VN-Index giảm hơn 60 điểm sau chuỗi ngày bay cao

19/01/2021 15:29 PM | Kinh doanh

VN-Index đóng cửa phiên sáng với mức giảm kỷ lục 75 điểm. Sang phiên chiều, thị trường đã hồi phục trở lại và chốt phiên chỉ còn giảm gần 61 điểm.

Phiên giao dịch ngày 19/1, thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ. Trên sàn HOSE, VN-Index giảm 5,11%, tương ứng mất 60,94 điểm và chốt phiên tại 1.131 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 2,81% (6,48 điểm) xuống 224,02 điểm. Chỉ số UPCoM-Index giảm hơn 3%.

Trước đó, đóng cửa phiên sáng VN-Index có lúc mất tới 75 điểm (giảm 6,27%). Số mã giảm trên HOSE hôm nay là 437, gấp 10 lần so với số mã tăng, trong đó gần 100 mã giảm sàn. Nhóm ngân hàng bị bán tháo mạnh nhất khi cổ phiếu của Sacombank, VPBank, MB, BIDV, HDBank, Vietinbank, ACB đều đồng loạt giảm sàn.

Bên cạnh đó, cổ phiếu các công ty chứng khoán như SSI, HCM, VnDirect, Bảo Việt, Agriseco, BSC, Rồng Việt, VietinbankSc... cũng đồng loạt giảm sàn.

Toàn bộ 30 cổ phiếu trong nhóm VN30 giảm giá. VIC, HPG giảm về gần giá sàn. Vinamilk giảm 5%, GAS giảm 6%, MSN giảm 4%...

VN-Index giảm hơn 60 điểm sau chuỗi ngày bay cao - Ảnh 1.

VN-Index đã liên tục tăng thời gian gần đây

VN-Index giảm mạnh sau khi giằng co quanh mốc 1.200 điểm nhưng không vượt được mốc cao nhất lịch sử này. Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việc từ trước đó, nếu VN-Index để mất vùng hỗ trợ 1.175-1.180 điểm, rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ gia tăng trong ngắn hạn.

Trong khi đó, chứng khoán SHS cho rằng một nhịp điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng của thị trường là điều cần thiết để thị trường có thể hướng tới các mốc cao hơn trong tương lai. Nhà đầu tư đã cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu để bảo toàn lợi nhuận nên đứng ngoài để quan sát thị trường trong thời điểm này.

Theo thông tin từ ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, margin từ tháng 7 đến nay tăng hơn rất nhiều, tuy nhiên mức tăng margin vẫn thấp hơn mức tăng của thanh khoản trên TTCK. "Để chúng ta thấy margin tăng là điều bình thường", ông Dũng nhận định. Tuy nhiên, theo ông Dũng, margin tăng nhiều kéo theo những rủi ro tiềm ẩn khi thị trường có xu hướng đảo chiều.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK, vốn chủ sở hữu của các CTCK hiện nay là 87.000 tỷ. Đến ngày 31/12 tổng dư nợ margin hiện nay là gần 81.000 tỷ, như vậy tỷ lệ margin tổng trên thị trường chưa đến gần 1 lần vốn chủ sở hữu của các CTCK, đảm bảo so với quy định là không vượt quá 2 lần.

Dư nợ kí quỹ tăng theo thanh khoản, hiện nay thanh khoản thị trường thị trường 2020 tăng 59,3% thì margin tăng 58,6% so với cùng kỳ 2019. Theo quan điểm của UBCK, CTCK quản lý margin tương đối tốt, pháp lý cho vấn đề quản lý rủi ro khá tốt. Trước đây CTCK quản lý margin bằng ghi sổ nhưng giờ hoạt động chuyên nghiệp hơn bằng hệ thống, báo ngay với khách hàng để giảm thiệt hại và rủi ro.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM