Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo toàn cầu?
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), điểm số và thứ hạng của Việt Nam (VN) về đổi mới sáng tạo (ĐMST) gần đây có xu hướng bị tụt hạng, cho thấy cần “có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực” để đạt mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4.
Lúc tăng, lúc giảm
Chỉ số ĐMST toàn cầu (Global Innovation Index, viết tắt là GII) là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia/ nền kinh tế , được Tổ chức sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới (WIPO) phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007. Phương pháp đánh giá được liên tục hoàn thiện nhằm có được một bộ công cụ đo lường hệ thống ĐMST cấp quốc gia/nền kinh tế. Bộ công cụ đánh giá này tốt hơn, phong phú và xác đáng hơn so với các thước đo ĐMST truyền thống như số lượng các bài báo nghiên cứu được công bố, số đăng ký bằng độc quyền sáng chế hay các mức chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.
Trong 3 năm gần đây, điểm số và thứ hạng về ĐMST của VN liên tục bị thay đổi. Năm 2014 đạt 34,89 điểm (xếp hạng 71); Năm 2015: 38,35 điểm (xếp hạng 52) và Năm 2016: 35,37 (xếp hạng 59). Theo đó, VN được đánh giá là mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm Đầu ra của ĐMST bao gồm: “sản phẩm của tri thức và công nghệ” và “sản phẩm sáng tạo”.
Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài cho phép VN đạt thứ hạng cao ở chỉ số về “Hấp thụ tri thức”, “Dòng vốn đầu tư nước ngoài”, cũng như “Lan truyền tri thức”, hay “Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”. Tuy nhiên, VN được đánh giá là còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh”, “xếp hạng các đại học”, “việc làm thâm dụng tri thức”, “tỷ lệ lao động nữ có trình độ”, “đăng ký sáng chế quốc tế PCT”, “xuất khẩu dịch vụ ICT”, “nhập khẩu dịch vụ ICT”.
Mặc dù thứ hạng về môi trường cạnh tranh của VN năm 2016 có sự cải thiện tốt (tăng 9 bậc, mức cải thiện tốt nhất từ năm 2008), thứ hạng trong xếp hạng Chính phủ điện tử cũng tăng 10 bậc so với năm 2014, nhưng việc giảm thứ hạng về chỉ số ĐMST và năng lực cạnh tranh cho thấy VN cần “có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực” để đạt mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4.
Cải thiện chỉ số ĐMST
Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực ĐMST có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chính vì vậy, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng năm 2020, đã đưa nhiệm vụ cải thiện các chỉ số về ĐMST với những mục tiêu cụ thể.
Trong đó, đối với chỉ số về ĐMST, Chính phủ đã đặt mục tiêu “Đến năm 2020, các chỉ số ĐMST (theo đánh giá của Tổ chức SHTT thế giới - WIPO) đạt trung bình ASEAN 5”.
Cụ thể, nhóm chỉ tiêu về Thể chế đạt tối thiểu 55 điểm (hiện nay là 51,7 điểm); nhóm chỉ tiêu Nguồn nhân lực và nghiên cứu đạt tối thiểu 31 điểm (hiện nay là 30,1 điểm); nhóm chỉ tiêu về Cơ sở hạ tầng đạt tối thiểu 43 điểm (hiện nay là 36,7 điểm); nhóm chỉ tiêu về Trình độ phát triển của thị trường đạt tối thiểu 51 điểm (hiện nay 43,0 điểm); nhóm chỉ tiêu về Trình độ phát triển kinh doanh đạt tối thiểu 35 điểm (hiện nay là 30,6 điểm). Đây chính là năm trụ cột của nhóm chỉ số đầu vào ĐMST, vốn được đánh giá là còn yếu của VN.
Bộ KHCN được giao làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số về ĐMST, do đó Thứ trưởng Trần Việt Thanh đề nghị các bộ, ngành, địa phương phân công đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện cải thiện chỉ số do Chính phủ phân công, xây dựng giải pháp và kế hoạch thực hiện cụ thể; có cán bộ đầu mối phụ trách theo dõi việc thực hiện, phối hợp và báo cáo kết quả thực hiện hàng quý cho Bộ KHCN để triển khai hiệu quả các giải pháp cải thiện năng lực ĐMST trong nước.