Vì sao Xiaomi có thể vươn lên chiếm vị trí thứ 2 thế giới của Apple trong quý II/2021?
Xiaomi - Apple là hai nhãn hàng tận dụng một cách tốt nhất cơ hội từ sự khan hiếm của Huawei và sự rời bỏ của LG. Tuy nhiên, do Xiaomi đánh vào tất cả các phân khúc - đặc biệt mạnh ở phân khúc phổ thông, trong khi Apple chỉ mạnh ở phân khúc cao cấp, khiến Xiaomi có thể vượt qua Apple lên vị trí thứ 2 ở thị trường thế giới – với gần 17% thị phần.
Một loạt các công ty về nghiên cứu thị trường uy tín trên thế giới như IDC, Canalys và Strategy Analytics vừa công bố báo cáo thị trường smartphone trong quý II/2021. Trong đó, có một thông tin nổi bật đáng chú ý: Xiaomi vượt qua Apple để chiếm vị trí thứ 2 thế giới sau Samsung với gần 17% thị phần – trong khi Apple khoảng 14% thị phần. Lần gần nhất mà Xiaomi có thể vượt qua Apple là vào quý III/2020.
Trong năm 2021, thị trường smartphone thế giới biến động khá mạnh, khi với lệnh trừng phạt mở rộng của Mỹ - nguồn cung của Huawei ngày càng khan hiếm, trong khi LG chính thức từ giã cuộc chơi. Tất nhiên, trước cơ hội ngàn năm có một, những Xiaomi, Apple, Oppo và Vivo cùng các nhãn hàng khác ra sức xâu xé thị phần mà 2 Huawei – LG để lại. Với việc đang ở vị trí thứ ba và đánh vào tất cả các phân khúc - đặc biệt mạnh ở phân khúc phổ thông, Xiaomi thuận lợi nhảy lên chiếm vị trí thứ hai.
Thật ra, không phải Apple không tăng trưởng mà chỉ là tốc độ tăng trưởng của họ không bằng Xiaomi do Apple chỉ hoạt động chủ yếu trong phân khúc cao cấp.
Theo IDC, trong quý II/2021, chúng ta chứng kiến sự hồi phục của thị trường điện thoại thông minh – smartphone, bắt đầu từ cuối năm 2020. Theo đó, tổng lượng giao hàng trên toàn cầu đã tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tốt hơn dự báo 12,5% của chính tổ chức này.
Cụ thể: các nhà sản xuất đã xuất xưởng tổng cộng 313,2 triệu thiết bị trong quý II. Sự tăng trưởng này đến từ tất cả thị trường trên thế giới, trừ Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, vì nhiều lý do mà các hãng điện thoại Trung Quốc chưa ra mắt được những sản phẩm chủ lực có tính đột phá, nhu cầu của thị trường yếu hơn dự kiến, cộng với đà suy giảm mạnh của thương hiệu Huawei, đã kéo thị trường này giảm 10% so với quý II/2020.
"Thị trường điện thoại thông minh đã may mắn khi không gặp phải những hạn chế nghiêm trọng về nguồn cung như ngành công nghiệp ô tô, PC hoặc màn hình. Hơn nữa, dù đại dịch còn lâu mới kết thúc, nhưng người tiêu dùng trên khắp thế giới đã cho thấy mình sẵn sàng quay lại với đam mê về smartphone.
Nhu cầu về các thiết bị có tích hợp 5G đang tăng lên, đặc biệt khi giá cả của chúng đang ngày càng đi xuống. Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, người tiêu dùng vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mực cho công nghệ 5G, ví dụ như mua smartphone 5G thay cho các phiên bản cũ", ông Ryan Reith – Phó Chủ tịch IDC mảng Mobile & Consumer Device Trackers cho biết.
Về các nhãn hàng: trong quý II/2021, Samsung sản xuất được 59 triệu thiết bị - chỉ tăng 9,3% so với năm trước, song họ vẫn giữ vững ngôi vị đầu bảng khi chiếm 18,8% thị phần. Xiaomi bán ra 53,1 triệu thiết bị - tăng 86,5% so, vươn lên vị trí thứ 2 với 16,9% thị phần. Apple chiếm vị trí thứ 3 với 14,1% thị phần, bán được 44,2 triệu thiết bị. Tiếp theo là OPPO (10,5%), Vivo (10,1%) và các nhãn hàng khác.
Lý giải về chuyển động thị trường nói trên, theo IDC, với việc số lượng xuất xưởng của Huawei tiếp tục giảm và thông báo gần nhất của LG – rằng họ sẽ rời khỏi mảng kinh doanh smartphone; thị phần của 2 ông lớn này đã bị các đối thủ nhanh chóng xâu xé.
Trong quá khứ, Huawei mạnh nhất ở thị trường Trung Quốc và LG mạnh nhất ở thị trường Mỹ. Sau khi Huawei bị Mỹ trừng phạt, thị phần của họ tại nước này rơi vào tay của Motorola, TCL và One Plus – cả 3 đã có mức tăng trưởng vượt bậc tại quý II/2021, so với những năm trước. Tại Trung Quốc, Xiaomi, OPPO, ViVo và Apple là những kẻ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự khó khăn của Huawei.
"Không thể phủ nhận vai trò của thị trường Trung Quốc đối với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của Apple trong vài quý vừa qua. Huawei đã chiếm thị phần đáng kể trong phân khúc cao cấp ở Trung Quốc và với việc họ sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng trong thời gian gần đây, Apple bỗng trở thành sự lựa chọn tốt nhất cho người tiêu dùng ở đất nước tỷ dân trong phân khúc này.
Trong quý I/2021, Apple đã chiếm 72% thi phần trong phân khúc smartphone trên 800 USD tại Trung Quốc, trong khi Huawei giảm xuống chỉ còn 24%. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự độc tôn của Apple trong phân khúc cao cấp tại Trung Quốc", Nabila Popal – Giám đốc nghiên cứu của IDC mảng Mobile & Consumer Device Trackers nêu cụ thể.
Ngoài ra, cũng theo Nabila Popal, trên bình diện toàn cầu, các nhãn hàng Trung Quốc còn lại đang phát triển rất tốt, ngoài sự bứt phá của Xiaomi, thị trường còn xuất hiện một ngôi sao đang lên khác – Realme. Với việc tăng trưởng tới 149% cùng 3/4 sản lượng được tiêu thụ ở bên ngoài Trung Quốc, Realme đã lọt vào Top 10 trong quý II/2021.
Hiện tại, các thương hiệu Trung Quốc đang tăng cường tập trung bán hàng vào các khu vực như châu Âu, châu Mỹ Latin, Trung Đông và châu Phi; sự cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng trở nên khốc liệt, Samsung hay Apple nếu không cẩn trọng hoặc dậm chân tại chỗ quá lâu, có thể sẽ bị người Trung Quốc vượt mặt.
Phần Strategy Analytics, số liệu của họ cũng khá tương đồng so với IDC. Theo tổ chức này, trong quý II/2021, số điện thoại được bán ra toàn cầu khoảng 314,2 triệu sản phẩm – tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số tăng trưởng cao nhất trong vài năm gần đây, chỉ đứng sau con số 28% của quý I/2021.
Samsung vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với 18,2% thị phần – song tốc độ tăng trưởng của họ thấp nhất (chỉ 5,4%) trong Top 5 nhà cung cấp. "Chúng tôi tin rằng, sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất Trung Quốc đang ngày càng gia tăng và nguồn cung hạn chế, chính là 2 nguyên do ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của Samsung trong quý II/2021", đại diện Strategy Analytics nhận định.
Còn Xiaomi, sau 2 quý, lại lần nữa vượt qua Apple để chiếm vị trí thứ 2, khi bán được 52,8 triệu chiếc smartphone ra toàn cầu và chiếm 16,8% thị phần. Trong Top 5 nhà cung cấp, Xiaomi đang có tốc độ tăng trưởng tốt nhất – 85,3%. Theo đó, Xiaomi là người thành công nhất trong việc nắm bắt cơ hội sau khi LG tuyên bố rút lui khỏi thị trường châu Mỹ Latin và sự khó khăn từ Huawei tại khu vực châu Âu.
Apple tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong quá I, khi xuất xưởng 47,4 triệu iPhone – chiếm 15,1% thị phần toàn cầu. Các thị trường mới nổi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Apple. Theo ước tính của Strategy Analytics, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất cho iPhone của Apple. Dòng iPhone 12 được hỗ trợ 5G được giới mộ điệu ở đất nước tỷ dân này đón nhận nồng nhiệt.
2 nhãn hàng còn lại trong Top 5 đều đến từ Trung Quốc, là OPPO và Vivo. Cả hai lần lượt chiếm 10,6% và 10% thị phần; tốc độ tăng trưởng 2 con số của cặp đôi này là nhờ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển.
Số liệu từ Canalys lại cho thấy, thị phần top 5 bao gồm Samsung, Xiaomi, Apple, OPPO và Vivo lần lượt là 19%, 17%, 14%, 10% và 10%.
"Xiaomi đang phát triển kinh doanh ở thị trường nước ngoài hết sức thuận lợi. Ví dụ: Xiaomi tăng trưởng hơn 300% tại châu Mỹ Latin, 150% tại châu Phi và 50% tại châu Âu trong quý II/2021. Xiaomi đang chuyển đổi mô hình kinh doanh từ kẻ thách thức sang kẻ mạnh trên thị trường, với các sáng kiến như hợp nhất các kênh phân phối của các đối tác và quản lý cẩn thận hơn hàng tồn cũ trên thị trường mở.
Về tổng thể, phần lớn dòng smartphone của Xiaomi là để phục vụ tầng lớp phổ thông đại chúng, so với Samsung hay Apple, giá bán trung bình của sản phẩm Xiaomi rẻ hơn – khoảng từ 40% đến 70%. Vì vậy, ưu tiên lớn nhất của Xiaomi trong năm nay là tăng doanh số bán các dòng sản phẩm cao cấp của mình, như Mi 11 Ultra.
Nhưng đó sẽ là một mục tiêu khó khăn, vì cả OPPO và Vivo cũng muốn làm thế; hơn nữa cả hai sẵn sàng ‘đốt tiền’ cho các hoạt động marketing – PR cả ở kênh online lẫn offline, điều mà Xiaomi không thể.
Ở khía cạnh khác, tất cả các nhà cung cấp smartphone đều đang chiến đấu hết mình để đảm bảo nguồn cung linh kiện trong bối cảnh toàn cầu đang diễn ra sự thiếu hụt; song Xiaomi vẫn kiên định với mục tiêu: thay thế Samsung trở thành nhà cung cấp smartphone lớn nhất thế giới", Ben Stanton – Giám đốc nghiên cứu của Canalys nhận định.