Vụ Hoài Linh bị tố nợ tiền gỗ xây dựng nhà thờ tổ: Người làng nghề mộc Liên Hà lên tiếng, chính quyền xã khẳng định "cứng"
Theo chính quyền xã Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, trong xã chưa có thông tin người làng nghề từng tham gia xây dựng nhà thờ tổ của NS Hoài Linh.
"Nếu ai trong làng nghề làm đồ gỗ cho công trình trăm tỷ, chúng tôi đều biết"
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook xôn xao thông tin nghệ sĩ (NS) Hoài Linh bị 1 netizen tố nợ tiền gỗ xây Nhà thờ Tổ.
Theo bình luận của netizen này đăng tải, công trình 100 tỷ nam danh hài xây dựng dù đã khai trương từ năm 2016 nhưng vẫn chưa thanh toán hết tiền vật liệu gỗ xây dựng.
"Mẹ đẻ mình vừa bảo xong đây. Nhà ấy ở làng nghề Liên Hà, Đan Phượng. Mẹ mình cho nhà đó vay 200 triệu mà không đòi được vì nhà ấy không đòi được tiền gỗ của Hoài Linh", người này cho biết.
Dòng tin tố NS Hoài Linh
Nhà thờ tổ NS Hoài Linh khai trương từ năm 2016
Bên cạnh đó, có netizen cũng cho rằng có nhà chuyên làm gỗ cho chùa chiền đang kêu trời do không đòi được tiền gỗ của nhà thờ Hoài Linh.
Ngoài thông tin trên, người tố NS Hoài Linh chưa trả tiền vật liệu xây dựng hiện cũng không đưa ra thêm bất cứ bằng chứng nào. Để có thêm thông tin về sự việc, chiều 22/6, chúng tôi đã tìm về làng nghề Liên Hà (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội).
Theo quan sát, dọc con đường đi vào làng nghề Liên Hà là những hộ gia đình, doanh nghiệp làm nghề sản xuất, buôn bán gỗ nội thất như giường, tủ... Khi được hỏi về tin đồn một người trong làng nghề không đòi được tiền gỗ của NS Hoài Linh, tất cả đều tỏ ra bất ngờ.
Con đường đi vào làng nghề Liên Hà (xã Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội)
Các hộ dân làm đồ gỗ san sát nhau
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng (chủ cửa hàng sản xuất đồ gỗ ở xã Liên Hà) cho biết, ông vừa biết tin đồn một người trong làng nghề không đòi được tiền gỗ của NS Hoài Linh.
"Thông tin này khả năng không chính xác, nếu như ở xã Liên Trung (Đan Phượng, Hà Nội) thì tôi còn tin vì ở đó có một số người buôn loại gỗ to, loại gỗ có tên tuổi", ông Thắng nói.
Là một người làm nghề lâu năm, ông Thắng cho rằng, để làm nhà thờ thì cần những loại gỗ tốt nhưng dường như ở làng nghề Liên Hà không có loại gỗ này.
Cùng quan điểm với ông Thắng, anh Hoàng Văn Bình (xã Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội) cho rằng, thông tin trên về NS Hoài Linh sai đến 90%.
Người dân trong làng nghề Liên Hà đều cho rằng thông tin một người dân trong làng chưa được NS Hoài Linh trả tiền gỗ là tin đồn thất thiệt
"Tôi đọc được thông tin này từ trưa nay vì xôn xao trên các fanpage của huyện Đan Phượng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đây chỉ là tin đồn thất thiệt vì làng nghề chúng tôi không có ai làm đồ gỗ cho nhà thờ, chùa chiền. Ngay cả ở trong làng, nếu nhà ai xây nhà thờ thì cũng phải thuê thợ khác về vì thợ ở đây chỉ biết làm nội thất", anh Bình phân tích.
Theo anh Bình, trong làng nghề, các chủ xưởng gỗ, công nhân luôn giao tiếp với nhau, nếu có người làm nhà thờ cho NS Hoài Linh thì sẽ rất nổi tiếng.
"Chúng tôi là dân kinh doanh, nếu ai trong làng nghề làm đồ gỗ cho công trình hàng trăm tỷ thì chúng tôi đều biết. Bên cạnh đó, họ cũng muốn quảng bá thông tin này ra ngoài chứ", anh Bình nói thêm.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm là nghề, anh Bình nhận định: "Hiện tại, làng chúng tôi cũng rất hiếm có những loại gỗ quý để làm nhà thờ, chùa chiền. Nếu có, người dân đều mang về làm nhà thờ cho nhà mình chứ không bán".
Chính quyền xã Liên Hà nói gì?
Ông Nguyễn Quang Lục, Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, trong làng nghề Liên Hà có tổng cộng 226 hộ thuê đất sản xuất đồ gỗ. Tuy nhiên, không có hộ dân nào sản xuất đồ thờ, chùa chiền.
Trong xã Liên Hà có 226 hộ dân làm đồ gỗ nhưng không có ai làm đồ thờ
Về thông tin về một người dân trong làng nghề Liên Hà chưa được NS Hoài Linh trả tiền, ông Lực cho rằng, chắc chắn làng nghề xã mình không có.
"Phải chăng ở đây có sự nhầm lẫn giữa làng nghề Liên Hà (huyện Đông Anh) và làng nghề Liên Hà (huyện Đan Phượng). Tôi đã từng đi làng nghề Liên Hà ở Đông Anh rồi, ở đó mới đúng là làm đồ thờ, đồ cổ", ông Lục nhấn mạnh.
Theo ông Lực, làng nghề trong xã cũng có xuất khẩu vào Phú Quốc, Đồng Nai, TP.HCM nhưng chỉ có những mặt hàng như giường, tủ và chủ yếu là đồ trơn.
"Có thể người đăng thông tin trên chỉ biết làng nghề Liên Hà làm đồ gỗ nhưng không biết làng nghề xã chúng tôi chỉ làm gỗ nội thất. Hơn nữa, NS Hoài Linh cũng không đến tận xã Liên Hà chở đồ ở đây về đâu", ông Lục nói.
Dưới đây là một số hình ảnh khác về làng nghề Liên Hà
Một xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất của một hộ dân trong làng nghề
Các công nhân miệt mài làm việc để sản xuất ra những chiếc giường, tủ...
Các công đoạn đều được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận
Một số hộ dân mang ra phơi khô sản phẩm
Sau khi hoàn thành, họ sẽ chở từ xưởng ra cửa hàng
Hoặc cho lên xe đi xuất khẩu
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều hộ dân không bán được hàng
Chú ý, tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi