Với diệu kế tiết kiệm quân lương, Gia Cát Lượng vô tình tạo ra món ăn nổi tiếng vào ngày Tết
Món ăn được sáng tạo bởi Gia Cát Lượng cũng được ca tụng là xuất sắc tựa như những diệu kế từng gắn liền với tên tuổi của ông.
Ngày nay tại thành phố Quý Châu (Trung Quốc), vào mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân ở vùng đất Thanh Trấn vẫn thường tặng nhau một món bánh hết sức đặc biệt. Món bánh được cho là sẽ đem tới hạnh phúc và cát tường ấy có tên gọi Hoàng Ba.
Thế nhưng điều đặc biệt hơn còn nằm ở chỗ, người sáng tạo nên món bánh Hoàng Ba ấy lại là một nhân vật nổi danh vào thời Tam Quốc. Đó chính là Thừa tướng Thục Hán Gia Cát Lượng.
Nguồn gốc của món bánh gắn liền với tên tuổi của Gia Cát Lượng
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Tại Thanh Trấn (Quý Châu, Trung Quốc), Hoàng Ba còn có tên là Hoàng Cao Ba và được xem như món bánh đặc sản làm nên tên tuổi của vùng đất này.
Món bánh ấy sở hữu màu vàng bắt mắt, hương vị ngọt thanh, được nhiều người ca tụng là xứng danh mỹ vị.
Hoàng Ba được làm từ các nguyên liệu phổ biến như đậu tương, gạo nếp, gạo thơm, gạo tẻ, đường trắng, sau đó hấp bằng lửa to trong một thời gian dài rồi cuối cùng dùng lá tre trúc gói lại.
Có một giai thoại truyền lại rằng, vào thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng trong một lần đem quân đi đánh giặc đã vô tình tìm ra cách chế biến món ăn đặc biệt này.
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Bấy giờ, khi mọi người đang nấu cơm thì quân canh phòng bất ngờ phát hiện ra quân địch gần doanh trại. Ngay lập tức, đội quân chủ lực đã phải rời căn cứ để đánh đuổi kẻ thù.
Thời điểm ấy vừa hay đang vào những ngày nóng nhất mùa hè. Những người phụ trách nấu nướng đã chuẩn bị cơm nước gần xong nhưng giờ đây lại không có người ăn nên cũng chẳng biết phải làm như thế nào.
Vì để tránh lãng phí lương thảo, Gia Cát Lượng đã lệnh cho họ đem nước đậu xanh nấu cùng với cơm, sau đó không ngừng thêm củi, duy trì lửa cháy để cơm không thiu và không bị đổi vị.
Đợi tới khi binh lính trở về doanh trại đã là hai ngày sau. Chờ đón họ trong bữa ăn hôm đó chính là món cơm có màu vàng ươm, hương vị ngọt thanh hết sức thơm ngon.
Sau khi ăn no, các binh lính lại tiện tay bứt một ít lá tre, lá trúc để bọc cơm rồi bỏ vào túi. Không ngờ rằng tới nửa tháng sau, món cơm bọc lá trúc ấy đã trở thành một loại bánh với hương vị thơm ngon không đổi.
Bấy giờ, họ liền đặt cho món ăn này cái tên "Hoàng Ba", bởi vì quân chủ Lưu Bị lúc bấy giờ có danh hiệu là "Lưu Hoàng thúc".
Dân chúng địa phương cũng bắt chước cách nấu này để chế biến. Cứ như vậy, Hoàng Ba bắt đầu được lưu truyền trong dân gian và dần trở nên phổ biến.
Hoàng Ba không chỉ là một món ăn vặt được bách tính yêu thích mà còn từng là cống phẩm cung phụng cho triều đình.
Vào thời phong kiến, vùng đất Thanh Trấn có một tập tục. Đó là cứ 5 dặm ngoài thành sẽ xây 1 tiểu đình, 10 dặm lại xây một đại đình.
Những ngôi đình này chuyên dùng để nghênh đón bằng hữu các quan viên từ xa tới, cũng có khi sẽ là chỗ tề tựu của giới văn nhân, học sĩ.
Mọi người thường tới những nơi này để nghỉ ngơi uống trà hoặc tổ chức tiệc rượu thế đãi khách phương xa. Thế nhưng dù là trên bàn trà hay bàn tiệc, Hoàng Ba luôn là một món bánh không thể thiếu.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Năm tháng trôi qua, vạn vật đổi dời, những người tới lui nơi này cũng nhiều không kể xiết. Thế nhưng phàm là người đã từng nếm qua hương vị của Hoàng Ba đều sẽ dành cho món bánh này những lời khen mỹ miều.
Cũng bởi vậy nên các quan viên địa phương đều sẽ dùng Hoàng Ba làm đặc sản tiến cống cho triều đình. Vì thế mà món bánh này đã từng không ít lần xuất hiện trên bàn ngự thiện của hoàng gia.
Tương truyền rằng, một trong "Tứ đại danh thần phục hưng" của nhà Thanh là Hồ Lâm Dực khi còn đảm nhiệm chức Tri phủ An Thuận, có một lần đi qua Thanh Trấn đã vô tình thưởng thức Hoàng Ba, liền cao hứng mua về quê quán mang tặng cho bạn bè, người thân.
Vậy mới thấy, món bánh tương truyền là của Gia Cát Lượng năm nào cũng giống như những mưu kế xuất thần của ông, không ngừng được hậu thế truyền lưu và ca tụng suốt đời này qua đời khác.
*Dịch từ tư liệu nước ngoài