Vì sao vị trí chủ tịch Cục dự trữ liên bang (FED) lại rất quan trọng với thế giới?
Tổng thống Donald Trump sẽ bổ nhiệm Jerome Powell, một thành viên của Hội đồng Thống đốc Dự trữ Liên bang, nắm giữ chiếc ghế chủ tịch ngân hàng trung ương, thay cho Janet Yellen.
Đây là một sự kiện trọng đại. Chủ tịch FED là một trong những nhân vật quyền lực nhất nắm giữ vận mệnh kinh tế thế giới. Tuyên bố này sẽ làm các thị trường chuyển động, và sẽ tốn rất nhiều giấy bút phân tích của các nhà kinh tế học.
Thực ra có một số vị trí chủ chốt nhưng lại rất ít người biết đến. Một cuộc điều tra dư luận vào năm 2014 cho thấy chưa đầy 1/4 người Mỹ biết rằng Yellen hiện là chủ tịch đương nhiệm của Fed. Vậy vị trí này có nhiệm vụ là gì?
Trên giấy tờ…
Chức danh chính thức của chủ tịch FED là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của Hệ thống Dự trữ Liên bang.
Hệ thống Dự trữ Liên bang chính là ngân hàng trung ương Hoa Kỳ. Đó là một mạng lưới gồm 12 ngân hàng khu vực phân bố rải rác trên cả nước ở những nơi như New York và San Francisco. Nói đơn giản thì FED chịu trách nhiệm điều phối hệ thống ngân hàng và chỉ đạo chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ - cụ thể là, đặt ra mức lãi suất ngắn hạn mà các ngân hàng áp dụng với nhau, một yếu tố chủ chốt trong việc thắt chặt hoặc nới lỏng dòng tín dụng cho các doanh nghiệp, cá nhân và những người đi vay khác. Tổ chức này sẽ đặt ra lại suất ở mức tạo ra sự cân bằng giữa lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp, giữ cho nền kinh tế ổn định, không quá nóng hoặc quá ảm đạm.
Hội đồng Thống đốc gồm 7 người được tổng thống đề cử nhằm quản lý FED. Họ có thể có nhiệm kỳ tối đa 14 năm, cộng với thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm nếu người này chưa hết nhiệm kỳ. Chủ tịch FED là lãnh đạo của nhóm này, và có nhiệm kỳ 4 năm (nhiệm kỳ của Yellen sẽ kết thúc vào tháng 2 năm sau).
Chủ tịch FED là đại diện của Hội đồng Thống đốc và phải chịu sự chất vấn của Nghị viện Hoa kỳ 2 lần/năm về tình trạng của nền kinh tế và chính sách tiền tệ. Ngoài chủ trì các cuộc họp và đặt ra chương trình nghị sự, về cơ bản chủ tịch FED không có quyền lực gì hơn so với 6 Thống đốc còn lại. Các quyết định của FED được đưa ra dựa trên sự đồng thuận, và theo luật thì ý kiến của chủ tịch không có thêm trọng lượng gì cả.
Trên thực tế…
Chủ tịch FED chính là người cầm trịch. Trong lịch sử, các chủ tịch FED dù là theo con đường "dĩ hòa vi quý" (Yellen và Ben Bernanke) hay độc đoán (Alan Greenspan), họ cũng đều được quyền đưa ra tiếng nói cuối cùng.
Mặc dù các thành viên khác của Hội đồng Thống đốc và các chủ tịch luân phiên của ngân hàng khu vực đều được tự do phản đối Chủ tịch FED về các quyết định lãi suất (Neel Kashkari, chủ tịch của ngân hàng khu vực Minneapolis, gần như lúc nào cũng phản đối), nhưng thường là họ đều đồng thuận. Giữa những năm 1980, khi đa số trong Hội đồng thống đốc phản các đối chính sách của chủ tịch FED khi đó là Paul Volcker, ông vẫn khiến họ phải chiều theo bằng cách dọa từ chức.
Thế giới tài chính dao động theo từng lời nói của chủ tịch FED, vì họ đại diện cho ngân hàng trung ương quan trọng nhất thế giới và đặt ra chính sách có ảnh hưởng đến đồng tiền dự trữ toàn cầu. Hãy hy vọng rằng người tiếp theo nắm giữ vị trí này sẽ làm tốt công việc của mình.