Được đầu tư 32.470 tỷ, dự án nhà máy của một trong những nhà phát điện lớn nhất Việt Nam đang triển khai tới đâu?

30/10/2023 10:05 AM | Kinh doanh

Dự án này tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án quan trọng quốc gia, là dự án nhiệt điện sở sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) là một trong những nhà phát điện lớn nhất Việt Nam. Tiền thân là Tổng Công ty mẹ – Công ty TNHH một thành viên do Tập Đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam đầu tư 100% vốn, sau đó, POW đã tiến hành cổ phần hóa. Hiện tại, gần 80% vốn chủ sở hữu của công ty thuộc Nhà nước.

Mới đây, công ty đã có báo cáo sơ bộ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2023. Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm lần lượt đạt 22.530 tỷ đồng (tăng 8%), và 861 tỷ đồng (giảm 46%). Trong đó, doanh thu bán điện đạt tăng 5%, sản lượng điện tăng 10%.

Sản lượng điện tăng trưởng tốt, đến từ tình hình thuỷ văn El Nino xảy ra mạnh mẽ trong những tháng đầu năm hỗ trợ sản lượng phát từ các nhà máy nhiệt điện; sản lượng điện từ nhà máy Cà Mau tích cực khi nguồn cung khí đã ổn định hơn so với năm ngoái; và tổ máy 1 của nhà máy Vũng Áng 1 đã phát điện trở lại kể từ giữa tháng 8/2023 – bù đắp cho sản lượng sụt giảm từ 2 nhà máy thuỷ điện.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm mạnh 46% do trong năm 2023 POW thực hiện đại tu nhiều nhà máy như NT2, Cà Mau 2, Đắk Đrinh, Vũng Áng 1, dẫn đến sản lượng điện phát giảm, chi phí cố định/kWh tăng; và trong giai đoạn tháng 4 – 5, các nhà máy điện khí Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 1, Cà Mau 1, 2 phải vận hành dầu DO theo lệnh điều độ từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) với tổng sản lượng đạt 250 tr.kWh.

Được đầu tư 32.470 tỷ, dự án nhà máy của một trong những nhà phát điện lớn nhất Việt Nam đang triển khai tới đâu? - Ảnh 1.

Đối với nguồn nhiên liệu đầu vào của công ty, tại mỏ khí Tây Nam Bộ (PM3), Nhà máy Cà Mau 1&2 dự kiến sẽ được cung cấp khoảng 300 tr.Sm3, đủ để phát điện khoảng 1,6–1,7 tỷ kWh cho quý 4 năm nay. Nguồn khí này đang bước vào giai đoạn suy giảm, dự kiến đến năm 2028 trữ lượng khai thác sẽ hết. POW đang trong quá trình nghiên cứu, đàm phán để bổ sung thêm nguồn cấp khí cho 2 nhà máy điện Cà Mau từ các mỏ khí mới (từ mỏ Nam Du – U Minh, hoặc mua bổ sung từ Malaysia), hoặc sử dụng khí mua LNG nhập khẩu.

Sản lượng khí còn lại ở các mỏ khí tại Đông Nam Bộ đang suy giảm nghiêm trọng. Trong năm 2023, nguồn khí thu được tại các mỏ này chỉ đạt khoảng 4,5 – 4,8 tỷ Sm3. Sản lượng khí năm 2024 dự kiến sẽ ở mức dưới 4 tỷ Sm3. Hiện nay, kho LNG Thị Vải đã vận hành ổn định, GAS sẵn sàng cung cấp LNG tái hoá từ năm 2024. Trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu từ các mỏ Đông Nam Bộ, các bên sẽ nghiên cứu bổ sung nguồn khí LNG cho Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2. Các nhà máy điện khí của POW vẫn gặp rủi ro đến từ sự lệch pha giữa nhu cầu phụ tải và thời gian cung cấp khí của GAS. Tồn kho than tại nhà máy Vũng Áng 1 đang đạt mức khoảng 330 nghìn tấn 5a.14, đủ để nhà máy phát điện cho 3 tháng cuối năm.

POW đang sở hữu các nhà máy điện gồm Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Hủa Na, Đắk Đrinh, Vũng Áng 1 và Nhà máy năng lượng tại tạo điện lực dầu khí.

Ngoài ra, công ty hiện đang tiến hành thực hiện 2 dự án nhà máy Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai là dự án quan trọng quốc gia, thuộc quy hoạch điện 7 được Chính phủ giao cho PV Power là chủ đầu tư. Đây là dự án nhiệt điện sở sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam. Hai nhà máy này có tổng công suất dự kiến khoảng 1.500 MW, tổng mức đầu tư 32.470 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD). Dự án được đầu tư xây dựng với tỷ lệ 30% vốn chủ sở hữu – 70% nợ vay.

Đối với khoản vay trong nước, công ty vay 4.000 tỷ đồng từ VCB, đã ký kết hợp đồng vay vốn ngày 29/08/2023, đã giải ngân 700 tỷ đồng. Lãi suất năm đầu 7%, các năm sau tham chiếu lãi suất 4 Ngân hàng Quốc doanh + biên 2%.

Khoản vay nước ngoài với SMBC giá trị 200 triệu USD, đã giải ngân 50 triệu USD. Lãi suất tham chiếu SOFR (Lãi suất tài trợ qua đêm có bảo đảm) + biên 1,5%.

Khoản vay nước ngoài với Citibank và ING giá trị 500 triệu USD đang trong quá trình đàm phán cuối cùng.

Tiến độ tổng thể EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng) dự án ước khoảng 55% kế hoạch, công tác thiết kế chi tiết ước khoảng 90% kế hoạch, công tác mua sắm vật tư ước đạt 68% kế hoạch. Ngày 16/10/2023, máy phát điện và turbine khí NT3 đã được đưa vào bệ phóng, đảm bảo tiến độ phát điện thương mại (COD) Nhơn Trạch 3 vào quý 4/2024 và Nhơn Trạch 4 vào quý 2/2025.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, công ty chứng khoán BVSC nhận định, sản lượng điện năm 2023 và 2024 của POW lần lượt đạt mức 14.919 triệu kWh (tăng 5%) và 16.249 triệu kWh (tăng 9%).

"Nhơn Trạch 1 ghi nhận doanh thu chênh lệch tỷ giá 155 tỷ trong quý 4/2023. Nhơn Trạch 1 ghi nhận thu nhập bất thường 123 tỷ từ chuyển nhượng vật tư trong năm 2023. POW sẽ ghi nhận khoảng 325 tỷ doanh thu từ chênh lệch giá khí tại nhà máy nhiệt điện Cà Mau trong năm 2024. Khoản doanh thu chênh lệch giá khí này có giá trị gần 1.000 tỷ đồng, chúng tôi dự phóng sẽ được ghi nhận lần lượt vào giai đoạn 2024 – 2026", báo cáo vừa công bố của BVSC đưa ra quan điểm.

Được đầu tư 32.470 tỷ, dự án nhà máy của một trong những nhà phát điện lớn nhất Việt Nam đang triển khai tới đâu? - Ảnh 2.

Trong một diễn biến khác, POW đang trình lên PVN các phương án kế hoạch tăng vốn điều lệ, để bổ sung nguồn tiền mặt cho Công ty để thực hiện đầu tư các dự án mới trong tương lai. Dự kiến giá trị vốn điều lệ tăng thêm là khoảng 5.000 tỷ đồng.

POW cũng đang nghiên cứu lập lại phương án thoái vốn tại các Công ty POW có tham gia góp vốn, đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất.

Trong khi đó, dự án LNG Quảng Ninh của POW đang trong quá trình xin cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo khả thi. Kế hoạch dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 9/2024, COD 2 tổ máy lần lượt vào tháng 9 và tháng 12/2027.

Theo Pha Lê

Từ khóa:  Nhơn Trạch 1
Cùng chuyên mục
XEM