Vinataba thoái vốn khỏi Bánh kẹo Hải Hà: Xuất hiện cuộc thi "chạy tiếp sức" ly kỳ trị giá trăm tỷ?

09/06/2017 08:54 AM | Kinh doanh

51% cổ phần của Hải Hà liên tục được trao tay qua nhiều nhóm cổ đông khác nhau và chưa biết đến khi nào người mua cuối cùng mới lộ diện. Trong hành trình này, giá cổ phiếu liên tục được đẩy lên.

Năm 2017 có lẽ là năm khó quên nhất đối với những nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà (Haihaco-mã chứng khoán HHC ) bởi lẽ hàng loạt những bất ngờ, gay cấn, lãi lớn, thua lỗ...đều rất đậm nét thời gian này.

Cổ phiếu HHC của Công ty bánh kẹo lâu đời Haihaco

Haihaco là một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo lớn nhất tại Việt Nam. Công ty có bề dày lịch sử hơn 55 năm ròng khi được thành lập từ cuối năm 1960.

Năm 2004, Vinataba nhận chuyển giao 51% vốn tại Bánh kẹo Hải Hà từ Bộ Công thương và trở thành công ty mẹ. Năm 2007, Haihaco niêm yết trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu HHC.

Với cơ cấu cổ đông cô đặc, giao dịch cổ phiếu HHC rất ít ỏi khiến những người mê cổ phiếu bánh kẹo phát thèm. Dù gì, một thương hiệu bánh kẹo Việt với truyền thống hơn nửa thế kỷ tồn tại, đã kinh qua sóng gió của nền kinh tế thì đã đạt được sự quan tâm lớn của những nhà đầu tư.

Dù không phải cổ tức mấy trăm phần trăm hay quá nổi trội nhưng cũng tương đối đều đặn, Haihaco trả cổ tức khá hấp dẫn cho nhà đầu tư dù là năm khó hay năm ăn nên làm ra.

Haihaco được đánh giá là một trong những nhà sản xuất bánh kẹo lớn nhất Việt Nam với doanh thu năm 2016 là 855 tỷ đồng – tăng 8% so với năm 2015 và lợi nhuận trước thuế hơn 42 tỷ đồng – tăng 23%. Tuy nhiên, một trong những điểm hấp dẫn nhất của doanh nghiệp này trong mắt nhà đầu tư là dự án tại 25-27 Trương Định. Vào tháng 7/2012, Hải Hà đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư­ thực hiện dự án “Hợp tác đầu t­ư xây dựng tổ hợp đa chức năng tại 25-27 Tr­ương Định, Hà Nội” với Liên danh Công ty cổ phần hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên đầu tư­ xây lắp và phát triển nhà. Dự án không thực hiện theo đúng tiến độ và phải đổi nhà đầu tư.

Theo báo cáo thường niên 2016, Hải Hà đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Liên danh CTCP ACI Việt Nam và CTCP Hạ tầng Đông Á để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất 25 Trương Định. Theo hợp đồng, các đối tác trong Liên danh đã chuyển tiền đặt cọc để công ty bổ sung vào nguồn vốn thực hiện dự án di dời, nhưng việc triển khai hiện đang gặp khó do chủ trương gần đây nhất của Chính phủ là hạn chế và tiến tới tạm dừng cấp phép mới cho các dự án nhà cao tầng trong khu vực nội đô. Do vậy, UBND thành phố Hà nội chưa phê duyệt quy hoạch cho khu đất dự án 25 Trương Định.

Mặc dù thông tin về khu đất vẫn vậy nhưng cổ phiếu HHC đã tăng trưởng bền bỉ từ giá 24.000 đồng hồi tháng 11/2016 lên đến ~40.000 đồng - cao nhất lịch sử (theo giá điều chỉnh) ngay trước khi Vinataba đưa ra thông tin thoái vốn. Cũng phải nói thêm rằng, cùng với ít giao dịch, cổ phiếu HHC gần như không nhúc nhích trong suốt thời gian rất lâu trước đó.


Biến động giá cổ phiếu HHC trong 1 năm qua

Biến động giá cổ phiếu HHC trong 1 năm qua

Chuyện thoái vốn không bình thường tại Haihaco

Vinataba đăng ký bán toàn bộ 51% vốn của Haihaco trong vòng 1 tháng từ 17/3/2017 đến 14/4/2017 nhưng điều đáng nói hơn là trước khi thông tin này được công bố trên thị trường chứng khoán thì nội bộ của Haihaco đăng ký và thực hiện mua, bán tập nập hơn bao giờ hết. Những con số hàng trăm ngàn cổ phiếu đăng ký trong tháng 2/2017 trong khi mấy năm trước đó giao dịch nội bộ rất lẻ tẻ, đa phần chỉ vài nghìn cổ phiếu mà thôi.

Cổ đông nội bộ biết trước thông tin hay đơn giản chỉ là một sự trùng lặp?

Vinataba đăng ký thoái vốn tại Haihaco trong gần 1 tháng bằng phương thức khớp lệnh. Và, vô tình hay sao mà đúng ngày giao dịch đầu tiên, hơn 4,1 triệu cổ phiếu HHC đã được bán ra ở mức giá trần 39.800 đồng/cổ phiếu. Để mua được lượng cổ phiếu lớn đó, bên mua phải chuẩn bị cả trăm tỷ đồng-một con số không hề nhỏ. Nếu không phải là một sự sắp đặt trước thì có lẽ sự trùng lặp trong tư tưởng của người bán và người mua thật khó lòng giải thích. Khi lệnh bán được chất lên, ai cũng nghĩ Vinataba thoái vốn nhưng về sau này, khi soát xét lại các giao dịch thì thấy rằng 4,1 triệu cổ phiếu tương đương gần 1/4 vốn của Haihaco được chuyển giao giữa những cổ đông khác tới ông Vũ Hải.

Còn lượng cổ phiếu Vinataba thực sự thoái vốn được giao dịch vào 22/3 với mức giá khoảng 48.600 đồng. Bên bỏ ra hơn 400 tỷ đồng mua toàn bộ lượng 8,37 triệu cổ phiếu tương đương 51% cổ phần 1 công ty bánh kẹo lớn trong chốc lát là bà Nguyễn Thị Duyên.

Những tưởng bà Duyên là cái tên mới xuất hiện trên thị trường bánh kẹo, nhưng không, có vẻ như bà chỉ là "cây cầu" trong công tác thoái vốn của Vinataba. Theo đúng luật, muốn mua lượng cổ phiếu với tỷ lệ lớn như vậy, bà Duyên phải thực hiện chào mua công khai và nhiều thủ tục khác nữa để đảm bảo công bằng cho các cổ đông khác. Thế nhưng, bà Duyên đã bỏ qua mọi quy định.

Mua vào không lâu, thì ngày 7/4 bà Duyên đã bán thỏa thuận bớt 3.388.878 cổ phiếu HHC, thu về hơn 149 tỷ đồng, và đến 11/4 thì bán nốt 4.978.722 cổ phiếu còn lại cũng theo phương thức thỏa thuận, thu về 219 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền bà Duyên thu về sau 2 lần bán khoảng 368 tỷ đồng. Như vậy, tính giá mua vào và bán ra, bà nguyễn Thị Duyên đã lỗ khoảng 38 tỷ đồng sau gần 1 tháng đầu tư lướt sóng cổ phiếu HHC.

Bà Duyên có vẻ như là một "người giàu" không tiếc tiền khi bỏ ra trăm tỷ mua cổ phiếu mà không tìm hiểu luật để rồi bị ủy ban chứng khoán phạt nặng và bán ra lượng cổ phiếu kể trên với mức giá thua lỗ nặng hoặc, bà Duyên chỉ đơn giản là một "công cụ" thoái vốn của Vinataba.

Hết chuỗi bà Duyên bán ra, cứ tưởng Haihaco đã ổn định tổ chức mới. Nhưng, không phải vậy. 3 cá nhân mua lại cổ phiếu từ bà Duyên với giá 44.000 đồng/cp đã trao tay toàn bộ lượng cổ phiếu đó cho 3 cá nhân khác là bà Trương Thị Bửu, vợ chồng ông Lưu Văn Vũ và bà Trương Tú Phương vào 29/5. Giá bán là 50.700 đồng. Tức, chỉ trong hơn 1 tháng, 3 cá nhân này lãi hơn 56 tỷ đồng.

Liệu, vòng trao tay 3 lần này đã kết thúc để Haihaco ổn định cơ cấu cổ đông lớn chưa hay lại thêm vài cuộc chuyển giao nữa khi mà những cái tên hiện đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu Haihaco là ông Vũ Hải, bà Trương Thị Bửu, vợ chồng ông Lưu Văn Vũ đều là những cái tên hết sức xa lạ với thị trường chứng khoán cũng như bánh kẹo.

Và hơn hết, Haihaco là công ty niêm yết, vòng quay thoái vốn không bình thường kể trên khiến giá cổ phiếu biến động hết sức thất thường. Đừng quên, những nhà đầu tư nhỏ lẻ lúc nghe chuyện Vinataba thoái vốn đã mua vào ở đỉnh giá 52.000 đồng và thiệt hại nặng nề khi ngay sau đó cổ phiếu giảm sâu đến 20% chỉ trong vòng mấy phiên giao dịch.

Theo Phương Chi

Cùng chuyên mục
XEM