Việt Nam nắm “kho báu” lớn thứ 2 thế giới: Át chủ bài của thị trường trăm tỷ đô, định hình cuộc đua toàn cầu

30/06/2023 09:12 AM | Kinh doanh

Theo đánh giá chung của giới chuyên gia, trữ lượng nhôm của Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu cho cả thế giới sử dụng trong vòng 10-12 năm.

Việt Nam nắm “kho báu” lớn thứ 2 thế giới: Át chủ bài của thị trường trăm tỷ đô, định hình cuộc đua toàn cầu - Ảnh 1.

“Kho báu” lớn thứ 2 thế giới

Theo báo cáo Mineral Commodity Summaries (MCS) 2023 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), hiện tại tổng trữ lượng quặng bô xít thế giới được ghi nhận là 31 tỷ tấn, trong đó Việt Nam có trữ lượng lớn thứ hai với 5,8 tỷ tấn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại Việt Nam có 2 loại quặng bô xít chính, gồm bô xít nguồn trầm tích và bô xít nguồn phong hóa laterit từ đá bazan.

Bô xít nguồn trầm tích tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La và Nghệ An. Trong khi đó, loại bô xít còn lại tập trung ở các tỉnh phía nam như Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên và Quảng Ngãi.

Việt Nam nắm “kho báu” lớn thứ 2 thế giới: Át chủ bài của thị trường trăm tỷ đô, định hình cuộc đua toàn cầu - Ảnh 2.

Việt Nam có trữ lượng bô xít lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Wiki

Hiện nay, Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất nước ta, chiếm khoảng 70% tổng trữ lượng cả nước (trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỷ tấn). Đây cũng là tỉnh có trữ lượng quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á.

Bô xít là một loại quặng nhôm, từ bô xít có thể tách ra alumin – nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân. Do đó, bô xít được xem là nguồn tài nguyên lớn và là cơ sở để ngành công nghiệp nhôm phát triển lâu dài.

USGS ước tính cứ 4 tấn quặng bô xít sẽ cho ra 2 tấn nhôm ô xít, từ đó sản xuất được 1 tấn nhôm kim loại. Với tỷ lệ 4/1 như vậy thì 5,8 tỷ tấn quặng bô xít của Việt Nam có thể sản xuất được hơn 1,4 tỷ tấn nhôm.

Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam rất có tiềm năng trở thành một nhà sản xuất nhôm lớn, từ đó tạo đà cho sự phát triển kinh tế toàn diện của đất nước.

“Cơn khát nhôm” của thế giới

Giai đoạn 2020-2021, sau nhiều năm dư thừa nguồn cung, thế giới đã chứng kiến xu thế đảo ngược trong ngành nhôm. Giá nhôm leo thang, lượng tồn kho giảm mạnh

Đặc biệt, trong khi thế giới bắt đầu khôi phục sản xuất sau thời gian lao đao vì đại dịch COVID-19, nhu cầu tăng cao nhưng nguồn cung bị hạn chế. Nhiều nơi trên khắp thế giới đã chứng kiến những dấu hiệu rõ ràng của tình trạng khan hiếm nhôm.

"Lượng dự trữ nhôm sụt giảm với tốc độ rất nhanh - khiến mọi người đều bật ngửa vì không chuẩn bị trước" - Kamil Wlazly, nhà phân tích cấp cao tại Wood Mckenzie ở London (Anh) cho hay.

Tình trạng này cũng khiến Trung Quốc từ nhà xuất khẩu trở thành nhà nhập khẩu nhôm lớn của thế giới.

Việt Nam nắm “kho báu” lớn thứ 2 thế giới: Át chủ bài của thị trường trăm tỷ đô, định hình cuộc đua toàn cầu - Ảnh 3.

Giai đoạn 2020-2021, thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng nhôm. Ảnh: BNews

Chỉ trong tháng 7/2020, nhập khẩu nhôm của Trung Quốc tăng 570% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 35,5% so với tháng 6/2020. Tình hình này vẫn tiếp diễn đến cuối năm 2020 và sang năm 2021, khiến các khách hàng ở Mỹ phải cạnh tranh mua nhôm với các công ty Trung Quốc.

Theo Bloomberg, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành vào thời điểm đó thậm chí đã chuẩn bị cho viễn cảnh thiếu hụt nguồn cung nhôm trong 5 năm tiếp theo.

Bước sang năm 2023, nhu cầu thị trường đối với nhôm đã bình ổn trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung ứng/sản xuất nhôm lại đối mặt với một thách thức mới, đó là sản xuất nhôm nguyên chất, tăng cường tái chế nhôm và tiếp cận nguyên liệu “xanh”.

Tiềm năng lớn của Việt Nam

Thị trường nhôm được đánh giá ở mức 112 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 6% trong giai đoạn dự báo 2022-2027.

Trong khi đó, nhôm hiện đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các ngành sản xuất điện và năng lượng tái tạo - xu thế mà các nước trên thế giới đang chạy đua phát triển.

Trong tương lai, sự gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo trong các hệ thống lưới điện quốc gia trên toàn thế giới sẽ đòi hỏi một tổng thể quy mô lớn, điều này sẽ tạo ra nhiều nhu cầu hơn nữa đối với hợp kim nhôm. Hiện nay, cuộc đua giành thị phần các thiết bị năng lượng tái tạo trên thế giới cũng đang ngày càng trở nên khốc liệt.

Theo đánh giá chung của giới chuyên gia, trữ lượng và tiềm năng về bô xít và nhôm ở Việt Nam còn rất lớn.

Các báo cáo phân tích quy mô thị trường bô xít 2020-2027 được đăng tải trên Grandviewresearch dự đoán, trữ lượng nhôm của Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu cho cả thế giới sử dụng trong vòng 10-12 năm.

Tháng 5 vừa qua, Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Vũ Văn Phụ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho hay, ngành công nghiệp bô xít-alumin của Việt Nam mới chỉ phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây với sự có mặt của 2 công ty thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt nam.

Toàn bộ lượng alumin sản xuất tại Việt Nam đều được xuất khẩu. Việt Nam hiện chưa có năng lực luyện nhôm, doanh nghiệp trong ngành nhôm vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nhôm nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm từ nhôm.

Việt Nam nắm “kho báu” lớn thứ 2 thế giới: Át chủ bài của thị trường trăm tỷ đô, định hình cuộc đua toàn cầu - Ảnh 4.

Sản phẩm alumin được sản xuất tại Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông). (Ảnh: TKV)

Theo chiến lược phát triển của ngành nhôm, nhà máy luyện nhôm đầu tiên tại Việt Nam - Nhà máy Luyện nhôm Đắk Nông, đang được xây dựng với công suất 450.000 tấn/năm và dự kiến sẽ cho ra mẻ nhôm đầu tiên sử dụng alumin từ Nhà máy Nhôm Nhân Cơ vào năm 2024.

Theo Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, Việt Nam nằm trong Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đại diện cho thị trường lớn nhất và cũng được dự đoán là thị trường phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 5 năm tới, do tiêu thụ ngày càng tăng từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Ông Vũ Văn Phụ dự báo tốc độ tăng trưởng ngành nhôm Việt Nam năm 2023 đạt 7%.

Các sản phẩm chính ngành nhôm là phôi nhôm thỏi Ingot, phôi nhôm Billet, nhôm định hình Profile và nhôm công nghiệp. Sản phẩm nhôm định hình được kỳ vọng sẽ thống trị thị trường với động lực là ngành xây dựng.

Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường xây dựng tăng trưởng thứ 4 của khu vực châu Á, với các mục tiêu lớn về cơ sở hạ tầng, nhà ở thì đây chính là động lực phát triển của ngành trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Vy Lam

Cùng chuyên mục
XEM