Vụ cướp ở Hà Nội và lý do khiến chàng trai Mỹ đi khắp thế giới muốn sống cả đời ở Việt Nam
Năm 2019, tôi bị cướp ví tại Hà Nội. Lúc đó, tôi thật sự hoang mang vì bị mất hết giấy tờ, tiền bạc. Nhưng 6 tuần sau, một chuyện thần kỳ đã xảy ra.
"Trước khi đến Việt Nam, tôi chưa từng biết gì về đất nước này. Tôi đã sang Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia,… mãi khi tình cờ đến Việt Nam, được một người hàng rong đặt cho cái tên Phúc Mập, nghe câu chuyện chiến tranh bi thương từ bố, tôi quyết định sẽ là dành thời gian còn lại ở lại đây."
---
Giữa năm 2014, tôi quyết định rời Mỹ.
Lúc ấy, bạn bè của tôi đều sốc. Tôi từng theo học ngành luật tại Đại học Central Florida, đang làm pha chế tại quán bar, tiền bạc rủng rỉnh cho một cuộc sống độc thân. Nhưng tôi thấy nhàm chán.
Tôi tìm hiểu về các nước châu Á và lên kế hoạch đi đây đó trong vòng một năm trước khi quay lại Mỹ. Hành trình bắt đầu ở Thái Lan trong 2 tuần, Malaysia 1 tuần, Campuchia 2 tuần, và lên xe bus đến Sài Gòn vào giữa tháng 9.
Với tôi, Sài Gòn là nơi đáng sống nhất hành tinh này! Con người thân thiện nhất, đồ ăn ngon nhất, văn hoá đẹp nhất và… kẹt xe nhiều nhất!
Ngày đầu mới đến, tôi ở một khách sạn ở Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), ăn buổi tối bằng tô hủ tiếu lề đường với giá 30.000 đồng, điều khiến tôi phải thốt lên: "Sao có món ăn ngon mà rẻ như vậy". Sang ngày thứ hai, tôi tập chạy xe máy, một kỷ niệm vừa vui nhộn, vừa kinh hoàng.
Tháng 9, Sài Gòn vẫn đang ở những ngày cuối cùng của mùa mưa. 5 giờ chiều, tôi phải nhích từng chút về nhà. Kẹt! Kẹt! Kẹt xe khắp nơi khi cơn mưa tầm tã vẫn đổ xuống đầu, cơ thể ướt nhẹp. Đấy là lần đầu tôi gặp mưa lớn và kẹt xe kinh khủng như thế trên thế giới.
Đổi lại, ở Việt Nam chỉ 2 tuần tôi đã có nhiều người bạn. Họ không phải là ai xa lạ, mà chính là cô bán bánh tráng trộn, chú hàng rong, bà chủ quán cơm nơi tôi ăn thường xuyên…
Khác với Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, những nơi tôi từng đến, người dân đều hạn chế trò chuyện với người ngoại quốc. Thứ nhất, họ ngại tiếp xúc người lạ. Thứ hai, họ không biết nhiều ngoại ngữ. Tại Việt Nam, mọi người luôn vui vẻ "buôn" chuyện với tôi. Họ sẵn sàng dùng tay chân múa máy cả lên, hoặc gọi cả con, cháu mình đứng cạnh để dịch cho họ hiểu những gì tôi nói.
Tôi ra đường, mấy chị hàng xóm chạm vào da tôi, họ trầm trồ khen: "Ồ da trắng thế! Lông đẹp thế! Chị ước được da trắng như này", rồi tủm tỉm cười. Những ánh mắt thật thà, giọng cười rổn rảng rất đỗi tự nhiên khiến tôi thật sự yêu quý họ.
Tôi biết, một vài bạn bè của mình đã đến và rời khỏi Việt Nam sau 1-2 tuần, vì nhiều lý do. Có người nói họ không thích sự thân thiện quá mức của người Việt. Nhưng tôi thì khác.
Năm 2019, tôi bị cướp ví tại Hà Nội. Lúc đó, tôi thật sự hoang mang vì bị mất hết giấy tờ, tiền bạc. Mãi cho đến 6 tuần sau, có người gửi tin nhắn đến: "Anh bị mất ví tiền phải không? Tôi tìm được nó cách Văn Miếu 2km". Tôi ngỡ ngàng, không thể tin đó là sự thật, cho đến khi nhận lại chiếc ví, bên trong giấy tờ vẫn còn nguyên.
Đã 6 tuần, và người nhặt được ví còn sẵn sàng tìm đủ mọi cách để gửi lại nó cho tôi, dù khi đó tôi đã trở lại Sài Gòn. Người Việt Nam tốt bụng và nhân hậu như thế đấy!
Tôi yêu Việt Nam khi nào à? Đó có lẽ là câu chuyện khá kỳ cục vào năm 2015. Tôi quyết định đi phượt cùng vài người bạn ngoại quốc. Chúng tôi dừng chân tại đèo Hải Vân, cậu bạn đề nghị: "Anh tên Phúc Bao (được ghép từ tên 2 người học trò của anh ấy-PV), nên em sẽ tên Phúc Báu".
Chị hàng rong ngồi cạnh khi nghe tôi phát âm tên mình đầy khó khăn đã bật cười, cô ấy bảo: "Béo quá gọi là Phúc béo chứ Phúc Báu làm gì!". Thế là cái tên Việt Nam đầu tiên của tôi ra đời.
Tôi trở về Sài Gòn, dặn hàng xóm hãy gọi tôi là Phúc Béo. Họ chỉnh ngay, "Ở Sài Gòn thì lấy mập đi, mập nghe dễ thương hơn…". Từ đó, suốt 7 năm, tôi không sử dụng cái tên Mỹ của mình nữa, tôi tự hào giới thiệu với tất cả người tôi gặp rằng tôi tên là Phúc Mập.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất ở Việt Nam à? Đó là cái Tết nguyên đán năm 2015, Tết đầu tiên tại Huế. Hôm đó, người ta đổ ra đường đông đúc, mua sắm, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Tôi đã rất háo hức chờ vào một ngày lễ như Giáng sinh vào sáng hôm sau.
Nhưng hôm sau, khi tôi thức dậy, đường phố vắng tanh, không có bất kỳ người nào ngoài đường. Cứ như thể họ đã bốc hơi khỏi nơi mình sống vậy.
Chúng tôi đã "ăn Tết" gần 1 tuần mà gần như chẳng có gì để ăn cho ra hồn, bụng trống rỗng nhưng không dám rời khách sạn vì sợ không có nơi dừng chân. Sau này tôi mới biết đó là Tết Nguyên đán, thời gian để người Việt Nam quây quần bên gia đình và người thân của họ mà thôi.
Sau này, tôi cưới vợ và bắt đầu cuộc sống ở rể tại Việt Nam, tôi đã được ăn những cái Tết theo cách của người Việt. Phải nói đây là một nét văn hoá tuyệt đẹp. Chúng tôi bên cạnh nhau, trang hoàng nhà cửa, tặng bao lì xì, chúc mừng năm mới, ăn uống linh đình. Tình cảm lắm!
Anh Phúc Mập trong đám hỏi tại Việt Nam. Ảnh: NVCC
Một lần khác, tôi ra chợ và mua nhầm bộ đồ của phụ nữ Việt Nam để mặc, tiện thể mua một con gà làm thú cưng. Tất cả mọi người đã cười ầm lên, nhưng tôi nghĩ họ cười vì tôi là người ngoại quốc mặc đồ Việt Nam. Ấy thế, có bạn đã chụp tấm ảnh funny đó và nó lan truyền trên internet với tốc độ chóng mặt.
Tôi bắt đầu đến với quốc gia này một cách mơ hồ, chưa từng biết Việt Nam ở đâu trên bản đồ? Con người ra sao? Văn hoá như thế nào? Ngoại trừ những câu chuyện chiến tranh bi thương nghe từ bố. Nhưng rồi khi đã đến, tôi như bị gắn chặt với Việt Nam. Tôi cũng đã sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh Quốc, Hồng Kông, Indonesia và nhiều nơi khác trên thế giới,… nhưng đi chán rồi lại quay về Việt Nam.
Có người gọi chúng tôi là "Tây Balo" - một từ không hẳn là dễ chịu cho lắm để chỉ những người nước ngoài không nghề nghiệp, không quan tâm đến đất nước khác mà chỉ đến để kiếm tiền, du lịch, thậm chí là gái. Nhưng tôi không quan tâm!
Tôi đã từng sống ổn ở Mỹ, có công việc kiếm được khá tiền. Nhưng tôi vẫn chọn Việt Nam.
Năm 2019, tôi còn dùng chính câu chuyện của mình để lên án nạn bắt trộm chó tại Việt Nam. Gần đây, qua chương trình "Nhập gia tuỳ tục" của VTV, tôi bắt đầu nói nhiều về chuyện ăn thịt động vật, đặc biệt là ăn thịt chó. Tôi chỉ và đang làm điều gì đó tốt đẹp cho nơi mình yêu thương.
Tôi biết có những người Việt Nam đã rời quê hương để sang Mỹ tìm kiếm cơ hội. Họ từng hỏi tôi tại sao lại làm ngược lại, tôi chỉ cười: "The grass is always greener on the other side of the fence" (Cỏ luôn xanh hơn ở bên kia hàng rào).
Tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với mẹ, vẫn về Mỹ mỗi năm thăm gia đình. Nhưng rồi tôi lại quay về Việt Nam. Mẹ tôi đã không còn cấm cản khi tôi bảo muốn dành thời gian còn lại để sống ở đất nước này.
Một buổi chiều khi tôi ngồi ở bãi biển Nha Trang, có cậu bé chạy tới, rất phấn khởi hỏi tôi: "Chú Phúc Mập, chú Phúc Mập, con gà của chú đâu?". Tôi đã cười rất nhiều.
Ít nhất, đến bây giờ, đã có nhiều người Việt Nam xem tôi là người Việt Nam như vậy!
Anh "Phúc Mập" trong bộ đồ nữ mua nhầm và chú gà cưng của mình. Ảnh: NVCC