Việt Nam chi quảng bá du lịch thấp hơn cả Lào, Campuchia

31/07/2017 17:02 PM | Xã hội

Du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng cao chưa từng có, song còn nhiều điểm nghẽn...

Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2017 (VPSF) diễn ra ngày 31/7 với ba nhóm ngành trọng điểm là du lịch, kinh tế số và nông nghiệp công nghệ cao. Tại đây, nhiều doanh nghiệp du lịch đã nêu các đề xuất lên Thủ tướng nhằm đạt mức doanh thu 35 tỷ USD năm 2020 như mực tiêu nghị quyết Bộ Chính trị đã đề ra.

Chi quảng bá quá thấp

Theo nhóm doanh nghiệp du lịch, năm 2016, Việt Nam thu hút 10 triệu khách quốc tế, mức cao nhất mọi thời đại. Song, nhiều số liệu cho thấy khoảng 70% khách quốc tế đến Việt Nam một đi không trở lại. Họ đến và đi mang theo 7 nỗi sợ về nạn cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, ẩm thực mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Không ít du khách bị “chặt chém”, mua phải sản phẩm kém chất lượng...

Đến nay, Việt Nam đã miễn thị thực cho 23 nước, 2/3 trong số đó là thời gian ngắn, trong khi các nước bên cạnh như Thái Lan, Indonesia, Singapore... đã miễn visa cho 160 - 169 nước, nhiều nước miễn visa trong thời gian dài.

Xúc tiến du lịch Việt Nam, mỗi nơi làm một kiểu, mỗi nơi làm một thương hiệu, nên thiếu đồng bộ và không hiệu quả. Trong khi Việt Nam mới chi khoảng 2 triệu USD/năm cho xúc tiến du lịch thì Malaysia đã chi tới 69 triệu USD, Singapore chi 80 triệu USD, Thái Lan là 105 triệu USD…

“Đầu tư cho xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực, thậm chí còn kém hơn cả Campuchia, Lào”, nhóm doanh nghiệp du lịch của VPSF phản ánh.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho rằng, quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đã quá lạc hậu, gây lãng phí về tài chính và nhân lực. Độ mở quốc tế chưa cao, đặc biệt là chính sách visa chưa thực sự mở. Công tác xử lý các sự cố du lịch của cơ quan quản lý còn thiếu chuyên nghiệp, giám sát về môi trường và kinh doanh các dịch vụ còn thiếu. Đặc biệt, ngành du lịch vẫn chưa có những chính sách thiết thực cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Kỳ đề xuất 3 vấn đề lên Thủ tướng xem xét, đó là cần rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến 2020. Sớm ban hành các chính sách, chương trình hành động để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 08, nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn có doanh thu 35 tỷ USD năm 2020. Có cơ chế hỗ trợ vốn, lãi suất cho doanh nghiệp du lịch.

Chọn thương hiệu du lịch quốc gia

Điều quan trọng nhất mà theo ông Kỳ cần làm ngay, đó là bắt tay xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, để tập hợp nguồn lực đầu tư phát triển.

“Văn hoá ẩm thực Việt Nam cần phải được lựa chọn làm thương hiệu du lịch quốc gia. Các văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài do Bộ Ngoại giao quản lý nhưng phải hoạt động riêng biệt để quảng bá du lịch”, ông nói.

Thay mặt cho nhóm doanh nghiệp du lịch, người đứng đầu Vietravel cũng đề nghị Chính phủ phải quản lý sát sao công tác bảo vệ môi trường, tạo ấn tượng cho du khách về “môi trường thân thiện, an toàn, không tội phạm”. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn thiên nhiên ở những điểm du lịch cần được chú trọng.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp du lịch còn đề xuất Thủ tướng ban hành một bộ quy tắc ứng xử cho cộng đồng - doanh nghiệp và khách du lịch; tăng cường hiệu quả giám sát, kiểm tra xử lý đối với các cơ sở kinh doanh du lịch sai phạm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia du lịch; biên soạn sách, tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh những thông tin cần thiết gồm cảnh báo an ninh, hỗ trợ khẩn cấp cho khách du lịch đến Việt Nam.

Sắp có quỹ hỗ trợ du lịch

Đại diện cho Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã trả lời các đề xuất của nhóm doanh nghiệp du lịch.

Theo ông Tuấn, du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng cao chưa từng có, dư địa phát triển còn rất lớn, song còn nhiều điểm nghẽn. Về chính sách miễn thị thực, ông Tuấn cho biết, Chính phủ đã có nhiều thay đổi như gia hạn thị thực cho 6 nước Tây Âu. nhưng những nỗ lực đó không nhanh như kỳ vọng, kém cạnh tranh so với khu vực.

Về vấn đề kinh phí quảng bá hình ảnh quốc gia, ông Tuấn cho biết đã được thông qua tại Luật Du lịch 2017. Dự kiến quỹ hỗ trợ du lịch có tổng tài sản khoảng 400-500 tỷ đồng, sẽ thành lập cuối 2017, đầu 2018, nguồn tiền này ban đầu Nhà nước bỏ ra, những năm sau có thể bổ sung từ nguồn thu phí visa.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, hình ảnh Việt Nam đang bị ảnh hưởng vì giao thông thiếu an toàn, tình trạng đeo bám, móc túi... du khách.

“Chỉ cần vài vụ việc xấu về du lịch đã khiến hình ảnh giảm sút nghiêm trọng, bởi thông tin trên mạng xã hội giờ lan rộng rất nhanh. Vì vậy, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến an toàn cho du khách. Chính sách phải được thiết kế xứng tầm để du lịch bứt phá”, ông Tuấn nói.

Theo Bạch Dương

Cùng chuyên mục
XEM