Việt Nam trên bản đồ tài chính điện tử thế giới và bài toán cho các Fintech Việt
Là thị trường tiềm năng bậc nhất của Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, tài chính điện tử ở Việt Nam vẫn đang trong những giai đoạn phát triển sơ khởi, dù đã thu hút sự gia nhập của hàng loạt ông lớn sừng sỏ nhất thế giới.
Giấc mơ không thành của những kẻ đi đầu hung hãn
Ra đời vào năm 2014, Apple Pay trở thành một trong những người dẫn đầu về dịch vụ thanh toán kỹ thuật số dành cho người dùng Mỹ. Thế nhưng, Apple muốn vươn tới châu Á với chiến thuật ép người dùng sở hữu iPhone. Ban đầu, Apple Pay Cash tích hợp trực tiếp vào ứng dụng iMessage. Nhưng khi kế hoạch ban đầu không đủ sức ảnh hưởng, Apple tung ra loạt tin nhắn phiền nhiễu gợi ý cho người dùng trên nền tảng iOS 11.
Chiêu này không hiệu quả bởi khách hàng châu Á phần lớn mua điện thoại bằng "tiền tươi" chứ không qua một hợp đồng ràng buộc. Chiến lược trở thành số 1 về nền tảng tài chính di động của Apple vẫn còn rất xa.
Chậm hơn một chút, Samsung Pay ra đời khi đại gia smartphone Hàn Quốc giữ ngôi vương trên toàn cầu. Samsung cũng muốn có hệ thống tài chính số riêng trên nền tảng công nghệ của chính họ, với ưu thế ở châu Á so với Apple, và sản phẩm lấp đầy mọi phân khúc. Theo sau họ là Google Pay, Paypal… Trong nhóm đi sau, Samsung thành công nhất.
Thế nhưng, gần đây, công ty này quyết định tạm dừng đưa Samsung Pay vào các smartphone giá rẻ của hãng (tháng 7/2018). Không còn "vùng phủ sóng rộng khắp", Samsung sẽ khó mở rộng ảnh hưởng.
Tài chính số ở Việt Nam đang nở rộ
Theo "Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018" do Ernst & Young (EY) thực hiện, ngành dịch vụ tài chính khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết với sự đột phá của các công ty công nghệ Tài chính thế hệ mới (Fintech). Riêng Việt Nam, 90% khoản thanh toán vẫn bằng tiền mặt, với dân số trẻ và am hiểu về công nghệ giúp chúng ta trở thành một thị trường có tiềm năng lớn cho các dịch vụ tài chính số.
Theo thống kê của Statista, tốc độ tăng trưởng về thanh toán số và thương mại số trong năm 2017 của Việt Nam đạt 22,1%. Hãng này dự báo, quy mô thị trường tài chính điện tử của Việt Nam có thể có thể tăng gấp 2 lần từ nay cho đến năm 2022, đạt hơn 12 tỷ USD.
Hiện tại thị trường tài chính số của Việt Nam cũng khá đa dạng với sự phát triển của hơn 20 loại ví điện tử và dịch vụ ngân hàng số mà các cái tên như ViettelPay, Momo, Ví Việt, Zalo Pay, Moca, Air Pay, Vimo… Trong số các sản phẩm tài chính số, Viettel Pay là dịch vụ ngân hàng số mới ra đời vào đầu năm 2018 nhưng đã vượt ngưỡng 1 triệu người dùng.
Hai sản phẩm khác cũng đã có trên 1 triệu người dùng gồm Momo và Ví Việt; các sản phẩm còn lại chưa công bố về con số triệu người dùng dù cũng có "tay chơi" tiềm năng như Zalo Pay (có 2 cổ đông chiến lược là Tecent – Trung Quốc và Goldman Sachs – Mỹ). Ngoài ra, thị trường cũng có sự góp mặt của Ali Pay (Alibaba) và Samsung Pay (Tập đoàn Samsung).
Trong số này, dù có tiềm lực rất mạnh, Samsung Pay chỉ đóng vai trò như một tiện ích phụ thêm cho khách hàng dùng máy điện thoại hơn là một sản phẩm tài chính số thực thụ. Tuy nhiên, với các sản phẩm của Trung Quốc hoặc có liên quan tới Trung Quốc (Ali Pay, Zalo Pay), sự phát triển của họ cùng với hệ sinh thái thương mại điện tử Trung Quốc ở Việt Nam (Ladaza, Tiki) là một nguy cơ không nhỏ với các công ty Việt.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, các công ty Fintech của Việt Nam vẫn duy trì quy mô nhỏ, phát triển dựa trên các chính sách, quy định còn hạn chế của pháp luật, khó có thể cạnh tranh ngang ngửa với những đối thủ sừng sỏ đến từ thế giới, dù Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay, Paypal, và thậm chí là các ông lớn đến từ quốc gia láng giềng không có lợi thế thực sự về "đọc nhu cầu" của khách hàng Việt.
Với dân số trẻ và yêu thích công nghệ, Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn cho các dịch vụ tài chính điện tử.
Lối đi riêng biệt của dịch vụ ngân hàng số Việt Nam
Nếu tạm bỏ qua cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất điện thoại và ông lớn công nghệ thế giới, tương lai của tài chính điện tử tại Việt Nam có thể sẽ phải dựa vào những lối đi mới, như cách hãng viễn thông lớn nhất Việt Nam là Viettel phát triển dịch vụ ViettelPay. Hiểu một cách đơn giản, ViettelPay là một sản phẩm thuần Việt, cung cấp một dịch vụ "lai" kết hợp giữa một ngân hàng truyền thống với ví điện tử, phát triển thông qua một hệ sinh thái về dịch vụ gồm thanh toán số, thương mại số và giao nhận thông minh.
ViettelPay tạo ra một sản phẩm tài chính cá nhân dành cho mọi người kể cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, không cần smartphone, không cần kết nối Internet, sử dụng đa mạng, bảo mật tối đa với nền tảng nhà mạng viễn thông, chuyển tiền không giới hạn.... Đây cũng là sản phẩm ngân hàng số duy nhất trên thị trường có điểm giao dịch ở mọi xã trên toàn quốc (hơn 120.000 điểm giao dịch) và có thể chuyển tiền mặt tới mọi nơi ở Việt Nam chỉ trong vòng 2 giờ.
Với chiến lược và hướng đi khác biệt, tập trung vào số đông khách hàng tiềm năng ở nông thôn, các nhóm khách hàng ít tiếp cận công nghệ và thường sử dụng những chiếc điện thoại giá rẻ, ViettelPay có lẽ sẽ làm nên cuộc cách mạng về phổ cập dịch vụ tài chính cá nhân Việt Nam trong thời gian không xa.