Vụ Grab thâu tóm Uber: Liệu có khả năng vi phạm Luật cạnh tranh?

07/04/2018 13:40 PM | Kinh doanh

Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là hình thức phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm gần đây, hình thức này được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần cũng như mở ra cơ hội tăng trưởng mới.


Trong thời gian qua, tại Việt Nam cũng đã có hàng trăm thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, đơn cử như Thế giới di động mua lại Trần Anh hay Tập đoàn Thaibev, đơn vị sở hữu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage đã mua thành công 53,59% cổ phần của Sabeco.

Thế nhưng vì sao thương vụ mua bán, sáp nhập giữa hai hãng cung cấp dịch vụ vận tải là Grab mua lại Uber Đông Nam Á lại khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Vi phạm luật cạnh tranh?

Hôm 26/3, Grab Việt Nam chính thức phát đi thông cáo cho biết hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Grab thu mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á và tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính hàng đầu của Grab.

Không chỉ qua thương vụ này mới nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận mà từ lâu nay, việc xác nhận Grab và Uber là hãng taxi hay chỉ là nơi kết nối dịch vụ cũng chưa được xác định rõ ràng cũng đã gây ra nhiều tranh cãi.

Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi chưa sáp nhập, cả hai doanh nghiệp Grab và Uber thường xuyên cạnh tranh với nhau khốc liệt cả ở khuyến mại, giảm giá cũng như tỷ lệ chiết khấu giành cho lái xe. Nhưng khi sáp nhập lại, chuyển cho nhau dữ liệu khách hàng, thống nhất mức giá và dịch vụ thì đứng từ góc độ pháp lý, sẽ phải đặt câu hỏi liệu có vi phạm Luật cạnh tranh hay không. 

"Với các thị trường có dấu hiệu của việc độc quyền hay thống lĩnh hay các vụ việc mua bán, sáp nhập có ảnh hưởng thì cơ quan cạnh tranh nên chuẩn bị các dữ liệu thị trường để có thể nhanh chóng xác định việc có vi phạm hay không," ông Đức nêu ý kiến.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ quan ngại việc "bắt tay" có thể dẫn đến khả năng độc quyền, chiếm lĩnh thị trường.

Ông Hùng cho rằng, nếu như trước đây còn Uber thì còn mã khuyến mãi để cạnh tranh với Grab, nhưng hiện nay chỉ có một doanh nghiệp độc quyền sẽ rất khó cho người tiêu dùng. Thậm chí, khi tập trung vào một doanh nghiệp thì còn khó khăn hơn với taxi truyền thống.

Vụ Grab thâu tóm Uber: Liệu có khả năng vi phạm Luật cạnh tranh? - Ảnh 1.

Ứng dụng gọi xe trên Grab.

Áp biện pháp phòng vệ nếu Grab độc quyền

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt" vào sáng 6/4, ông Hồ Quốc Phi, Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc cho biết, nếu như trước đây Uber, Grab hoạt động riêng rẽ đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành taxi nhưng nay 2 công ty cực mạnh này kết hợp lại thì dự kiến taxi truyền thống sẽ còn khó khăn hơn.

Còn theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, hiện nay, taxi công nghệ như ‘con cá mập’ đang tấn công mạnh mẽ vào thị trường, lợi dụng kẽ hở của pháp luật (quy định xe chạy Uber, Grab phải đăng ký vào Hợp tác xã mới được cấp phù hiệu xe hợp đồng nhưng bản thân Hợp tác xã chỉ là bình phong để Grab/Uber hoạt động) để tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Thực tế, ngay khi có thông tin Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, ngày 27/3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Grab cung cấp tài liệu liên quan đến thương vụ này, nhằm xem xét, đánh giá việc mua lại trên theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Luật Cạnh tranh 2004 quy định, những trường hợp mua bán, sáp nhập (M&A) có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế. 

Trường hợp cụ thể nếu thị phần sau khi Grab mua Uber trên 30% thì doanh nghiệp phải gửi báo cáo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán. Trường hợp thị phần sau sáp nhập trên 50% thì thương vụ sẽ thuộc diện bị hạn chế, trừ trường hợp miễn trừ mới được phép tiến hành.

"Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã mời Grab lên làm việc để tiếp tục xác định và đánh giá thương vụ việc mua bán sáp nhập này trước khi đưa ra kết luận cuối cùng," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Mặc dù còn nhiều lo ngại xung quanh thương vụ mua bán, sáp nhập trên, song khi quan sát thị trường dịch vụ vận tải trong gần 2 tuần qua, cụ thể là sau khi Grab tuyên bố mua lại Uber, nhiều khách hàng đã thấy những thay đổi đáng kể trên thị trường dịch vụ vận tải của Việt Nam. 

Đơn cử, sự rút lui của Uber đã kích hoạt cuộc đua ứng dụng công nghệ đặt xe và các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ và vận tải nội địa đã đồng loạt có những bước thay đổi. Đó là việc hãng vận tải Phương Trang đầu tư 2.200 tỷ đồng vào ứng dụng gọi xe sau khi Uber rút lui.

Hay là việc hãng taxi Mai Linh cùng với rất nhiều tuyên bố ưu đãi về giá cước (như không tăng phụ phí trong giờ cao điểm), đưa ra dịch vụ đặt xe qua tổng đài (gọi số 1055 trên toàn quốc), thu hút tài xế từ Uber, Grab về đầu quân…

Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, những động thái trên là tích cực nhưng điều đó không hoàn toàn vì lý do Grab và Uber sáp nhập, bởi lẽ để tung ra các chương trình như vậy, các hãng xe cũng đã có sự chuẩn bị từ trước.

"Cũng phải nhìn nhận khi Grab và Uber sáp nhập với nhau thì ít nhất ở thời điểm mà họ chưa thể cung cấp dịch vụ đại trà trên thị trường, có thể Grab giảm các gói khuyến mại và dẫn đến việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng một số gói dịch vụ của Phương Trang hay Mai Linh," ông Đức chia sẻ thêm.

Theo ĐỨC DUY

Cùng chuyên mục
XEM