Viettel, Samsung, Honda… đóng góp nhiều nhất cho sự thịnh vượng của người Việt
Theo một bảng xếp hạng mới đây, Viettel, Samsung, Honda… là những cái tên đứng đầu về tiềm năng đóng góp to lớn cho sự thịnh vượng của đất nước và người Việt.
Bảng xếp hạng trên do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp xuất sắc, thịnh vượng và có tiềm năng đóng góp to lớn cho sự thịnh vượng của đất nước và người dân.
Theo thống kê, 10 doanh nghiệp trên có doanh thu bình quân ở mức 115.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế bình quân gần 14.000 tỷ đồng, và số lao động bình quân ở mức gần 18.000 người.
Danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng năm 2017 được đánh giá dựa trên các tiêu chí chính bao gồm: hoạt động kinh doanh tốt và hiệu quả, khả năng tạo việc làm cho xã hội và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và cộng đồng.
Bảng xếp hạng BP500 là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, khách quan và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, đồng thời được kiểm chứng với dữ liệu của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác của BXH. Doanh nghiệp không mất một khoản chi phí nào để được có tên trong bảng xếp hạng BP500.
Thịnh vượng là một khái niệm chứa đựng đầy đủ các yếu tố, đó là sự bùng nổ về mặt vật chất, sự hoàn mỹ nội tại về mặt tinh thần, cộng với những ảnh hưởng của cả khối vật chất, tinh thần đến những người xung quanh hay những cộng đồng lân cận.
Với một doanh nghiệp, sự thịnh vượng được thể hiện ở các nhóm chỉ số tài chính: tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời…, chỉ số nhân lực: số lượng lao động, thu nhập bình quân lao động… và chỉ số trách nhiệm xã hội và cộng đồng (CSR).
Theo chỉ số thịnh vượng Legatum, Việt Nam là một trong số những “ngôi sao sáng” có khả năng đưa khu vực Đông Nam Á tiến tới thịnh vượng. Báo cáo của Viện Legatum (Anh và xứ Wales) chỉ ra rằng, đất nước Việt Nam đang giàu lên và mức độ giàu có này hoàn toàn có thể đưa Việt Nam đến gần sự thịnh vượng hơn.
Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào cách thức Việt Nam có thể biến của cải thành thịnh vượng hay không. Hiện nay, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam vẫn còn bị đánh giá ở mức thấp, nền kinh tế tuy đạt tăng trưởng khá trong những năm qua nhưng rủi ro đi kèm là những ảnh hưởng thiệt hại gây ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt, tăng trưởng có xu hướng giảm tốc.