Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ

07/11/2022 08:00 AM | Kinh doanh

Kiên trì bám đuổi, nỗ lực cải tiến và đi trước đón đầu là cách vị Chủ tịch vượt qua thăng trầm, gây dựng nên công ty quy mô nghìn tỷ, trở thành đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp từ Mỹ, Nhật Bản.

Sáu năm trước, khi nói về ngành công nghiệp phụ trợ, gia công, không ít người bị ám ảnh bởi câu nói “Việt Nam không làm nổi con ốc vít". Một - hai năm trở lại đây, người ta lại trăn trở câu chuyện làm sao để có những sản phẩm tự hào mang thương hiệu Việt. Bởi không dễ lướt sóng như buôn đất hay đầu tư chứng khoán, lại đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và tính chính xác cao, nên công nghiệp phụ trợ không phải sân chơi dành cho tất cả.

14 năm thăng trầm, trầy da tróc vảy với ngành gia công cơ khí chính xác, anh Nguyễn Văn Hùng - nhà sáng lập CNCTech có lẽ hiểu rõ hơn ai hết “cái khó" của nghề. Từ một cậu sinh viên nghèo kiếm từng đồng lương từ làm công nhân, phục vụ,... anh Hùng dần bén duyên với công nghiệp phụ trợ. Kiên trì bám đuổi, nỗ lực cải tiến và đi trước đón đầu là cách vị thuyền trưởng gây dựng nên công ty quy mô nghìn tỷ, trở thành đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 1.

Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 2.

Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 3.

Anh có thể chia sẻ một chút về quãng thời gian bươn chải khi còn là sinh viên của mình?

Cũng như bạn bè cùng trang lứa, tôi sinh ra trong thời kỳ đất nước còn khó khăn. Năm 1997 cũng là thời điểm Vĩnh Phúc tái lập tỉnh, cuộc sống còn thiếu thốn vô cùng. Gia đình tôi cũng không nằm ngoài những khó khăn ấy. 

Vì thế mà khi theo học Đại học Bách Khoa tại Hà Nội, tôi đã bắt đầu bươn chải bằng cách làm công nhân cho một xưởng in. Người chủ đi thu mua các vỏ bao xi măng cũ, lật ngược lại để tận dụng in mặt bên trong. Trước khi in, tôi phải lau sạch lớp xi măng và bụi bám bên trong, chỉ cần làm một vài tiếng là 10 đầu ngón tay phủ đầy bụi bặm, ăn vào da. Thu nhập không cao nhưng tôi lại luôn hứng thú và thích cải tiến. Thay vì tay cầm giẻ lau như bình thường, tôi cuộn giẻ lau vào một chiếc gậy - có chiều dài đúng bằng độ rộng của vỏ bao, chỉ cần quét một lần là lau hết diện tích bề mặt bao. Những cải tiến như vậy dù nhỏ nhưng lại giúp tăng năng suất lao động, tôi càng thấy vui và hứng khởi. 

Sau này, tôi còn nhiều trải nghiệm khác như bán thú nhồi bông ở vỉa hè, bơm xe, làm gia sư rồi làm phục vụ tại quán bar. Có thời điểm làm gia sư, tôi thậm chí đã mơ ước viết một bộ sách để giúp các bạn học sinh ôn thi đại học tốt hơn. Tôi luôn tìm được niềm hứng thú với mỗi công việc, suy nghĩ về nó với tâm thế tích cực nên lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và học hỏi được nhiều kỹ năng giao tiếp, gây dựng thêm các mối quan hệ. Dù 5h chiều hay 9h tối, tôi vẫn cứ hừng hực khí thế. Thời điểm năm 2002, tôi đã có thu nhập làm thêm  400.000 - 500.000 đồng/mỗi ngày. 

    Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 4.

    Chăm chỉ đi làm như vậy, anh cân bằng với việc học ra sao, đặc biệt là tại ngôi trường Bách Khoa nổi tiếng?

Đúng như bạn nói, Bách Khoa là ngôi trường mà hằng năm có khoảng 30% sinh viên lưu ban. Tôi cũng nằm trong số đó. Do bản thân có nhiều đam mê cùng một lúc, muốn làm nhiều việc nên đôi khi bỏ bê việc học. Tuy nhiên may mắn sau đó, tôi cũng đã hoàn thành việc học và tốt nghiệp. Đến năm học thứ 4, tôi có duyên gặp vợ chồng doanh nhân - chủ của một xưởng sản xuất thẻ bài. Lúc đó, tôi là kỹ sư cơ khí, có khả năng set-up nhà máy, căn chỉnh dây chuyền, lắp đặt nên được mời làm giám đốc điều hành. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp, tôi bắt đầu làm việc cho một công ty chuyên lập trình gia công cho lĩnh vực cơ khí hàng không của Mỹ. 

Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 5.

Vậy cơ duyên, động lực nào khiến anh quyết định nghỉ công việc ổn định để khởi nghiệp?

Cuộc đời đôi khi sẽ có những bước ngoặt, những nhân duyên. Khi làm việc cho công ty Mỹ, yêu cầu của ông chủ rất cao. Trong khi đó, tôi nhận thấy năng lực của người Việt, đặc biệt là những người trẻ, rất tốt nhưng chỉ được trả lương khoảng 350 USD/tháng. Nếu ở thị trường Mỹ, mức lương có thể lên tới 10.000 USD/tháng. Những trăn trở đó đã thôi thúc tôi thành lập công ty vào năm 2008, với mong muốn tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn kỹ sư, giống như mô hình của FPT, để xuất khẩu các sản phẩm phần mềm trong lĩnh vực gia công cơ khí sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Âu Mỹ. 

Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 6.

Anh mất bao lâu để cân nhắc trước khi thành lập công ty?

Tôi là kiểu người mà không tính toán, đắn đo nhiều trước khi hành động. Cứ đi rồi sẽ đến. Triết lý của tôi là luôn luôn phải đưa ra quyết định. Khi có một tình huống xảy ra, điều đầu tiên tôi yêu cầu nhân viên phải đưa ra quyết định, làm hoặc không làm, nhưng luôn ưu tiên quyết định làm. Trong quá trình thực thi, chúng ta có thể đúng hoặc sai. Sai cũng không sao, vẫn có thể cố gắng chuyển sai thành đúng. Như vậy chúng ta mới có cơ hội để làm. Còn nếu cứ dành nhiều thời gian để cân nhắc, đắn đo thì cơ hội có thể không còn nữa. 

    Anh thành lập công ty năm 2008, cũng là thời điểm kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Khi đó, anh điều hành CNCTech như thế nào?

Trước khi chính thức mở công ty, tôi đã có những bạn hàng hứa hẹn, có kế hoạch hợp tác rất chỉn chu. Nhưng cuộc đời là vậy, suy thoái xảy ra, đến lúc chính thức hoạt động thì không có đơn hàng nào cả, mọi kế hoạch hay hứa hẹn đều biến mất. Lúc đó bản thân tôi cũng rơi vào trạng thái hụt hẫng, chỉ biết cố gắng tự xoay sở để tìm ra con đường. 

CNCTech lúc đó đã phải thay đổi. Nếu như ban đầu, chúng tôi chỉ tập trung vào làm lập trình, “input" vào cho máy chạy thì sau đó, tôi nghiên cứu về lĩnh vực gia công cơ khí chính xác, làm sao để đưa phần mềm lên máy, gia công thành sản phẩm. Chính quá trình loay hoay ấy lại tạo ra cho tôi cơ hội cọ xát, va đập, thêm nhiều trải nghiệm quý giá cũng như phát huy sự sáng tạo của mình. 

Sau đó, CNCTech nhận đầu tư chiến lược từ doanh nhân Bùi Mạnh Lân - chủ sở hữu 2 KCN Đồng An 1, Đồng An 2. Từ đó, tôi có cơ hội làm trợ lý chủ tịch HĐQT cho chú Bùi Mạnh Lân, triển khai xây dựng một trường cao đẳng nghề quy mô 30ha, tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. 

    Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 7.

    Bước ngoặt nào đã giúp CNCTech xoay chuyển tình thế?

Thời điểm ấy, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam để thăm quan, đánh giá, xem năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam ra sao. Trong khi các doanh nghiệp khác chọn cách đóng cửa, hầu hết không tiếp thì CNCTech lại rất tích cực, tuần nào cũng đón khoảng 3 đoàn đến làm việc. 

Chưa hết, dù đối tác chỉ yêu cầu gửi báo giá nhưng CNCTech luôn mở lời: “Các bạn cứ chọn và đưa cho chúng tôi một sản phẩm khó nhất. Tôi sẽ làm ra mẫu”. Cứ như vậy, tôi tạo được kết nối với nhiều doanh nghiệp của nước bạn. Hơn nữa, cũng một công nuôi cán bộ nhân viên, tôi bỏ thêm một chút chi phí về nguyên vật liệu để các bạn có cơ hội được đào tạo, phát triển khả năng của mình. 

Các công ty khác thấy rất kỳ lạ, không hiểu tại sao chúng tôi vẫn cứ nhiều việc và làm việc liên tục như vậy. Chính vì không dừng lại, vì đội ngũ được nâng cao tay nghề nên khi thị trường ấm lên, đơn hàng bắt đầu quay về thì chúng tôi đã ở trong tư thế sẵn sàng, về cả nguồn nhân lực và máy móc, thiết bị. Đối tác chỉ cần đưa yêu cầu là CNCTech có thể đáp ứng được ngay, trong khi các doanh nghiệp khác mới bắt đầu tuyển dụng, đào tạo lại nhân sự. Từ năm 2011, CNCTech đã gia công một loại phụ kiện giúp iPhone đời đầu bắt sóng di động tốt hơn, xuất khẩu sang Mỹ. Năm 2013, công ty bắt đầu tham gia sản xuất linh kiện, chi tiết máy, khuôn mẫu, tự động hóa trong nhiều ngành công nghiệp chế tạo thông qua một số đối tác từ Nhật Bản. Cứ như thế, CNCTech ngày càng thêm các khách hàng lớn từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 8.

Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 9.

Vậy anh có chiến lược gì khi xây dựng các nhà máy tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tp.HCM,...?

Có một vài lý do khiến tôi xây dựng nhiều nhà máy tại các tỉnh khác nhau. Thứ nhất, nghề làm kỹ thuật cần thời gian đào tạo nhân sự. Thứ hai, khách hàng đến với chúng ta, ai cũng muốn làm khách hàng lớn. Thứ ba, năng lực quản lý đội nhóm, quy mô nhỏ của người Việt khá tốt. Vì thế mà trong quá trình phát triển, CNCTech mở ra nhiều nhà máy để tạo ra nhiều vị trí lãnh đạo, trao quyền nhiều hơn, đồng thời để chúng tôi có thể quan tâm, sát sao với khách hàng hơn. Điều này tốt cho cả khách hàng và cả năng lực quản lý của doanh nghiệp.

Hiện CNCTech đã có nhà máy ở Bình Dương, Đà Nẵng, Tp.HCM, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, tôi thấy chiến lược này rất hợp lý, giúp phân tán rủi ro và xây dựng được một đội ngũ đa văn hoá.

Bên cạnh đó, CNCTech có chiến lược M&A các dự án chưa hiệu quả, hoặc các công ty có chiến lược thay đổi thị trường. Chúng tôi đã M&A một số công ty của Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Đức. Đây cũng là cách để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển đội ngũ nhân lực, quản lý, gia tăng công nghệ và tệp khách hàng trong thời gian ngắn.

    Việt Nam đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển sản xuất của các “đại bàng" từ Trung Quốc và một số quốc gia khác. CNCTech làm gì để đón đầu, nắm bắt những cơ hội này?

Không phải hiện tại mà từ khi thành lập, CNCTech luôn cố gắng đi trước đón đầu. Muốn làm những việc khó thì phải có sự chuẩn bị. Muốn đón doanh nghiệp lớn, muốn lấn sân vào mảng khó hoặc mới thì phải có sự đầu tư. CNCTech đã, đang và tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, con người và hệ thống để khi đối tác đến, họ thấy rằng Việt Nam có những doanh nghiệp đủ năng lực và đủ tầm. 

Từ năm 2013, CNCTech đã lập liên doanh đầu tiên với nước ngoài. Chúng tôi kết hợp với một đối tác Nhật để cung cấp linh kiện lắp máy cho thị trường Nhật Bản. Cho đến 2019, trước khi Mỹ dựng hàng rào thuế quan với Trung Quốc, chúng tôi đã lập thêm ba liên doanh với các đối tác Hong Kong (Trung Quốc) để sản xuất xuất khẩu camera thông minh, linh kiện điện tử, và gọng kính cao cấp.

CNCTech học hỏi và tích luỹ thêm rất nhiều kinh nghiệm từ việc triển khai liên doanh với các công ty công nghệ nước ngoài, từ đó áp dụng vào các dự án đầu tư mới. Ví dụ, CNCTech Thăng Long là một tổ hợp hoàn chỉnh một điểm dừng, để phục vụ tất cả các công đoạn từ gia công, khuôn mẫu tới lắp ráp điện tử. CNCTech cũng mới khởi công nhà máy mới ở khu Công nghệ cao (TP.HCM), quy mô 12.000m2, là một trong nhà máy hiện đại và sáng tạo tại Việt Nam.

Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 11.

CNCTech đã thay đổi thế nào sau 14 năm, và định hướng chiến lược cho tương lai là gì, thưa anh?

CNCTech đã có sự tăng trưởng rất nhanh từ năm 2017 đến nay. Tôi cho rằng một trong những điểm mấu chốt tạo nên sự tăng trưởng này nằm ở tầm nhìn và mục tiêu của người lãnh đạo. Bởi chính bản thân tôi cũng đã có những thay đổi sau khi có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện cùng các doanh nhân lớn như anh Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, anh Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải,... Tôi nhận ra rằng, mục tiêu của bất cứ doanh nhân nào cũng không dừng lại ở đủ ăn đủ mặc, có tiền bỏ túi mà họ đều có khát vọng lớn, thực sự muốn phụng sự xã hội, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn nữa, chinh phục những thử thách lớn lao hơn. 

Thách thức của CNCTech giờ đây nằm ở việc quy mô công ty hơn 3.500 tỷ và tạo việc làm cho hơn 2.000 công nhân viên rồi, thì sang năm phải chạm vào mốc 5.000 tỷ,... Đó là sự cố gắng của cả hệ thống. Xa hơn, tầm nhìn đến năm 2026, khi CNCTech tròn 18 tuổi, tôi - với cương vị là người sáng lập, có thể tập trung vào các chiến lược mở rộng ra toàn cầu, dành cơ hội điều hành cho các bạn trẻ hơn. Chúng tôi đang tập trung vào một số ngành then chốt, sẽ phát triển trên thế giới như công nghiệp chế tạo máy bay, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp chế tạo ô tô điện. Bên cạnh đó, CNCTech sẽ không dừng lại ở gia công - công nghiệp phụ trợ mà hướng tới tự thiết kế và sản xuất ra các sản phẩm phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Một nhiệm vụ quan trọng khác, chúng tôi đang định hình ra những tổ hợp công nghiệp công nghệ có tiêu chuẩn cao, tạo ra mạng lưới khép kín với đầy đủ trung tâm logistics, kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài,... Hơn hết, tôi mong mỏi tạo ra những khu đô thị cho cán bộ - công nhân viên. CNCTech muốn giúp người lao động của mình được hưởng môi trường sống lành mạnh, tiết kiệm thời gian di chuyển và sớm chạm đến mục tiêu “an cư lạc nghiệp”. Đó là xu hướng mà CNCTech đang tiên phong và kiên định theo đuổi.

Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 12.

Trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị trên toàn cầu biến động khôn lường, ông có lời khuyên gì cho các chủ doanh nghiệp?

Chúng ta cần phải thích nghi. Trong một thế giới luôn biến đổi thì chúng ta không thể đứng yên. CNCTech luôn cố gắng làm mọi việc với tốc độ nhanh nhất. Làm càng nhiều, càng nhanh thì kinh nghiệm càng nhiều, khi có biến cố cũng dễ dàng thay đổi cho phù hợp. 

Trong hai năm gần đây, khi chứng khoán và bất động sản lên ngôi, không có nhiều người thích làm sản xuất. CNCTech chọn lối đi khác, chúng tôi tập trung vào việc làm sản xuất. Làm sản xuất khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng đổi lại, chúng tôi tạo ra công ăn việc làm, mang lại giá trị thực. Và khi đã thành thục mảng sản xuất, nhất ngành khó như gia công cơ khí, linh kiện thì khi bước sang ngành khác, tôi tin bạn sẽ không thấy quá thách thức.

Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Vị “thuyền trưởng” CNCTech - Nguyễn Văn Hùng: Từ cậu sinh viên nghèo làm công nhân, phục vụ... thành ông chủ doanh nghiệp sản xuất nghìn tỷ - Ảnh 13.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM