Vinaconex – Viglacera: Cuộc so kè thú vị giữa 'thế lực cũ' và một 'thế lực mới' đang lên trên sàn HNX
Với hàng loạt thay đổi tích cực, Viglacera đang có nhiều điểm hấp dẫn nhà đầu tư hơn so với Vinaconex.
Trên sàn HNX, cặp đôi có mã chứng khoán gần giống nhau VCG (Vinaconex) – VGC (Viglacera) của 2 ông lớn trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - hạ tầng tại phía Bắc đang có màn trình diễn ấn tượng nhất kể từ trước đến nay. Nếu như VGC có mức tăng trưởng ấn tượng 67% so với đầu năm thì VCG cũng không chịu kém cạnh với mức tăng 64%.
Không chỉ ở mức tăng trưởng khá ngang ngửa, 2 cổ phiếu cũng cho thấy mức tăng trưởng khá tương đồng trong thời điểm kể từ đầu năm đến nay. Dĩ nhiên, đằng sau câu chuyện tăng giá của mỗi cổ phiếu đều có câu chuyện riêng. Bên cạnh yếu tố kỳ vọng thoái vốn nhà nước, cả 2 DN đều đang cho thấy sự cải thiện tích cực về mặt hiệu quả kinh doanh trong những năm gần đây.
Cuộc 'so tài' khá cân sức giữa cổ phiếu VCG (đỏ) và cổ phiếu VGC (xanh) trên sàn HNX
'Thế lực mới' đang lên
Với Viglacera, kể từ khi cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh không ngừng tăng trưởng. Đánh giá về hoạt động kinh doanh của Viglacera, nhóm phân tích CTCK HSC cho rằng, động lực dài hạn hỗ trợ giá cổ phiếu chủ yếu đến từ tăng trưởng lợi nhuận của các mảng kinh doanh chính cùng với tỷ suất lợi nhuận tăng nhờ tái cơ cấu các công ty con hoạt động kém hiệu quả trong vài năm tới, đặc biệt là sau khi Nhà nước thoái vốn.
HSC cho rằng, mảng kinh doanh chính là vật liệu xây dựng đạt kết quả khả quan nhờ nhu cầu ổn định đối với sản phẩm kính xây dựng, thiết bị vệ sinh, gạch xây, gạch ốp lát. Cùng với đóng góp tích cực từ mảng BĐS và khu công nghiệp.
Trong khi đó, với nguồn vốn mới được huy động khoảng gần 1.500 tỷ đồng vào đầu năm nay hiện đang được đầu tư cho các mảng kinh doanh chính. CTCK Bản Việt đánh giá, nhiều dự án đầu tư của Viglacera là rất tiềm năng. Trong đó, Nhà máy kính siêu trắng sẽ tiếp tục củng cố vị trí đầu ngành của công ty ở mảng kính xây dựng; Nhà máy Mỹ Xuân tạo ra dư địa tăng trưởng cho mảng thiết bị sứ vệ sinh; Nâng cao công suất sản xuất gạch granite để nắm bắt nhu cầu đang tăng trưởng của thị trường gạch ốp lát.
VCSC dẫn lời ban lãnh đạo của Viglacera cho biết kế hoạch lợi nhuận trước thuế của VGC sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép 14,7% giai đoạn 2017-20120 nhờ các nhà máy mới đi vào hoạt động từ năm 2018.
Có thể đó cũng là lý do mà Viglacera hấp dẫn dòng vốn ngoại. Dragon Capital mới đây đã chi thêm gần 1.000 tỷ đồng để mua thêm 59,5 triệu cổ phiếu VGC . Hiện nhóm này đã nắm giữ hơn 76 triệu cổ phiếu của Viglacera, tỷ lệ 17,82%. Nhóm VinaCapital cũng tích cực thu gom cổ phiếu VGC và trở thành cổ đông lớn sở hữu 5% cổ phần của Viglacera cách đây ít ngày.
Thế lực cũ 'cũng cố' nội lực
Vinaconex cũng đang cho thấy những kết quả tích cực sau những năm tháng miệt mài tái cấu trúc. Chiến lược của Vinaconex trong những năm gần đây cho thấy, ông lớn này đang tích cực cắt bỏ những thành phần không hiệu quả để tập trung nguồn lực công ty mẹ phát triển.
Nếu như năm 2011, Vinaconex được ví như một bộ máy cũ kỹ, cồng kềnh với mô hình 1 công ty mẹ, 38 công ty con và 11 đơn vị liên doanh, liên kết hoạt động dàn trải cùng với việc kiểm soát hiệu quả thấp dẫn đến nợ tăng, lợi nhuận chỉ mang tính chất tượng trưng thì những năm gần đây, Vinaconex ít nhiều cũng đã có sự lột xác.
Hoạt động thoái vốn được triển khai tích cực, Tổng công ty Vinaconex đã giảm số thành viên xuống còn 27 công ty con, 9 công ty liên doanh liên kết. Cơ cấu tài sản cũng đã cải thiện theo hướng giảm nợ vay.
Năm 2011, rất nhiều công ty thành viên của Vinaconex có hiệu quả kinh doanh kém, lỗ lũy kế kéo dài như CTCP Xây dựng số 11, CTCP Xi măng Cẩm Phả, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex, CTCP Nước sạch Vinaconex và CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai là những mắt xích yếu nhất trong hệ thống VCG kéo công ty mẹ suy yếu.
Con số nợ đến 24,7 ngàn tỷ đồng, trong đó có 13.000 tỷ đồng nợ vạy trên tổng tài sản hơn 30 ngàn tỷ đồng năm 2011 đã được cải thiện. Đến 30/6/2017, VCG đã xử lý được hơn 10 ngàn tỷ đồng tiền nợ, trong đó có 8.411 tỷ đồng nợ vay.
Nhờ tích cực thoái vốn, lỗ tài chính thuần của VCG đã giảm đáng kể trong những năm gần đây giúp cải thiện lợi nhuận
Trong quý III/2017, Vinaconex cho biết vẫn Tổng công ty đã và đang có kế hoạch thoái vốn tại mội số công ty như: Đã bán toàn bộ 36% vốn điều lệ công ty sở hữu tại Vinaconex 7; Đã thông qua việc bán 30,36% vốn điều lệ tại Vinaconex 11. Kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 29% vốn góp tại Công ty TNHH Quốc tế liên doanh Vinaconex-Taisei. Chủ trương thoái 35,39% vốn tại Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex (Viglafico); Kế hoạch chuyển nhượng 51,4% vốn tại Công ty cổ phần Vimeco (VMC), thương vụ này đã triển khai từ hồi tháng 5, nhưng chưa có kết quả.
'Thách thức' từ thế lực mới
Có thể nói, Vinaconex và Viglacera có một sự tương đồng nhất định trong cả việc dịch chuyển giá cổ phiếu lẫn những kỳ vọng cải thiện lợi nhuận. Tuy nhiên, 2 con đường đi của 2 ông lớn này lại hoàn toàn khác nhau. Nếu như kỳ vọng vào VGC là sự tăng trưởng, mở rộng hoạt động thì VCG là một sự co cụm.
Trong khi Viglacera đang trên đà tăng trưởng doanh số và dự kiến còn tăng trưởng mạnh nhờ các dự án đầu tư mới thì VCG có xu hướng co cụm lại sau khi thoái vốn các công ty thành viên.
Việc co cụm của Vinaconex mặc dù đang khiến cho hiệu quả Tổng công ty tăng lên, nhưng tăng trưởng trong dài hạn vẫn là một dấu hỏi lớn so với những gì Viglacera đang được kỳ vọng. Bởi khi bán tài sản, đồng nghĩa với quy mô tài sản giảm xuống, doanh số của Tổng công ty này cũng đang sụt giảm.
Dù là thế lợi mới trên sàn HNX, nhưng với mức giá hiện nay, vốn hóa của Viglacera đã lên trên 10.300 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với vốn hóa của Vinaconex là 10.000 tỷ đồng. Cuộc so kè thú vị giữa 2 ông lớn có vốn Nhà nước trên sàn HNX hiện nay có thể sẽ không còn hấp dẫn nếu Vinaconex chậm chân hơn Viglacera trong tình cảnh hiện tại.
HSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2017 và 2018 của Viglacera sẽ tăng trưởng khá ấn tượng với mức tăng trưởng lần lượt 26% và 33%. Trong khi đó, triển vọng cũng như năng lực lõi của Vinaconex vẫn chưa được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây bên cạnh yếu tố tái cấu trúc vốn.