Viện Nghiên cứu Dị ứng và Hen suyễn cảnh báo: Máy rửa bát có khả năng tàn phá ruột và âm thầm gây nên các bệnh mạn tính

30/01/2023 11:12 AM | Sống

Cồn ethoxylat trong chất tẩy rửa được sử dụng trong quá trình sấy khô sẽ bám lại trên bề mặt bát đĩa. Từ đó, người dùng có nguy cơ dung nạp chất độc hại vào cơ thể mà không hề hay biết.

Độc dược từ chất tẩy rửa trong máy rửa bát

Trong một phát hiện đáng lo ngại mới đây, các nhà khoa học chỉ ra chất tẩy rửa trong máy rửa bát đọng lại trên bát đĩa có thể làm tàn phá lớp bảo vệ ruột và khiến người dùng có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dị ứng và Hen suyễn Thụy Sĩ (SIAF), một viện liên kết của Đại học Zurich (UZH), đã thực hiện nghiên cứu về máy rửa bát và phát hiện tác hại tiềm ẩn của thiết bị này.

Máy rửa bát là một dụng cụ nhà bếp quen thuộc với hầu hết các chị em nội trợ bởi tính năng nhanh chóng làm sạch và làm khô bát đĩa, cốc, vật dụng không chỉ trong căn bếp gia đình mà còn ở những nơi như nhà hàng, trường học và doanh trại. Tuy nhiên, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng, một thành phần trong chất tẩy rửa của thiết bị - cồn ethoxylat, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến đường tiêu hóa.

Viện Nghiên cứu Dị ứng và Hen suyễn cảnh báo: Máy rửa bát có khả năng tàn phá ruột và âm thầm gây nên các bệnh mạn tính  - Ảnh 2.

Cồn ethoxylat có thể làm tổn thương biểu mô ruột và dẫn đến các bệnh mãn tính - Ảnh: Scitechdaily

Một chu trình điển hình trong máy rửa bát công nghiệp bao gồm tuần hoàn nước nóng và chất tẩy rửa trong khoảng 60 giây ở áp suất cao. Sau đó, có chu trình rửa và sấy khô thứ hai kéo dài 60 giây tiếp theo. Ở quá trình sấy khô, chất tẩy rửa có cồn ethoxylat được sử dụng.

Cezmi Akdis, tác giả nghiên cứu, giáo sư về dị ứng và miễn dịch học thực nghiệm của UZH, giám đốc của SIAF, cho biết: "Điều đặc biệt đáng báo động là nhiều thiết bị không cài đặt bất kỳ chu trình rửa bổ sung nào để loại bỏ chất tẩy rửa còn sót lại. Điều này có nghĩa là các chất độc hại tiềm ẩn vẫn còn dính trên bát đĩa, sau đó chúng sẽ khô lại luôn trên đồ vật". Từ đó, nhiều khả năng là lượng hóa chất khô bám trên đồ đạc sẽ xâm nhập vào ruột khi mọi người sử dụng bát đĩa.

Các nhà nghiên cứu tập trung vào lớp tế bào biểu mô trong ruột và kiểm soát sự di chuyển của các yếu tố xâm nhập vào cơ thể. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc phá vỡ lớp bảo vệ ruột dẫn đến vô số tình trạng sức khỏe như dị ứng thực phẩm, viêm dạ dày, tiểu đường, béo phì, xơ gan, viêm khớp dạng thấp, bệnh đa xơ cứng, rối loạn phổ tự kỷ, trầm cảm mạn tính và Alzheimer.

Các nhà nghiên cứu phân tích xem chất tẩy rửa trong máy rửa bát ở tỷ lệ khác nhau sẽ tác động như thế nào tới các chất hữu cơ trong ruột người và tế bào ruột trên vi mạch.

Viện Nghiên cứu Dị ứng và Hen suyễn cảnh báo: Máy rửa bát có khả năng tàn phá ruột và âm thầm gây nên các bệnh mạn tính  - Ảnh 3.

Máy rửa bát có khả năng phá hủy lớp biểu mô ruột và gây ra nhiều bệnh mạn tính

Họ ước tính lượng chất tẩy rửa bám trên bát đĩa khô và pha loãng theo tỷ lệ 1:10.000 - 1:40.000. Nghiên cứu cho thấy chất tẩy rửa ở nồng độ cao phá hủy các tế bào biểu mô ruột, trong khi mức thấp hơn làm tăng tính thấm của chất tẩy trong cơ thể.

Ngoài ra, nghiên cứu viên cũng quan sát thấy chất tẩy rửa có thể kích hoạt một số gen và protein tín hiệu tế bào, dẫn tới phản ứng viêm. Cồn ethoxylat, một thành phần của chất tẩy rửa, là nguyên nhân gây ra phản ứng này.

Giáo sư Akdis nói: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy máy rửa bát có khả năng phá hủy lớp biểu mô ruột và gây ra nhiều bệnh mạn tính".

Ổ vi khuẩn tiềm ẩn bên trong máy rửa bát

Nina Gunde-Cimerman, giáo sư vi sinh học tại Đại học Ljubljana, Slovenia đã nghiên cứu sự hiện diện của nấm trong máy rửa chén bát ở các hộ gia đình đến từ 101 thành phố trên khắp thế giới. Kết quả, chiếc máy rửa chén bát hóa ra lại là nơi sản sinh ra rất nhiều vi trùng gây bệnh cho người sử dụng. Môi trường ẩm ướt, nóng, nồng độ muối cao, chất tẩy mạnh, có nhiều acid lẫn kiềm là điều kiện hoàn hảo cho các loại nấm phổ biến như Candid, Cryptococcus và Rhodotorula phát triển.

Nhà nghiên cứu cũng cho biết, có tới 62% máy rửa chén có chứa nấm Exophiala dermatitidis và E. phaeomuriformis trên dải cao su ở cửa. 56% trong số này này nhiễm nấm Exophiala. Đây là những loại nấm nguy hiểm cho sức khỏe. Trong vài trường hợp hiếm hoi, nó đã gây ra các ca tử vong ở người khỏe mạnh và gây ra nhiễm trùng.

Viện Nghiên cứu Dị ứng và Hen suyễn cảnh báo: Máy rửa bát có khả năng tàn phá ruột và âm thầm gây nên các bệnh mạn tính  - Ảnh 4.

Chiếc máy rửa chén bát là nơi sản sinh ra rất nhiều vi trùng gây bệnh cho người sử dụng

Nhà sinh vật học, TS Polona Zalar, ĐH Ljubljana, Slovenia và các đồng nghiệp cũng cho biết, việc khám phá ra sự hiện diện của nấm Extremophilic trong một số thiết bị gia dụng nhà bếp thông thường cho thấy, những sinh vật này có thể gây ra rủi ro đáng kể cho sức khỏe con người.

Tuy nhiên, Erica Hartmann, giáo sư đại học Northwestern, người không tham gia nghiên cứu lại cho biết, chúng ta không nên quá lo lắng về việc tìm ra nấm, vi khuẩn, virus trong thiết bị nhà bếp bởi hầu như rủi ro mắc bệnh là rất thấp. Trong một số trường hợp đặc biệt, nhất là những người có hệ miễn dịch suy giảm vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn, nấm mốc.

Vì vậy, chúng ta hãy lưu ý vệ sinh máy rửa bát thường xuyên. Khi vệ sinh máy cần chú ý làm sạch các lỗ cao su thoát thức ăn và dùng bàn chải nhỏ, nhúng nước ấm pha dấm, baking soda hay chất tẩy rửa để vệ sinh xung quanh cánh tay phun nước.

Ở bên trong máy rửa chén, hãy dùng hỗn hợp nước, xà phòng chuyên dụng pha loãng rồi lau đều các cạnh viền, cửa và bên trong khoang chứa đồ, kể cả những góc khuất hay đọng nước bẩn. Đồng thời, gắp bỏ thức ăn mắc kẹt trong máy để vi khuẩn, virus, nấm mốc không có cơ hội phát triển và gây bệnh. Có thể dùng giấm hay nước cốt chanh bỏ vào ngăn xà phòng, mở máy chạy chu kỳ ngắn ở nhiệt độ cao để loại bỏ các bụi bẩn dạng lỏng, dầu mỡ, sát trùng và khử sạch mùi hôi, ẩm mốc trong máy.

Viện Nghiên cứu Dị ứng và Hen suyễn cảnh báo: Máy rửa bát có khả năng tàn phá ruột và âm thầm gây nên các bệnh mạn tính - Ảnh 4.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM