VietinBank tăng tốc, “Big 3” ngân hàng “chễm chệ” trên đỉnh bảng xếp hạng vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán

08/02/2024 16:15 PM | Kinh doanh

Từ đầu năm 2024, cổ phiếu CTG đã tăng gần 31% thị giá qua đó đẩy vốn hóa VietinBank vượt qua hàng loạt tên tuổi “đình đám” như Hòa Phát, Vingroup, PV Gas và mới nhất là Vinhomes.

Thị trường chứng khoán đã khép lại năm âm lịch Quý Mão với một phiên đầy khởi sắc dưới sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng. Cổ phiếu CTG của VietinBank là một trong những cái tên gây chú ý nhất khi tăng mạnh 3,2% lên mức 35.500 đồng/cp, qua đó tiến gần gần đến đỉnh lịch sử đạt được hồi giữa năm 2021.

Từ đầu năm 2024, thị giá CTG đã tăng gần 31%, qua đó đẩy vốn hóa thị trường lên mức 190.635 tỷ đồng, vượt qua hàng loạt tên tuổi "đình đám" như Hòa Phát, Vingroup, PV Gas và mới nhất là Vinhomes. Như vậy, 3 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV và VietinBank đều đã "chễm chệ" trên đỉnh bảng xếp hạng các cổ phiếu giá trị nhất sàn chứng khoán.

photo-1707310736297

Trước VietinBank, cổ phiếu của 2 "ông lớn" ngành ngân hàng là Vietcombank và BIDV đều đã vượt đỉnh lịch sử. Vietcombank thậm chí còn là cái tên đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam cán mốc nửa triệu tỷ vốn hóa. Trong khi đó, cổ phiếu BID của BIDV là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trong top đầu sàn chứng khoán 3 tháng trở lại đây.

Về VietinBank, ngân hàng được thành lập vào ngày 26/3/1988, trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định số 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. VietinBank được phê duyệt phương án cổ phần hóa vào tháng 9/2008 và IPO thành công vào cuối năm. Nhà băng này chính thức niêm yết tháng 7/2009 với mã chứng khoán là CTG.

Giai đoạn đầu trước khi cổ phần hóa, tình hình kinh doanh của ngân hàng trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, kết quả đã được cải thiện rõ rệt trong khoảng một thập kỷ trở lại đây sau khi có cổ đông chiến lược là định chế tài chính đến từ Nhật Bản Mitsubishi UFJ vào năm 2013. Lợi nhuận của nhà băng tăng trưởng qua từng năm, trừ năm 2018 do yếu tố khách quan.

Cụ thể, phương án tái cơ cấu lại hoạt động ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016 - 2020 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt ngày 27/11/2018. Dù vậy, do phương án tăng vốn thời điểm đó chưa được phê duyệt và việc thực hiện bước đầu đề án tái cơ cấu khiến VietinBank phải điều chỉnh giảm một loạt chỉ tiêu trong quý cuối năm.

Lợi nhuận trước thuế của VietinBank sau đó đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại từ năm 2019 và đạt kỷ lục 25.100 tỷ đồng năm 2023, tăng gần 19% so với năm 2022 trước đó. Con số này đưa VietinBank đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận năm vừa qua của toàn ngành. Thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản VietinBank đã tăng 12,4% so với đầu năm, qua đó vượt 2 triệu tỷ đồng, trở thành cái tên thứ 3 sau BIDV và Agribank chạm đến cột mốc này.

photo-1707310771997

Vinhomes – cái tên mới nhất vừa bị VietinBank vượt qua trên bảng xếp hạng vốn hóa, vẫn là doanh nghiệp giá trị nhất ngành bất động sàn trên sàn chứng khoán kể từ khi niêm yết tháng 5/2018. Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2018 của doanh nghiệp này đến nay vẫn là thương vụ IPO thành công nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam với giá trị 1,35 tỷ USD.

Kể từ khi lên sàn chứng khoán, Vinhomes thường xuyên nằm trong top đầu về vốn hóa, giá trị có thời điểm lên đến hơn 10 tỷ USD, chỉ sau tập đoàn mẹ Vingroup. Dù cổ phiếu không còn ở thời kỳ đỉnh cao nhưng Vinhomes lại đang là quán quân lợi nhuận năm 2023 với lãi trước thuế lên đến 43.243 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022. Con số này vẫn còn thấp hơn so với mức lợi nhuận kỷ lục hơn 48.000 tỷ mà doanh nghiệp bất động sản này từng đạt được năm 2021.


Theo Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM