Việt Nam là ngôi sao sáng nhất Đông Nam Á trong lĩnh vực 600 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 giá trị toàn khu vực

19/10/2024 17:11 PM | Kinh tế vĩ mô

Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp.

Việt Nam là ngôi sao sáng nhất Đông Nam Á trong lĩnh vực 600 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 giá trị toàn khu vực- Ảnh 1.

Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Đông Nam Á đã trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo với nhiều công ty công nghệ và kinh tế mới. Nền kinh tế số của khu vực này có thể đạt giá trị 600 tỷ USD trong vòng 6 năm tiếp theo.

Trong khi đó, “ nền kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực trong hai năm liên tiếp và được dự báo sẽ tăng 11 lần, đạt giá trị 220 tỷ USD, chiếm hơn một phần ba giá trị toàn khu vực . Nhờ lực lượng dân số trẻ và am hiểu công nghệ, Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ giữ vững vị thế này trong năm tới”, Antony Shaw – Tổng Giám đốc HSBC Australia và New Zealand, và Tim Evans – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thôn, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong trong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đây là nền tảng giúp đất nước đổi mới căn bản và toàn diện các hoạt động từ quản lý của Chính phủ đến phương thức kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, việc phát triển hạ tầng số, nâng cấp các công nghệ và mở rộng các dịch vụ số được xem là những động lực cốt lõi giúp nền kinh tế Việt Nam tiến xa hơn trong giai đoạn tới. Với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030, Việt Nam đặt ra những kỳ vọng lớn trong việc phát triển nền kinh tế dựa trên yếu tố công nghệ và dữ liệu số.

Cùng với đó, kinh tế số tại các ngành/lĩnh vực sẽ tiếp tục tăng trưởng và sẽ có những mô hình kinh tế mới. Kỹ năng số của người dân cũng ngày càng tốt nên ứng dụng kinh tế số mới như hợp đồng điện tử, họp trực tuyến… sẽ ngày càng tăng, làm tăng tỷ trọng của kinh tế số ngành/lĩnh vực, hay gọi là số hoá ngành kinh tế.

Theo Minh Tiến

Cùng chuyên mục
XEM