vắc-xin không đạt chuẩn. Điều này cũng phát huy hiệu quả trong chính trị nếu họ phát động làn sóng tẩy chay trên các mạng xã hội. Đồng sáng lập Công ty tư vấn Trivium China, Andrew Polk, trụ sở ở Bắc Kinh, gọi đây là "phản ứng dân tộc trên internet".

Theo ước tính từ Công ty tư vấn Bain & Co, người mua từ Trung Quốc chiếm ít nhất 1/3 doanh số bán hàng xa xỉ của các công ty toàn cầu hiện tại và 2/3 tăng trưởng của ngành. Các công ty toàn cầu ngày càng tin tưởng vào tầng lớp trung lưu giàu có của Trung Quốc cũng như thị trường tiêu dùng đang phát triển ở đây.

Ngay cả những công ty không bán hàng hoá trực tiếp cho người tiêu dùng Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị nhắm mục tiêu trên các mạng xã hội. Chẳng hạn Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC - trụ sở tại Anh) đã một phen khốn đốn sau khi một bài đăng trực tuyến được cho là từ công ty này xuất hiện trên internet, nội dung kêu gọi hỗ trợ làn sóng biểu tình ở Hồng Kông. Dù thanh minh bài đăng là "lừa đảo" nhưng PwC không thể xoa dịu tình hình, ngược lại gây ra sự bất mãn lan rộng vì "không mạnh mẽ lên án các cuộc biểu tình".

Người dùng mạng xã hội Trung Quốc hồi tháng 6 cũng bày tỏ sự phẫn nộ sau khi một chuyên gia kinh tế của UBS Group AG sử dụng cụm từ "lợn Trung Quốc" trong một báo cáo về tác động của dịch cúm lợn. Ngân hàng tại Thụy Sĩ này sau đó phải công khai xin lỗi.

Năm 2017, căng thẳng song phương khiến các công ty Hàn Quốc bao gồm Hyundai và Lotte tại Trung Quốc bị tẩy chay và sụt giảm doanh thu.

Theo Phạm Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM