VNPT trước nguy cơ bị đối thủ "ăn mất" thị phần Internet tại VN

28/06/2016 10:58 AM | Kinh doanh

Việc người dùng ồ ạt bỏ VNPT, đồng nghĩa với sự gia tăng thị phần nhanh chóng cho các đối thủ như Viettel hay FPT Telecom.

Với lợi thế là doanh nghiệp nhà nước và là người tham gia đầu tiên, VNPT từ lâu vẫn được coi là ông lớn thống trị thị trường cung cấp dịch vụ Internet. Tuy nhiên trong những năm gần đây, với việc tỷ lệ thuê bao giảm liên tục xuống còn tới chưa đến 50%, ông lớn này ngày càng trở thành một mỏ vàng thị phần cho các đối thủ như Viettel và FPT Telecom khai thác.

Thị phần giảm liên tục từ trên 75% xuống dưới 50%

Từ lâu khi nhắc đến các nhà mạng Internet tại Việt Nam, người ta vẫn nghĩ tới thế chân vạc với sự năm giữ phần lớn thị phần của 3 ông lớn là VNPT, Viettel và FPT Telecom.

Tính từ năm 2003, kể từ khi trên thị trường chứng kiến sự góp mặt của cả 3 nhà mạng này, thị phần cung cấp dịch vụ Internet tổng cộng của cả VNPT, Viettel và FPT Telecom luôn ở mức trên 80%. Cá biệt, kể từ năm 2008, con số này luôn ở mức trên 90%, dẫn đến phần đông các nhà mạng nhỏ lẻ khác như HTC, EVN, SCTV… chỉ nắm được vẻn vẹn dưới 10% miếng bánh thị phần.

Trong 3 ông lớn này, nổi bật lên là nhà mạng VNPT. Có lợi thế từ việc bước chân vào ngành này đầu tiên với tư cách độc quyền cung cấp dịch vụ mạng cho các tổng công ty, công ty trực thuộc nhà nước từ những năm 90, VNPT đã nhanh chóng thâu tóm thị trường ở những thời điểm ban đầu với thị phần luôn trên 40%.

Thậm chí, những năm 2008, miếng bánh thị phần mà VNPT nắm giữ chiếm hơn 75%, còn nhiều hơn nhiều tổng thị phần mà 2 đối thủ cạnh tranh phía sau là Viettel và FPT Telecom cộng lại.

Tuy nhiên, vị thế dẫn đầu này đang bị lung lay dữ dội khi thị trường đang chứng kiến đà giảm tỷ lệ thị phần không phanh của VNPT kể từ năm 2008.

Nếu như các năm 2008, 2009, 2010, dù có giảm, VNPT vẫn giữ được thị phần của mình trên mức 74% thì đến năm 2011, con số này đã giảm chỉ còn 67.7%. Đến năm 2012, VNPT nắm giữ 61.26% thị phần. Đà giảm này tiếp tục và cho đến những thống kê gần nhất từ Sách trắng công nghệ thông tin của Bộ thông tin và truyền thông chỉ ra rằng thị phần VNPT chỉ còn nắm giữ 51.3% vào năm 2013.

Như vậy, kể từ năm 2010, thị phần nắm giữ của VNPT trên thị trường cung cấp dịch vụ Internet đã giảm rất nhanh với tốc độ CAGR (-9%) – (-16%). Với đà này, con số thị phần nắm giữ VNPT đến nay đã giảm xuống dưới 50%, và có thể bị đối thủ khác đang có tỷ lệ tăng trưởng rất tốt là Viettel (có thị phần tới 39% vào năm 2013) vượt mặt. Đây có thể nói là một điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua.

Điều này không phải là không có cơ sở. Theo một số nguồn thông tin trong ngành, hiện tại thị phần của VNPT từ ở mức trên 50% đã xuống dưới mức 50% và xu hướng này trong tương lai một vài năm nữa được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra.

Giá cước cao không đi kèm chất lượng dịch vụ là nguyên nhân người dùng bỏ VNPT ?

Cũng theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, một phần lý do khiến người dùng từ bỏ sử dụng mạng VNPT là do mức cước cao hơn mặt bằng chung, không đi kèm chất lượng dịch vụ.

Bảng giá cước dịch vụ mạng của 3 nhà mạng.
Bảng giá cước dịch vụ mạng của 3 nhà mạng.

Có thể thấy ở những gói cước mà VNPT cung cấp, tuy có tốc độ (MB) tương ứng với dịch vụ mà Viettel hay FPT Telecom cung cấp nhưng lại có mức phí cao hơn. Cá biệt, có nhiều gói cước có tốc độ đường truyền kém hơn so với 2 đối thủ kia cung cấp nhưng VNPT lại tính giá người tiêu dùng cao hơn hẳn.

Ví dụ như những gói cước F-Eco+, Fm+ cung cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh, gói cước F2F tốc độ 12 MB cung cấp ở Hà Nội với mức cước 330 nghìn đồng / tháng, hay gói cước Fiber Home 2 cung cấp ở Đà Nẵng với mức cước tới 599 nghìn đồng / tháng với tốc độ chỉ 15 MB.

Trên thị trường mạng Internet, do đã quen mặt với một vài nhà cung cấp lớn, người sử dụng từ bỏ VNPT sẽ chuyển sang sử dụng dich vụ của các bên khác khiến cho thị phần của các đối thủ trực tiếp với VNPT như Viettel hay FPT Telecom tăng lên rõ rệt. Đây chắc chắn sẽ một bài toàn khó mà VNPT cần giải quyết sau khi thực hiện xong việc tái cơ cấu trong năm vừa qua.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM