Việt Nam đứng hàng đầu trong danh sách được người dân tin tưởng nhất trong xử lý đại dịch Covid-19
Theo Chỉ số Nhận thức Khủng hoảng toàn cầu, người dân Việt Nam đánh giá rất cao phản ứng của chính phủ trước đại dịch Covid-19.
Một báo cáo mới được công bố cho thấy, trong bối cảnh gần như toàn bộ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng Covid-19, hầu hết người dân của họ đều không hài lòng với các nhà lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng.
7 trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, người dân đánh giá Chính phủ có các biện pháp tích cực trong việc ngăn chặn virus. Bộ Chỉ số Nhận thức Khủng hoảng toàn cầu của Blackbox Research and Toluna cho thấy Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 2 chỉ sau Trung Quốc.
Cuộc khảo sát được tiến hành với 12.500 người dân ở 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khoảng thời gian từ ngày 3-19/4. Họ yêu cầu người dân trả lời xung quanh 4 chỉ số chính liên quan đến phản ứng chống Covid-19 của Lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp, cộng đồng và truyền thông.
Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát, xếp cao nhất trong cuộc khảo sát này. Với 85/100 điểm, quốc gia này đứng đầu trong bảng xếp hạng những nước được người dân đánh giá cao nhất trong cuộc chiến ngăn chặn Covid-19.
Xếp thứ 2 ngay sau Trung Quốc là Việt Nam với 77 điểm. Nằm sát ổ dịch đầu tiên của thế giới, Việt Nam vẫn duy trì số ca nhiễm Covid-19 thấp kỷ lục. Tính tới thời điểm hiện tại, chưa có nạn nhân nào của Covid-19 tử vong tại Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á còn đứng đầu thế giới về tỷ lệ xét nghiệm trên số bệnh nhân, vượt qua cả các nền y học và kinh tế hàng đầu thế giới.
Xếp sau Việt Nam là Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Ấn Độ với cùng 59 điểm. Cả 4 vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng này đều là các nước châu Á, vốn có hệ thống y tế luôn được đánh giá là yếu kém hơn ở các nước phương Tây.
Bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ theo Chỉ số Nhận thức Khủng hoảng toàn cầu của người dân.
New Zealand, quốc gia châu Đại dương, nhận được sự hoan nghênh từ quốc về về việc kiểm soát dịch bệnh. Tuần trước, nước này đã nới lỏng cách ly xã hội. Đây cũng là quốc gia duy nhất ngoài châu Á đạt điểm trên trung bình trong bảng chỉ số vừa được công bố.
Xếp ở nửa dưới của bảng xếp hạng là các nền kinh tế lớn của thế giới. Cụ thể, Australia chỉ được 43 điểm. Mỹ được 41 điểm trong khi tất cả 4 quốc gia châu Âu tham gia khảo sát là Đức, Anh, Italy và Pháp chỉ lần lượt nhận được 41, 37, 36 và 26 điểm.
David Black, nhà sáng lập và CEO của Blackbox Research, cho biết, phần lớn phản ứng của người dân trong cuộc khảo sát lần này là không hài lòng, đặc biệt là ở các nước phương Tây.
"Với nhiều nước, đại dịch lần này là chưa từng có. Các chính phủ vẫn đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà họ không ngờ tới. Kết quả là sự sụt giảm niềm tin của công chúng dành cho họ", Black nói.
Trong khi đó, một phần châu Á đã có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh trong quá khứ. Cả SARS và MERS đều từng khiến châu Á và Trung Đông chao đảo trong quá khứ. Tuy nhiên, chính những bài học này giúp châu Á đối phó tốt hơn với đại dịch Covid-19 đang xảy ra.
Đối với kinh doanh, Trung Quốc và Việt Nam là những duy nhất người dân chấm điểm các tập đoàn của mình ở mức trên 50 điểm. Trong khi đó, ở Pháp con số này chỉ là 10, Nhật Bản là 6. Đây là những nước đứng cuối bảng.
Báo cáo cũng cho thấy sự chênh lệch ở các nền kinh tế lớn về khả năng khủng hoảng xảy ra. 85% dân Trung Quốc tin rằng đất nước họ sẽ nhanh chóng thoát khỏi 1 cuộc khủng hoảng trong khi chỉ chưa đầy 41% người Mỹ tin điều này.