Anh chàng viết CV "kể lể thất bại" khiến hàng loạt nhà tuyển dụng "choáng váng"
Giữa thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt, muốn bản thân trở nên nổi bật là một điều vô cùng khó. Ai cũng biết để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng thì phải chuẩn bị một bộ hồ sơ thật ấn tượng, nhưng nói thì dễ hơn làm.
Jeff Scardino, chuyên viên sáng tạo cấp cao ở Ogilvy & Mather kiêm giáo sư trường Miami Ad ở Brooklyn, đã có lời giải đáp cho những ai còn đang gặp khó khăn khi đi tìm việc. Anh đã thiết kế ra một loại mẫu hồ sơ xin việc, tạm dịch tên là "hồ sơ thất bại", trong đó chỉ toàn trình bày những thất bại cay đắng, kỹ năng tệ hại và lời giới thiệu "dìm hàng". Ví dụ, hồ sơ của Jeff có nêu vài lần viết pitch thất bại hồi làm quảng cáo, những thành tích "hụt ăn", khả năng nhớ tên kém cỏi, thậm chí cả thất bại trong tình cảm hồi học Đại học Ohio.
Khi ý tưởng này mới ra đời, Jeff tin đây là một cách sáng tạo khơi gợi sự chú ý của nhà tuyển dụng, và anh đã thử nghiệm. Jeff ứng tuyển cho 10 vị trí mà anh thấy mình đủ điều kiện và thực sự có ham mê, mặc dù không phải vị trí nào cũng thuộc ngành quảng cáo: "Tôi ứng cử cho cả vị trí ngoài chuyên môn quảng cáo, ví dụ như viết lách."
Với mỗi công ty, anh gửi hai bộ hồ sơ kèm thư xin việc riêng rẽ, cách nhau khoảng vài tuần và sử dụng tên tuổi, địa chỉ khác nhau. Kết quả thật... không thể tin được! Bộ hồ sơ bình thường chỉ được 1 nơi trả lời nhưng lại không được hẹn phỏng vấn. Còn "hồ sơ thất bại" thì lại được 8 nơi trả lời kèm 5 lời mời gặp mặt.
Một số mục trong hồ sơ của Jeff có thể được lược dịch như sau:
KINH NGHIỆM
Từ 2012 đến nay
Ogilvy & Mather
Chuyên viên sáng tạo cấp cao
- Ba lần rao hàng đều hỏng.
- Suốt năm đầu không ra được sản phẩm nào đáng giá.
- Không bán được mấy ý tưởng đột phá cho UPS hoặc American Express.
2009-2012
DDB NY
Sáng tạo
- Bị các agency khác nẫng tay trên làm trước mấy dự án đáng tiền.
- Lúc khó chịu không bao giờ chịu đổi nhóm.
- Không bán được mẩu quảng cáo truyền hình nào.
2009-2009
Droga5
Thực tập
- Viết pitch quảng cáo trên Myspace nhưng thất bại.
- Bị rệp giường nhà trọ cắn cho gần chết nên phải rời thành phố.
- Đáng lẽ phải táo bạo hơn.
- Vì không hết sức nên không được nhận làm.
THÀNH TÍCH ĂN HỤT
- Chỉ còn một năm để phấn đấu vào danh sách 30 Nhà Sáng Tạo Dưới Tuổi 30.
- Vẫn chưa viết xong cuốn sách từ mấy năm trước.
- Không qua nổi vòng tứ kết cuộc thi viết kịch bản phim.
- Thua giải bóng mềm nội bộ.
- Không giành được giải One Show hay D&AD nào.
- Sự nghiệp lên sóng chưa bao giờ thành công.
- Muốn trở thành DJ phát thanh nhưng thất bại.
HỌC VẤN
2008-2009
Creative Circus
Copywriting
- Làm phật ý mấy giám đốc sáng tạo ra trường sớm.
- Tốt nghiệp bằng một portfolio không liên quan lắm tới phong cách nghệ thuật của mình.
- Đáng lẽ phải học cả thiết kế nữa.
2004-2008
Đại học Ohiho
Cử nhân Báo Chí
- Cặp với một em thoáng tính, hỏng luôn năm nhất.
- Năm cuối, đáng lẽ phải vui chơi với bạn bè nhiều hơn là học 20 tín chỉ mỗi quý.
KỸ NĂNG QUÈN
- Mang việc về nhà làm, gặp phiền hà với vợ.
- Bị khó nhớ tên người khác.
- Không chịu khó ghi chép trong khi họp, nhưng nhìn thì tưởng là đang ghi chép vì thực tế là đang vẽ.
- Đáng lẽ phải đúng giờ giấc hơn.
- Phải đầu tư công sức hơn cho những hồ sơ kém thú vị.
Một công ty viết:
"Đầu tiên, chúng tôi rất hoan nghênh anh. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một bộ hồ sơ nào giống của anh. Đọc hàng trăm bộ hồ sơ suốt một năm liền, thấy có người xin việc theo một cách khác biệt thật là mới mẻ thay. Tôi đã cho cả phòng đọc hồ sơ và ai cũng rất háo hức được gặp anh."
Một công ty khác tỏ ra vô cùng ngạc nhiên:
"Tôi đã nhận được hồ sơ của anh. Rất thú vị. Tiếc thay chúng tôi đã tìm được người cho vị trí này. Nhưng tôi rất muốn tìm hiểu thêm về dự án của anh. Đây đúng là cách tư duy mà chúng tôi rất thích."
Jeff chia sẻ: "Đối với tôi, hai lá thư này là minh chứng rõ ràng nhất. Cho dù người ta nghĩ đây chỉ là trò đùa, nhưng vẫn trả lời đàng hoàng, và thế là tôi có cơ hội để mở đầu câu chuyện và nói nhiều hơn về bản thân mình. Và họ chấp nhận."
Dù thử nghiệm của Jeff chỉ thực hiện với 10 công ty thuộc ngành đòi hỏi sáng tạo, nhưng điều đó cũng cho thấy các công ty vẫn cởi mở với cách xin việc mới mẻ này. Cứ cho nhà tuyển dụng thấy mình trung thực, rõ ràng và có nhược điểm lại là một cách hấp dẫn riêng, và theo đó sẽ là những cuộc gọi điện, những email mời phỏng vấn.