Viettel công bố làm chủ thiết kế chip 5G, phức tạp tương đương chip Apple A7
Ngoài chip, tại triển lãm, Viettel còn trưng bày các thiết bị khác trong hệ sinh thái 5G.
Tại triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) diễn ra từ ngày 28/10 – 1/11/2023, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố đã nghiên cứu thành công Chip 5G.
Dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế. Là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, dòng Chip này đóng vai trò xử lý các thuật toán 5G DFE, điều khiển toàn bộ các hoạt động của 5G RRU (Khối thu/chuyển tín hiệu) và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác.
Chip 5G DFE có mức độ phức tạp tương đương chip Apple A7, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây và được các đối tác uy tín như Synopsys đánh giá cao. Theo Viettel, việc làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong bối cảnh thị trường thế giới chưa cung cấp dòng sản phẩm Chip 5G thương mại.
Ngoài chip, tại triển lãm, Viettel còn trưng bày các thiết bị thu phát 5G gNodeB (8T8R, 32T32R), trạm thu phát 5G gNodeB, thiết bị truyền dẫn Site Router 100G, khối thu phát xử lý tín hiệu cao tần 5G. Là đại diện đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới có năng lực sản xuất thiết bị mạng 5G vào năm 2019, Viettel hiện là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới vừa là nhà khai thác mạng viễn thông vừa nghiên cứu sản xuất thiết bị.
Những thiết bị 5G do Viettel sản xuất ứng dụng các công nghệ mới nhất, đạt các tiêu chuẩn của thế giới. Các thiết bị này được sử dụng tại 11 thị trường Viettel đầu tư với gần 200 triệu thuê bao, sẵn sàng để thương mại hóa 5G tại Việt Nam.
Việt Nam đang nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn. Một vài doanh nghiệp lớn cũng có động thái đầu tư nghiên cứu và phát triển các dòng chip bán dẫn. Ngoài Viettel, FPT Semiconductor - một thành viên của Tập đoàn FPT, cũng đã công bố thiết kế thành công chip vi mạch, cụ thể là loại chip nguồn.
Theo ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor (doanh nghiệp phụ trách mảng chip của Tập đoàn), hiện nay dòng sản phẩm mà FPT tập trung sản xuất là chip nguồn, chưa làm chip IOT. Theo ông Quang, đây là sản phẩm có nhu cầu lớn, đặc biệt khi 5G phát triển, lượng thiết bị IOT tăng lên. Đến tháng 4/2023, FPT cho biết đã nhận được đơn hàng quy mô 25 triệu chip từ đối tác nước ngoài và sẽ hoàn thành từ nay đến 2025.