Việt Nam – điểm đến an toàn của các ông lớn bán lẻ Nhật Bản: Uniqlo liên tiếp mở cửa hàng, Muji phá sản tại Mỹ nhưng đang rục rịch “chào sân”
Không chỉ là thị trường tiêu dùng tiềm năng, Việt Nam còn là phương án giảm thiểu rủi ro cho các thương hiệu bán lẻ Nhật Bản khi thị trường Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc đang có xu hướng sụt giảm.
Uniqlo: Khai trương liên tiếp mặc dịch
Tháng 12/2019, thương hiệu bán lẻ thời trang nhanh hàng đầu Nhật Bản là Uniqlo chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Cửa hàng được đặt tại Trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist với diện tích hơn 3.000 m2, là một trong những cửa hàng lớn nhất tại Đông Nam Á của thương hiệu này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp suốt từ tháng 2, Uniqlo vẫn khai trương 3 cửa hàng mới, lần lượt vào tháng 3 và tháng 5, tháng 6, tại Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu (Hà Nội), SC VivoCity và Vincom Center Landmark 81.
Được biết, Uniqlo có kế hoạch tăng nhanh số lượng cửa hàng ở Việt Nam trong vòng 3 - 5 năm tới.
Muji: Chi nhánh Mỹ phá sản, chào sân Việt Nam
Ngày 31/7, thương hiệu bán lẻ đình đám khác của Nhật Bản là Muji cũng chính thức chào sân thị trường Việt Nam với cửa hàng trải nghiệm đầu tiên cũng đặt tại Parkson Saigon Tourist. Động thái này được cho là bước đà để Muji tiến hành mở cửa hàng đầu tiên trong thời gian tới. Giữa mùa dịch, biển quảng cáo của thương hiệu Nhật phủ kín mặt tiền trung tâm thương mại, khách hàng xếp hàng và được yêu cầu đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt đầy đủ.
Điều đáng nói là trong khi đang từng bước thâm nhập vào thị trường Việt Nam thì công ty của Muji tại Mỹ là Muji U.S.A Ltd lại vừa nộp đơn phá sản sau 3 năm thua lỗ liên tiếp.
Ngoài ra, các trung tâm thương mại khác của Nhật như Akuruhi hay Aeon Mall, 7-Eleven đều đang đẩy mạnh việc kinh doanh ở Việt Nam. Nhà bán lẻ mỹ phẩm Matsumoto Kiyoshi dự kiến cũng sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại đây.
Thị trường tiềm năng thay thế Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản
Trả lời phỏng vấn VTV, ông Hirai Shinji - trưởng ban đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thực tế các nhà bán lẻ Nhật Bản đã lên kế hoạch từ nhiều năm trước và đã có thời gian dài nghiên cứu thị trường. Trong bối cảnh Covid-19, trong mắt doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam không chỉ là địa điểm tốt cho việc sản xuất mà còn là thị trường tiêu dùng mới hấp dẫn, một mảnh đất màu mỡ mà họ chưa khám phá.”
Tại buổi khai trương Uniqlo Vincom Bà Triệu (Hà Nội), ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam tiết lộ đã đã bắt đầu mong muốn được thử thách tại thị trường này từ 10 năm trước. Ryohin Keikaku – công ty mẹ của Muji cũng cho biết đã nhắm đến Việt Nam và chuẩn bị chiến lược dài hơi từ 3 năm nay..
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khép lại năm 2019 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính tương đương hơn 161 tỷ USD, tăng gần 18,9 tỷ USD so với kết quả của năm 2018. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.218 nghìn tỷ đồng, vẫn tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam cũng là thị trường hiếm hoi giữ được mức tăng trưởng dương trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của Covid-19.
Đồng thời, thị trường Việt Nam còn được coi là phương án giúp phân tán rủi ro khi mà tình hình bán lẻ tại các thị trường lớn như Mỹ hay Nhật Bản, Trung Quốc đều đang sụt giảm nghiêm trọng.
Đơn cử như tại Mỹ, hãng thời trang nhanh Forever 21 hay các ông lớn bán lẻ lâu đời như Brook Brothers, Barneys New York đã trở thành nạn nhân của sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong những năm gần đây và buộc phải đệ đơn phá sản.
Thị trường chính của Muji tại Nhật Bản cũng đang chịu lỗ vì cửa hàng đồng loạt đóng cửa và doanh thu giảm mạnh. Trong quý II, Muji báo lỗ khoảng 2,9 triệu yen (27,2 triệu USD). Tương tự, doanh số bán hàng tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của nhà bán lẻ này cũng đang suy giảm, trong khi các cửa hàng Muji tại Hàn Quốc đang gặp khó do người tiêu dùng có tâm lý bài trừ hàng Nhật.
Ông Phạm Thái Bình, một chuyên gia trong ngành bán lẻ cho rằng: “Các doanh nghiệp Mỹ cũng phá sản nên họ (thương hiệu Nhật Bản) cũng phải giảm thiểu rủi ro nhiều nhất có thể. Ở Trung Quốc hay ngay tại Nhật đều chung viễn cảnh là tiêu dùng giảm sút. Thị trường Việt Nam tiềm năng và có thể thay thế cho một số thị trường ở nước ngoài của họ.”