Vỡ mộng với tiền ảo
2018 được xem là một năm đầy sợ hãi với dân đầu tư tiền ảo.
Sau khi bùng phát và tăng giá phi mã năm 2017, bitcoin (BTC) và các loại tiền ảo quốc tế đồng loạt lao dốc trong năm 2018. Tính đến sáng 1-1-2019, giá 1 BTC chỉ còn khoảng 3.700 USD, rớt thê thảm so với mức cao nhất 19.665 USD xác lập vào ngày 16-12-2017, tức mất hơn 81% giá trị.
Bán tháo để cắt lỗ
Với đà giảm này, giới đầu tư trong và ngoài nước đổ tiền vào tiền ảo cũng như các máy đào buộc phải bán tháo, chấp nhận thua lỗ nặng. Ông T.H.L (ngụ TP HCM) cho biết đầu năm 2018 khi thấy người người đổ xô nhau đầu tư tiền ảo vì giá tăng liên tục nên ông cũng bỏ ra hơn 14.000 USD để mua 1 BTC với kỳ vọng đồng tiền này sẽ tiếp tục tăng giá. "Thế nhưng, từ khi mua vô, BTC lao dốc không ngừng, đến tháng 10 chỉ còn khoảng 7.000 USD, tôi phải chấp nhận bán lỗ vì không biết nó còn giảm đến đâu nữa" - ông L. kể với phóng viên vào một chiều cuối năm 2018.
Chị Minh, nhân viên của một sàn giao dịch BTC, nhìn nhận cuối năm 2017 - thời điểm BTC có giá gần 20.000 USD, sàn chật cứng nhà đầu tư giao dịch. Lúc đó, lệnh mua hoặc bán thường phải chờ đến 2 ngày hệ thống mới xử lý xong. Còn hiện tại, nhà đầu tư chỉ mất 2 giây là mua bán thành công, nguyên nhân vì giá BTC rớt liên tục nên không còn thu hút người chơi, giao dịch như trước. Anh Nguyên, một người lướt sóng BTC trên sàn remitano.com, cũng thừa nhận do người chơi mua - bán BTC rất ít nên hiện nay nhà đầu tư của sàn này chỉ mất 1 giây để khớp lệnh thành công.
Nhiều người từng nắm giữ BTC cũng cho hay khi giá đồng tiền này không có dấu hiệu phục hồi, họ phải bán tháo để cắt lỗ, rời bỏ thị trường. Từ đó, các máy ATM mua - bán BTC, sàn giao dịch loại tiền này cũng vắng bóng nhà đầu tư.
Một nhà đầu tư giao dịch tiền ảo trên sàn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Không chỉ các nhà đầu tư BTC mà cả người từng mua máy đào tiền ảo này cũng "ôm sô" vì bán máy nhưng không ai mua, dẫn đến tiêu tan vốn liếng. "May mắn là khi giá BTC còn khoảng 6.000 USD, tôi đã bán hết 20 máy đào, gỡ gạc được chút vốn. Bởi khi BTC dưới mức giá này, mức sinh lời từ việc đào BTC sẽ không bù đắp nổi tiền điện. Lúc đó, có muốn bán cũng không ai dám mua vì máy luôn chạy hết công suất, khả năng hư hỏng cao, còn giá BTC chưa có dấu hiệu tăng lại" - N.X.Hiếu, người chuyên đào BTC ở TP HCM, tiết lộ.
Tương tự, sau khi gặt hái thành công qua việc đầu tư gần 1 tỉ đồng mua máy đào BTC vào cuối 2017, đến đầu năm 2018, chị Thanh H. (quận Phú Nhuận) định bán nhà để tăng vốn đầu tư. Nhưng may sao trong lúc rao bán nhà thì giá BTC đảo chiều đi xuống nên chị bỏ ý định đầu tư thêm, nếu không coi như trắng tay mà còn mất cả nhà.
Trắng tay vì đa cấp biến tướng
Tuy nhiên, những gì mà nhà đầu tư BTC và các loại tiền ảo quốc tế khác gặp phải vẫn chưa thê thảm bằng những người đã đổ tiền thật vào các loại tiền ảo do các doanh nghiệp "ma" phát hành. Bởi nhà đầu tư còn nắm giữ BTC tức vẫn có thể bán lại cho người khác để gỡ chút vốn. Còn những loại tiền ảo có dấu hiệu đa cấp như BNC, TTC, BEC, ifan, asama… hiện nay gần như không ai mua.
Một thành viên của nhóm 40 người đầu tư tiền ảo BNC, BEC do Công ty BNI Group phát hành thừa nhận anh đã mất cả tỉ đồng vì 2 đồng tiền này không giao dịch trong 6 tháng qua. Cũng như vậy, nhóm nhà đầu tư iLuck với hơn 400 thành viên - chuyên đầu tư vào các đồng tiền ảo do doanh nghiệp nước ngoài phát hành - đã mất "cả chì lẫn chài".
Thế nhưng, "vỡ trận" lớn nhất là các nhà đầu tư tiền ảo iFan và Pincoin bởi đến nay, cơ quan công an vẫn chưa đưa ra thông tin nào về việc xử lý đơn vị phát hành 2 đồng này.
Câu chuyện xảy ra vào tháng tháng 4-2018, hàng ngàn người đã tố cáo Công ty Modern Tech lừa đảo, chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng của nhà đầu tư bỏ tiền vào iFan, Pincoin. Hai loại tiền ảo này hấp dẫn hàng ngàn người tham gia bởi lãi không tưởng, lên tới 576%/năm, được trả đều đặn thời gian đầu.
Khi nói về những vụ "vỡ trận" do đầu tư vào tiền ảo của các doanh nghiệp trong nước phát hành thời gian qua, các chuyên gia tài chính đều khẳng định đó thực chất là hoạt động đa cấp huy động vốn biến tướng dưới vỏ bọc "ứng dụng công nghệ blockchain 4.0" hay "phát hành tiền ảo"… Các nhà cái dùng tiền huy động được từ nhà đầu tư trong nước để đầu tư vào BTC, ethereum… ở nước ngoài khi các đồng tiền ảo này đang tăng phi mã. Đến khi BTC và nhiều loại tiền ảo khác lao dốc, "nhà cái" lại dùng tiền của nhà đầu tư sau trả cho người trước. Cuối cùng, vụ việc đổ bể, "nhà cái" biến mất đồng nghĩa nhà đầu tư trắng tay.
Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định các loại tiền ảo không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng BTC và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. "Các sàn tiền ảo có điểm chung là cho nhận tài chính thông qua đồng BTC…, lấy tiền của người sau trả cho người trước. Bản chất là đa cấp huy động vốn, đưa ra lãi suất khủng nhằm chiêu dụ lừa đảo người khác" - một cán bộ thuộc Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an nhận định.
Chờ tăng giá...(!)
Anh Bùi Quang N., (quận Gò Vấp, TP HCM) khá nổi tiếng trong giới tiền ảo, kể từ đầu năm 2018, anh bỏ ra số tiền khá lớn đầu tư vào máy đào BTC. Ban đầu, lãi khoảng 200 triệu đồng/tháng, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn và lãi của N. từ vài trăm triệu đã vọt lên 5 tỉ đồng. Với thành quả này, N. thuyết phục bạn bè, người thân hùn vốn đầu tư tiếp. Chưa hết, N. còn rất tự tin mở quán cà phê, tổ chức các buổi trò chuyện, chia sẻ thông tin kiến thức, kinh nghiệm đầu tư BTC với nhiều người khác.
Thế nhưng, từ tháng 7-2018, giá BTC liên tục giảm, từ 17.000 USD/BTC còn 12.000 USD/BTC rồi 3.500 USD/BTC. Máy đào BTC có thời điểm lên tới cả trăm triệu đồng/máy cũng giảm dần theo giá BTC, hiện chỉ còn 7- 8 triệu đồng/máy.
"Nhiều người không chịu được đã bán tháo BTC lẫn máy đào. Một số người khác tin rằng BTC rớt giá là do các đại gia quốc tế thao túng nên vẫn "ôm" BTC chờ xuống đáy sẽ bật tăng trở lại. Kết quả thua lỗ ngày càng nặng" - anh N. kể thêm.