VPBank bất ngờ vượt qua Viettel, trở thành doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cả nước

18/10/2023 16:47 PM | Kinh doanh

Sau 10 năm liền là doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cả nước, Viettel năm nay đứng ở vị trí số 2, sau VPBank.

VPBank bất ngờ vượt qua Viettel, trở thành doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cả nước - Ảnh 1.

Theo số liệu do Tổng cục Thuế công bố kể từ năm 2016 đến nay, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân Đội (Viettel) luôn là doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trước đó, báo cáo do Vietnam Report công bố trong giai đoạn 2012-2015 cũng cho biết Viettel là doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất.

Tuy nhiên, danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2022 (V.1000) do Tổng cục Thuế vừa công bố đã ghi nhận lần đầu tiên Viettel bị đẩy xuống vị trí thứ 2.

Soán ngôi Viettel năm nay là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Năm ngoái, VPBank đứng ở vị trí thứ 8.

Các doanh nghiệp khác trong top 10 vẫn là những cái tên quen thuộc, như Honda, Vietcombank, Agribank, GAS, BIDV, Samsung Thái Nguyên, MB, Thế Giới Di Động. Trong đó Thế Giới Di Động từ hạng 21 năm ngoái tăng lên hạng 10 năm nay.

VPBank bất ngờ vượt qua Viettel, trở thành doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cả nước - Ảnh 2.

Về đóng góp vào ngân sách Nhà nước, theo kết quả thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp của các doanh nghiệp trong V.1000 năm 2022 chiếm 58,2%, tổng thu ngân sách về thuế thu nhập doanh nghiệp và bằng 85,1% so với số đã nộp các doanh nghiệp trong V.1000 năm 2021.

Qua 6 năm thực hiện, có 301 doanh nghiệp có 7 năm liên tiếp nằm trong V.1000 của năm 2022, 2021, 2020, 2019, 2018, 2017 và 2016.

Trong V.1000 năm 2022 có 331 doanh nghiệp trong V.1000 năm 2021 bị loại ra, đồng thời có 331 doanh nghiệp bổ sung vào V.1000 năm 2022. Qua rà soát, nguyên nhân chủ yếu của 331 doanh nghiệp bị loại ra khỏi V.1000 năm 2022 là do được lùi thời gian thực hiện tạm nộp thuế TNDN năm 2022 vào đầu năm 2023.

Một số doanh nghiệp nộp trong năm 2021 lớn do nộp cho các hoạt động phát sinh không thường xuyên, đặc thù (chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, bán máy móc thiết bị y tế phục vụ dịch Covid, hoạt động khác); doanh nghiệp nộp cho quyết định truy thu của các cơ quan có thẩm quyền trong năm 2021…

Trong số 331 doanh nghiệp bổ sung vào V.1000 năm 2022 chủ yếu là nhờ doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động phát sinh không thường xuyên (chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, hoạt động khác); nộp cho quyết định truy thu của các cơ quan có thẩm quyền trong năm 2021.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có số tạm nộp trong năm 2022 lớn hơn số phát sinh phải nộp; doanh nghiệp tăng vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động dẫn đến tăng doanh thu, thu nhập 2022; doanh nghiệp hoàn thành dự án, nghiệm thu công trình đi vào hoạt động chính thức có doanh thu.

Hà My

Từ khóa:  VPBank , Viettel
Cùng chuyên mục
XEM