13 điều tồi tệ nhất khi làm việc tại Apple
Với nhiều người, làm việc cho Apple, hãng công nghệ giá trị nhất thế giới, là một vinh dự và tự hào, tuy nhiên, với vài người khác, mọi thứ không như là mơ.
Apple là một trong các hãng công nghệ giá trị nhất thế giới. Nhà sản xuất iPhone, iPad, Mac đứng đầu bảng danh sách Các công ty được ngưỡng mộ nhất hành tinh của tạp chí Forbes 8 năm liên tiếp. Tháng 2/2015, Apple trở thành doanh nghiệp Mỹ đầu tiên chạm mốc giá trị thị trường 700 tỷ USD và dự kiến vượt mốc 1 nghìn tỷ USD trong năm nay.
Được làm việc tại Apple có thể xem là mong ước của bất kỳ người nào, tuy nhiên, thực tế không phải bao giờ cũng như kỳ vọng.
Tại một nơi được đánh giá là “thiên đường”, vẫn tồn tại không ít phàn nàn từ nhân viên và cựu nhân viên Apple. Nói một cách công bằng, chúng không đại diện cho ý chí chung của toàn bộ công ty, song cũng tiết lộ phần nào đó nhược điểm của mọi doanh nghiệp lớn.
Dưới đây là 13 điều khủng khiếp nhất khi làm tại Apple, theo tiết lộ của những người đã, đang là nhân viên công ty.
Nhanh kiệt sức
Một kỹ sư phần mềm cấp cao của Apple gọi Apple là “nơi làm việc đầy đam mê” nhưng cường độ làm việc có thể khiến bạn đốt cháy năng lượng nhanh chóng. Không chỉ một, mà rất nhiều nhân viên đang hoặc gần ngưỡng kiệt sức.
Như trong phim thảm họa
Một nhân viên Apple cho rằng công ty thiếu đi những điều thú vị trong công sở.
“Môi trường im lặng, buồn tẻ, mọi người chỉ đơn giản là làm công việc của mình như robot. Nó mang nặng văn hóa của doanh nghiệp lớn chứ không phải startup.
Gym không miễn phí như các công ty khác, đồ ăn cũng không ngon bằng LinkedIn, Intuit, Netflix… và không thể chạm tới trình độ của Google, Facebook”.
Khó cân bằng cuộc sống
Đây là một trong những phàn nàn phổ biến nhất về Apple trên trang tuyển dụng Glassdoor. “Cân bằng công – tư không tồn tại. Các kỳ nghỉ không tốt”, một kỹ sư phần mềm tiết lộ.
Trong khi đó, một quản lý cho biết thêm: “nhiều email đến sau 10 giờ tối, mọi người vẫn phải hoàn thành công việc của mình, rất khó để cân bằng. Bạn muốn hỗ trợ cả nhóm. Bạn muốn nổi bật và làm việc chăm chỉ để được cân nhắc tăng lương”.
Người khác chia sẻ phải làm việc ngoài giờ rất nhiều.
Trở ngại với nhân viên có gia đình
Một nhà thiết kế cho biết nhân viên Apple thực sự quan tâm đến công việc của mình, nhưng môi trường thuần công việc mang đến nhiều sự đánh đổi.
Theo người này, một số trường hợp khi gia đình có việc khẩn cấp không được thông cảm.
Tù túng
Một kỹ sư phần mềm cấp cao không phàn nàn gì về lương bổng, thưởng, đồng nghiệp thông minh nhưng lo ngại không gian làm việc ngày càng tù túng khi có thêm nhiều người mới.
“Apple tuyển người quá nhanh đến mức tất cả chúng tôi đều phải chia sẻ văn phòng với người khác. Có lẽ khi chuyển sang trụ sở “phi thuyền” mới, tôi mới có được không gian riêng tư”.
Đồng nghiệp kiêu ngạo
Một kỹ sư phần mềm Apple phàn nàn vì các đồng nghiệp thông minh của mình đôi khi tỏ ra rất kiêu ngạo.
Do không phân quyền chính thức trong mỗi nhóm, mọi người đều bình đẳng, tuy nhiên luôn có những tình huống một số người tỏ ra mình ở vị trí cao hơn người khác.
Lương không phản ánh đúng khối lượng công việc
Một kỹ sư tin rằng các nhân viên mới không nhận được đồng lương xứng đáng với thời gian họ dành cho các dự án.
Một người khác viết: “bạn có thể phải làm 15 tiếng/ngày kể cả cuối tuần và trong kỳ nghỉ. Lương thưởng không bù đắp được cho khối lượng công việc phải làm…”
Sự bí mật
Apple “khét tiếng” với khả năng giữ bí mật về các sản phẩm mới.
Leander Kahney, tác giả cuốn sách “Jony Ive - The Genius Behind Apple's Greatest Products” gọi đây là “thành trì thép”.
“Trong mọi việc đã làm trong đời, tôi chưa từng thấy một môi trường nào bí mật hơn tại đây. Chúng tôi liên tục bị dọa mất việc nếu tiết lộ bất kỳ thứ gì. Và ngay cả với Apple, đồng nghiệp của bạn còn không biết bạn đang làm gì. Bí mật giống như khẩu súng đặt ngay thái dương. Đi sai một bước sẽ cướp cò”, cựu kỹ sư Apple chia sẻ.
Cũng chính vì sự bí mật này, nhiều nhóm bị chồng chéo nhau và lặp lại sai lầm của nhau từ năm này qua năm khác.
Không được lập trình bằng phương pháp tốt nhất
Theo một cựu kỹ sư phần mềm, cấp quản lý không muốn chuyển đổi từ mô hình lỗi thời sang tân tiến hơn. Các kỹ sư gần như không có ảnh hưởng gì vì họ không được phép lập trình bằng phương pháp tốt nhất.
Nhiều quản lý xuất phát từ mô hình nhà thầu lo sợ bị mất quyền và không muốn để người khác làm tốt hơn vì như vậy họ sẽ không còn nơi nào để đi.
Phòng HR vô dụng
Một số quản lý tự sáng tác nên các câu chuyện và lời nói dối để trông như họ tốt đẹp hơn trước người khác.
Tuy nhiên, khi báo cáo lên phòng nhân sự (HR), các vấn đề đó không được giải quyết. “Phản ánh vấn đề trong quản lý với phòng HR không có tác dụng gì”, một cựu kỹ sư viết.
Không thú vị như mọi người nghĩ
Một kỹ sư phần mềm không thể hiểu vì sao gần như mọi nhân viên Apple lại tỏ ra thích thú với công việc như vậy.
“Với tôi, công việc thật tẻ nhạt. Chúng không coi trọng sự sáng tạo hay hiểu biết; chúng chỉ đơn thuần là thực hiện các nhiệm vụ mà cấp trên giao cho… Một số bộ phận không có sự cấp thiết, trong khi số khác lại làm việc căng thẳng đến chết”.
“Tất cả những gì nhận được là… không gì cả”
“Bất kể tôi được học bao nhiêu về dòng sản phẩm đó và thể hiện rằng có thể dùng kỹ năng của mình để giúp đỡ, tất cả những gì nhận được là không gì cả, không giao tiếp, không công việc. Vì vậy, tôi phải chứng kiến các sản phẩm quan trọng bị trì hoãn hết lần này đến lần khác. Tôi tự hỏi “đây mà là Apple à”.
Tôi nhìn lại đơn xin việc của mình để bảo đảm nó không viết: “Tôi có năng lực bị lờ đi và gõ ngón tay trên bàn”, một nhân viên Apple cho biết.