Với nhiều người có một thứ còn đáng sợ hơn cả cái chết, đó chính là nói trước đám đông
Không phải nguy hiểm, đói nghèo hay bệnh tật, khi được hỏi về điều gì là đáng sợ nhất câu trả lời khiến nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ?
Theo nghiên cứu gần đây từ các nhà khoa học, có một nỗi sợ còn lớn hơn cả "sợ chết", được xem là "cơn ác mộng khủng khiếp" của hơn 75% dân số, thậm chí 10% trong số đó mất kiểm soát khi nghĩ đến nó. Đó chính là “Sợ nói trước đám đông”.
Theo mô tả, các triệu chứng của nỗi sợ này bao gồm: Đau thắt dạ dày, ra mồ hôi tay, khô miệng, cổ họng đặc lại... Những biểu hiện này bắt nguồn từ Adrenaline - một loại hóc môn căng thẳng - giải phóng trong cơ thể; đây là phản ứng tự nhiên của con người khi bị săn đuổi hay đối mặt với thú dữ... Khi đó, cơ thể buộc ta phải chuyển sang trạng thái hành động để chạy trốn khỏi sự đe dọa cực độ đang đến.
Người thành công có sợ nói trước đám đông?
Đây không chỉ là căn bệnh ám ảnh các bạn từ hồi học sinh, sinh viên mà còn là "kẻ thù khó trị nhất" của những bậc kỳ tài trên thế giới.
Trước đây, Abraham Lincoln - chủ nhân bài diễn văn lừng danh Gettysburg, một trong 03 vị tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ - mỗi khi bắt đầu bài diễn thuyết đều “sợ sệt, tay chân thừa thãi, mặt mũi nhăn nhó, động tác khó hiểu..."
"Hai đầu gối run lên cầm cập, mồ hôi ướt áo..." Đó là tình trạng lần đầu đứng trên sân khấu của James Zumwalt, diễn giả nổi tiếng ở Mỹ.
Nhà đầu tư số một thế giới - Warren Bufett cũng từng thú nhận: "Khi còn học ở phổ thông lẫn đại học, tôi rất sợ phải nói trước đám đông và tôi chưa bao giờ làm được việc đó..."
Bản lĩnh và can đảm quyết định kẻ thành bại
Những con người vĩ đại cũng từng có những giây phút yếu đuối, sợ hãi bình thường như bao người. Tuy nhiên, họ khác biệt ở chỗ thay vì chịu đầu hàng trước nỗi sợ hãi trần gian đó, những con người này đã từng bước vượt qua, chinh phục và làm chủ nó.
Sự thành công của họ không có gì là bí ẩn, đều cần có công thức và sự can trường. Nỗi sợ về cơ bản giống nhau, chỉ có bản lĩnh, tham vọng và sự can đảm mới quyết định sự thành bại. Bạn cũng có thành bậc thầy diễn thuyết nếu rèn luyện những kỹ năng dưới đây:
1. Nắm bắt mọi cơ hội.
Để nói chuyện tự tin hơn, bạn cần tận dụng mọi cơ hội khi giao tiếp, chủ động khơi gợi chủ đề và nói ra quan điểm của bạn; “góp gió thành bão” - kinh nghiệm từ những buổi nói chuyện sẽ giúp bạn vượt qua sợ hãi.
2. Chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng.
Theo một số nghiên cứu, việc chuẩn bị, luyện tập kỹ lưỡng bài trình bày sẽ giúp giảm đến 75% cảm giác run sợ trước đám đông. Vì vậy, đầu tư thời gian và công sức để chuẩn bị bài trình bày là cách hữu hiệu để giảm thiểu lo lắng và nâng cao sự tự tin trước đám đông.
3. Thả lỏng cơ thể.
Không có người nghe nào đánh giá bạn là người tự tin khi thấy ngôn ngữ cơ thể của bạn cứng nhắc với những cử chỉ, động tác giống hệt như robot.
Để giải quyết điều này, trước khi bước ra trình bày, hãy hít thở sâu, thả lỏng để cơ thể thư giãn hơn; các cử chỉ, hành động phải dứt khoát; hãy đứng thẳng người, hai chân vững vàng trên mặt đất, giao tiếp với mọi người bằng mắt và thường xuyên mỉm cười.
4. Chuẩn bị tâm lý trước những tình huống bất ngờ.
Thỉnh thoảng, trong buổi nói chuyện bạn sẽ rơi vào những tình huống “khó đỡ”, vì vậy, bạn cần chuẩn bị tâm lý để giữ được bình tĩnh; hãy tưởng tượng trước một vài tình huống có thể phát sinh và suy nghĩ cách giải quyết chúng.
5. Đừng sợ người nghe “ăn thịt” bạn.
Bạn cần nhớ rằng mọi người đang ngồi nghe bạn nói, chứ không phải đang rình rập để tấn công “ăn thịt” bạn. Vì thế, dù trong lòng bạn có thấy lo sợ đến đâu thì bạn cũng nên làm ngược lại, thể hiện một phong thái tự tin trước đám đông để chiếm được cảm tình ban đầu của người nghe.
6. Tập trung vào bài thuyết trình của mình
Bạn thường hoảng loạn và mất tập trung khi bạn quên một chữ hay một dòng nào đó trong lúc trình bày? Đừng lo lắng vì người nghe không biết nội dung bài trình bày, do đó, đừng sợ rằng mình sẽ nói thiếu câu này hoặc ý kia.
“Chỉ có kẻ dám mới có thể bay” – cất cao giọng nói chinh phục cuộc đời hay trốn chạy như 10.000 năm trước, quyết định nằm ở giữa hai vành môi của bạn.