VinFast vừa ký một thỏa thuận, ngay lập tức có thêm 700.000 cổng sạc cho xe điện tại châu Âu
Ngày 15/5, VinFast Auto công bố ký kết thỏa thuận hợp tác với Bosch, một trong những nhà cung cấp dịch vụ và công nghệ ô tô hàng đầu thế giới. Theo thỏa thuận, khách hàng sở hữu xe VinFast có thể sử dụng mạng lưới 700.000 cổng sạc của Bosch tại 30 quốc gia châu Âu.
Với thỏa thuận này, khách hàng của VinFast có thể định vị, đặt chỗ, tới sạc và thanh toán thông qua ứng dụng VinFast trên thiết bị di động hoặc trực tiếp qua hệ thống giải trí tích hợp trên xe. Khách hàng của VinFast cũng có thể theo dõi tiến độ sạc, kiểm tra dữ liệu sạc, và quản lý chi phí cho hoạt động sạc.
Trong hai năm qua Bosch đã hợp tác với VinFast để phát triển dịch vụ sạc cho khách hàng VinFast tại Bắc Mỹ. Thỏa thuận chiến lược mới này sẽ đem lại cho khách hàng VinFast trải nghiệm sử dụng thuận tiện khi dễ dàng tìm thấy điểm sạc trong những chuyến đi tại châu Âu.
Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và châu Âu, VinFast đang mạnh mẽ tiến ra những quốc gia trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines cùng khu vực Trung Đông và châu Phi.
Cũng liên quan đến các trạm sạc, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa qua, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, bản thân ông sẽ bỏ tiếp khoảng 10.000 tỷ đồng trong vòng 1-2 năm tới để xây gấp 3 lần số trạm sạc hiện nay tại Việt Nam.
Đáng chú ý, ông Vượng cho biết thực ra, việc xây trạm sạc chủ yếu giải quyết vấn đề về tinh thần cho người sử dụng. "Thống kê trên thế giới thì 90% người dân đi dưới 100km/ngày. Mà xe chúng ta đi 300-400-500 km tùy xe, như vậy thì sạc ở nhà là được rồi. Thỉnh thoảng có nhu cầu về quê mới dùng trạm sạc bên ngoài chứ việc gì phải dùng trạm sạc bên ngoài", ông Vượng nói.
Trước đó, ông Vượng đã thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-Green, do cá nhân ông sở hữu 90% cổ phần, trên cơ sở tách ra từ bộ phận phát triển trạm sạc của hãng xe điện VinFast.
V-Green sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập trong vai trò đối tác phát triển mạng lưới trạm sạc cho VinFast trên quy mô toàn cầu. Theo đó, công ty sẽ chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ hạ tầng xe điện, qua đó giảm tải áp lực tài chính và triển khai cho VinFast để hãng xe tập trung mở rộng thị trường và phát triển bền vững.
Sau khoảng 5 năm vận hành, tùy theo từng thị trường cũng như khả năng huy động thực tế, V-Green có thể cân nhắc chuyển sang mô hình kinh doanh dịch vụ sạc ô tô điện cho các hãng xe điện khác ngoài VinFast.
Ông Vượng cho biết, theo kế hoạch đến năm 2026 VinFast sẽ hòa EBITDA, và dần dần từng bước sẽ có lãi. Hiện nay, ở 1 số thị trường VinFast cũng đã bắt đầu có lãi nhưng trên nền 3 không: Không khấu hao, không lợi nhuận, không chi phí tài chính. Tất cả các khoản đầu tư đó được chi ra nhưng không tính vào chi phí giá thành để năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Dần dần từng bước VinFast có thể tính được cả chi phí khấu hao, chi phí tài chính vào trong giá xe mà vẫn hòa và tiến đến có lãi. Từ năm 2026 VinFast sẽ có dòng tiền dương.