Việt Nam trong top 5 các quốc gia có kết quả ấn tượng về dòng chảy thương mại quốc tế, đối thủ mạnh của Trung Quốc về dệt may - công nghệ cao

05/12/2020 09:30 AM | Kinh doanh

Việt Nam có thành tích tốt nhất xét về dòng chảy thương mại quốc tế và xếp thứ 5. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một đối thủ mạnh của Trung Quốc về sản xuất dệt may và ngày càng mạnh hơn về các sản phẩm công nghệ cao. Việt Nam xếp thứ 3 trong số các nước có sự phát triển tốt hơn dự đoán.

DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York vừa công bố báo cáo "Chỉ số kết nối toàn cầu 2020" (Global Connectedness Index 2020 – GCI 2020). Phiên bản thứ 7 này của GCI là phân tích toàn diện đầu tiên về toàn cầu hóa, được đo lường thông qua các dòng chảy quốc tế về thương mại, vốn, thông tin và con người khắp 169 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.

Sau khi duy trì trạng thái ổn định vào năm 2019, các dự báo hiện nay cho rằng chỉ số này sẽ lao dốc đáng kể trong năm 2020 do tác động của giãn cách xã hội như đóng cửa biên giới, hạn chế du lịch và di chuyển bằng đường hàng không. Nhưng điểm tích cực là mức độ kết nối trên toàn cầu nói chung nhiều khả năng vẫn sẽ cao hơn mức được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Dòng chảy thương mại và vốn đã bắt đầu phục hồi. Song song đó, dòng chảy dữ liệu quốc tế tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch, khi các tương tác trực tiếp được thay thế bằng trực tuyến. Điều này góp phần thúc đẩy lưu lượng truy cập internet quốc tế, các cuộc gọi điện thoại lẫn thương mại điện tử.

Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia có kết quả ấn tượng về dòng chảy thương mại quốc tế, đối thủ mạnh của Trung Quốc ở sản xuất dệt may - công nghệ cao - Ảnh 1.

Ông John Pearson, Tổng Giám đốc DHL Express

Ông John Pearson, Tổng Giám đốc DHL Express cho rằng: "Cuộc khủng hoảng hiện tại chứng minh rằng: các kết nối quốc tế là điều không thể thiếu để duy trì kinh tế toàn cầu, đảm bảo sinh kế cho người dân và giúp các doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Các chuỗi cung ứng và mạng lưới logistics đóng vai trò thiết yếu trong việc giữ cho thế giới vận hành và ổn định toàn cầu hóa, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng đang lan rộng ở nhiều quốc gia. Điều này nhắc nhở chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với bất cứ thử thách nào sắp tới.

Những đột phá về vắc-xin trong thời gian qua càng nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính hệ thống của logistics trong lĩnh vực y tế dựa trên hai yếu tố: nhanh chóng và an toàn. Hệ thống logistics y tế này phụ thuộc rất lớn vào mạng lưới liên kết toàn cầu, yếu tố cốt lõi đảm bảo tính hiệu quả của việc phân phối vắc-xin khắp thế giới".

Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia có kết quả ấn tượng về dòng chảy thương mại quốc tế, đối thủ mạnh của Trung Quốc ở sản xuất dệt may - công nghệ cao - Ảnh 2.

Đại dịch Covid-19 gây cản trở cho hoạt động kinh doanh và đời sống ở mọi nơi, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sự liên kết căn bản giữa các quốc gia.

Ông Steven A. Altman, tác giả chính của báo cáo GCI, Học giả Nghiên cứu Cấp cao, kiêm Giám đốc phụ trách Sáng kiến DHL về Toàn cầu hóa tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho biết: "Báo cáo này cho thấy sự toàn cầu hóa đã không bị đứt gãy trong năm 2020, nhưng dịch bệnh đã làm thay đổi – ít nhất là tạm thời – cách mà các quốc gia kết nối với nhau. Nó còn chỉ ra những nguy cơ của một thế giới bị đứt gãy các kết nối quan trọng, cũng như các nhu cầu cấp bách về việc hợp tác hiệu quả hơn trước những thách thức toàn cầu.

Sự kết nối toàn cầu mạnh mẽ có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi từ đại dịch Covid-19, bởi những quốc gia có thể cải thiện mức độ kết nối với các dòng chảy quốc tế thường có xu hướng đạt tăng trưởng kinh tế nhanh hơn".

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất sắc nhất

Việt Nam xếp thứ 3 trong số các nước có sự phát triển tốt hơn dự đoán, dựa trên GDP bình quân đầu người, dân số và khoảng cách địa lý, trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á nhận được nhiều lợi ích từ mối liên kết chặt chẽ với mạng lưới chuỗi cung ứng rộng khắp châu Á, cùng các cải tiến về chính sách của ASEAN với chủ trương ủng hộ hội nhập kinh tế khu vực.

Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia có kết quả ấn tượng về dòng chảy thương mại quốc tế, đối thủ mạnh của Trung Quốc ở sản xuất dệt may - công nghệ cao - Ảnh 3.

Việt Nam đặc biệt vượt trội về chiều sâu (tương quan giữa dòng chảy quốc tế và hoạt động quốc nội) với vị thế dẫn đầu, lẫn chiều rộng (việc các dòng chảy quốc tế được trải rộng khắp toàn cầu hay ở phạm vi hẹp hơn).

Ngoài ra, Việt Nam có thành tích tốt nhất xét về dòng chảy thương mại quốc tế và xếp thứ 5 nói chung. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một đối thủ mạnh của Trung Quốc về sản xuất dệt may và ngày càng mạnh hơn về các sản phẩm công nghệ cao.

Ông Shoeib Reza Choudhury, Tổng Giám đốc DHL Express Việt Nam nhận định: "Việt Nam chắc chắn là một trong những điểm đến được lựa chọn của các doanh nghiệp đang muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất của mình. Các doanh nghiệp này bị thu hút bởi lực lượng lao động trẻ và lành nghề của Việt Nam, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế khác nhau (ví dụ như hiệp định EVFTA gần đây với Liên minh châu Âu), và sự ổn định chung của xã hội.

Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều công ty công nghệ cao, cũng như ngày càng nhiều công ty thời trang và may mặc, đang có kế hoạch chuyển đến Việt Nam hoặc mở rộng năng lực sản xuất của họ tại đây.

Từ trước đến nay, thương mại luôn kết nối mọi người, gia tăng sự thịnh vượng và thúc đẩy các nền văn minh – điều đó vẫn sẽ không thay đổi. Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để đóng góp cho sự phát triển của thương mại toàn cầu, và DHL sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để đảm bảo rằng chúng tôi có thể hỗ trợ nhu cầu đến từ các khách hàng của mình tại đây".

Phép thử của COVID-19 với toàn cầu hóa: Dòng chảy số gia tăng, dòng chảy vốn và thương mại phục hồi nhưng dòng người giảm mạnh

Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia có kết quả ấn tượng về dòng chảy thương mại quốc tế, đối thủ mạnh của Trung Quốc ở sản xuất dệt may - công nghệ cao - Ảnh 4.

Đúng như dự đoán, các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm làm giảm sự lây lan của vi-rút đã dẫn đến sự đứt gãy chưa từng có của dòng người di chuyển xuyên biên giới trong năm 2020. Lượng người du lịch nước ngoài đang trên đà giảm 70% trong năm 2020, theo dự báo mới nhất của Liên Hợp Quốc.

Du lịch toàn cầu sẽ khó khôi phục về trạng thái trước dịch cho đến năm 2023. Trái lại, các dòng chảy thương mại, vốn và thông tin đã duy trì ổn định một cách đáng ngạc nhiên. Giao thương toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau khi suy giảm rõ rệt lúc dịch bệnh vừa mới xuất hiện, và vẫn giữ vai trò trụ cột cho các nền kinh tế trên thế giới.

Các dòng vốn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Cũng theo dự báo của Liên Hợp Quốc, các dòng vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – phản ánh việc các công ty thu mua, xây dựng hoặc tái đầu tư vào các hoạt động vận hành ở nước ngoài) có thể giảm 30-40% trong năm nay.

Tuy nhiên, các động thái mạnh mẽ về chính sách của các chính phủ và ngân hàng trung ương đã giúp bình ổn thị trường. Các dòng chảy số gia tăng do dịch bệnh khiến mọi người phải chuyển sang môi trường trực tuyến để làm việc, học tập và giải trí. Các doanh nghiệp và cá nhân nhanh chóng duy trì kết nối trực tuyến, từ đó thúc đẩy lưu lượng truy cập internet toàn cầu gia tăng ở mức hai chữ số.

Các nước thuộc khu vực Châu Âu dẫn đầu bảng xếp hạng về chỉ số kết nối toàn cầu, trong khi các quốc gia Đông Nam Á cũng đạt thành tích ấn tượng

Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia có kết quả ấn tượng về dòng chảy thương mại quốc tế, đối thủ mạnh của Trung Quốc ở sản xuất dệt may - công nghệ cao - Ảnh 5.

Chỉ số kết nối toàn cầu của DHL được thống kê dựa trên 3,5 triệu điểm dữ liệu để theo dõi mức độ toàn cầu hóa của 169 quốc gia trong giai đoạn từ 2001 đến 2019. Chỉ số đo lường mức độ kết nối toàn cầu của mỗi quốc gia được căn cứ theo chiều sâu (quy mô các dòng chảy quốc tế so với quy mô của nền kinh tế quốc nội, lẫn chiều rộng (mức độ mà các dòng chảy quốc tế được phân phối rộng khắp toàn cầu hoặc ở phạm vi hẹp hơn).

Dữ liệu gần đây cho thấy Hà Lan một lần nữa đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số kết nối toàn cầu của các quốc gia. Singapore, Bỉ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ireland lần lượt xếp ở các vị trí tiếp theo trong top 5. Singapore dẫn đầu về chỉ số tương quan giữa dòng chảy quốc tế so với các hoạt động quốc nội. Ngoài ra, Anh Quốc có sự phân bổ các dòng chảy khắp toàn cầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Với 8 trong số 10 nước có chỉ số kết nối toàn cầu cao nhất, Châu Âu trở thành khu vực đứng đầu thế giới về toàn cầu hóa. Hơn nữa, Châu Âu còn dẫn đầu về dòng chảy thương mại và dòng chảy con người, trong khi Bắc Mỹ là khu vực hàng đầu về dòng chảy thông tin và dòng vốn. Các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Singapore, Việt Nam và Malaysia đứng đầu danh sách các nền kinh tế có thành tích ấn tượng về dòng chảy quốc tế, trong đó các chuỗi cung ứng ở cấp độ khu vực đóng vai trò chính trong thành tích của các quốc gia này.

Báo cáo được ủy nhiệm bởi DHL, sở hữu chính thức bởi Steven A. Altman và Phillip Bastian thuộc Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York. Phương pháp được sử dụng để tính Chỉ số kết nối toàn cầu DHL 2020 phần lớn không thay đổi so với các phiên bản trước. Thay đổi phương pháp luận duy nhất được giới thiệu trong phiên bản này là bổ sung hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế như thước đo trong dòng chảy thông tin của chỉ số.

Dữ liệu được sử dụng để tính toán chỉ số đã được cập nhật hoàn toàn để mở rộng kết quả đến năm 2019, cũng như kết hợp dữ liệu nguồn đã được điều chỉnh của những năm trước. Các tác giả đã ghi lại và phân tích các mức độ toàn cầu hóa, ở cấp độ toàn cầu và tại 169 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm 99% GDP và 98% dân số của thế giới.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM