Vì sao VN-Index mất 75 điểm sau 2 phiên, vốn hoá bị “thổi bay” hơn 12 tỷ USD?

24/08/2021 08:46 AM | Kinh doanh

Phiên sáng 23/8, hi vọng việc thị trường có thể giảm nhẹ hoặc hồi phục vùng giá tham chiếu được thắp lên khi VN-Index có thời điểm giảm hơn 5 điểm. Tuy nhiên, lực bán lại tạo áp lực VN-Index chốt phiên giảm gần 31 điểm, thủng mốc 1.300 điểm.

HoSE chứng kiến 2 phiên giảm điểm liên tiếp với mức giảm lên đến 75 điểm (Ảnh minh hoạ)
HoSE chứng kiến 2 phiên giảm điểm liên tiếp với mức giảm lên đến 75 điểm (Ảnh minh hoạ)

Phiên sáng 23/8 thị trường chứng khoán giao dịch nhiều cảm xúc khi liên tục điều chỉnh giảm và có lực cầu bắt đáy thu hẹp đà giảm. Đáng kể nhất là thời điểm VN-Index chỉ còn giảm hơn 5 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng trên hầu hết các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, thép, bán lẻ, thuỷ sản, khu công nghiệp… và điểm sáng duy nhất còn trụ lại ở nhóm chứng khoán khiến thị trường không thể hồi phục sau phiên giảm sâu 45 điểm trước đó.

Tạm dừng phiên sáng VN-Index giảm 18 điểm và vẫn trên mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, sang đến phiên chiều, nỗ lực của bên mua không được đền đáp, nhóm bất động sản cũng không được tận dụng kéo theo VN-Index phải chấp nhận đóng cửa tại 1.298 điểm, giảm 30,57 điểm (-2,3%) với thanh khoản 26.845 tỷ đồng, vốn hoá HoSE theo đó mất đi hơn 115.000 tỷ đồng

Như vậy, chỉ sau 2 phiên giảm điểm (20/8 và 23/8) VN-Index đã để mất 75 điểm và vốn hoá HoSE đã bị "thổi bay" 286.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng hơn 12 tỷ USD. P/E thị trường chứng khoán Việt Nam theo cập nhật của Bloomberg đang ở 15,65 lần.

Vì sao VN-Index mất 75 điểm sau 2 phiên, vốn hoá bị “thổi bay” hơn 12 tỷ USD? - Ảnh 1.
 Các cổ phiếu tác động đến thị trường phiên 23/8 (Nguồn MBS)

Vậy đâu là nguyên nhân khiến thị trường phải chứng kiến 2 phiên điều chỉnh mạnh và khá sốc như vậy?

Sau khi lập đỉnh trên mốc 1.400 điểm, P/E thị trường có thời điểm lên trên 19 lần, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá "không hề rẻ", định giá của nhiều nhóm ngành có ảnh hưởng đến chỉ số như ngân hàng, thép, chứng khoán là những nhóm đã đưa VN-Index chinh phục hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác cũng đều ở mức cao dẫn tới áp lực chốt lời gia tăng.

VN-Index sau đó đã có một đợt điều chỉnh tương đối mạnh khi trở lại giao dịch mốc trên 1.200 điểm. Sau đó hồi phục tại vùng trên 1.360 điểm, ở thời điểm này thậm chí nhiều quan điểm lạc quan khi cho rằng VN-Index có thể sẽ chinh phục lại mốc 1.400 điểm.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn là nguyên nhân ám ảnh thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư. Phiên 20/8 lý do được không ít chuyên gia trên thị trường nêu ra có liên quan đến những biện pháp giãn cách mạnh tay hơn nhằm kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam. Và sau phiên giảm điểm mạnh, vẫn không ít ý kiến lạc quan khi cho rằng, giảm vì thông tin dịch bệnh thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục giống như các đợt điều chỉnh trước đó.

Tuy nhiên, vấn đề cần nhìn nhận là ảnh hưởng của dịch bệnh lần này đã rất khác. Các chỉ tiêu vĩ mô sau khi cập nhật số liệu tháng 7 và nửa đầu tháng 8, nhiều tổ chức trong, ngoài nước đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021. Mức thấp nhất được ghi nhận đến thời điểm này là dự báo của Dragon Capital khi cho rằng GDP của Việt Nam có thể chỉ tăng 3,7% năm 2021. Dragon Capital trước đó từng một lần hạ tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 5% và rồi xuống mức 3,7%.

Dịch bệnh cũng đang tác động mạnh đến lợi nhuận, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh tháng 7 với chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh. Như CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ), doanh nghiệp này báo lỗ 32 tỷ đồng trong tháng 7, hệ thống PNJ đã tạm đóng 274 cửa hàng vào cuối tháng 7.

Thế Giới Di Động (MWG) cũng ghi nhận lợi nhuận giảm 29% so với cùng kỳ và nếu các biện pháp giãn cách kéo dài trong các tháng cuối năm kế hoạch kinh doanh của MWG khó đạt được.

Nhựa Bình Minh (mã BMP) cho biết, đợt dịch bùng phát lần này khiến toàn bộ hoạt động của công ty chỉ duy trì ở mức 15-20% so với bình thường trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8. Đồng thời giá nguyên liệu đầu vào cao đã nhập trước đó khiến doanh nghiệp lỗ 3,7 tỷ đồng trong tháng 7.

Theo lãnh đạo Nhựa Bình Minh, tình hình còn nghiêm trọng hơn trong tháng 8 khi doanh thu chỉ đạt khoảng 70-75 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước và rất thấp so với mức kế hoạch 400-500 tỷ đồng mỗi tháng.

Dệt may Thành Công (mã TCM) cũng ghi nhận tháng có lợi nhuận sau thuế giảm 47% xuống 15,3 tỷ đồng chủ yếu do việc thực hiện giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao so với cùng kỳ năm trước....

Trong chia sẻ mới đây với BizLIVE, ông Bùi Văn Huy, chuyên gia chứng khoán cho biết, triển vọng vĩ mô không sáng, định giá không rẻ, ngành có triển vọng cuối năm thì đang đắt… do đó đối với nhà đầu tư dài hạn, vùng an toàn phải là vùng giá thấp hơn. Vùng 1.200-1.250 điểm có nhiều cơ hội xuất hiện.

Bảo Vy

Cùng chuyên mục
XEM