Có gì trong thỏa thuận song phương kỷ lục trị giá 250 tỷ USD mà ông Trump và ông Tập vừa đạt được?

10/11/2017 17:05 PM | Kinh tế vĩ mô

Phần lớn trong số 15 thỏa thuận vừa được công bố đều là biên bản ghi nhớ không ràng buộc (non-binding MOU).

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có chuyến thăm Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến công du lịch sử tới châu Á. Ngày hôm qua (8/11), ông đã được Trung Quốc đón tiếp bằng nghi thức đặc biệt nhất kể từ thời lập quốc, cùng ông Tập Cận Bình và phu nhân ăn tối và xem kinh kịch ở Tử Cấm Thành.

Bước sang ngày thứ hai, ông Trump và ông Tập lại tạo nên một con số ấn tượng: đạt thỏa thuận thương mại song phương trị giá 250 tỷ USD – lớn nhất từ trước đến nay.

Cả ông Trump và ông Tập đều ca ngợi đây là minh chứng cho thấy mối quan hệ hợp tác “đôi bên cùng có lợi” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Tập cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường “theo lộ trình và thời gian biểu của riêng mình”, đồng thời kêu gọi hai bên hãy tôn trọng những “điểm khác biệt” của mỗi bên.

Phần lớn trong số 15 thỏa thuận vừa được công bố đều là biên bản ghi nhớ không ràng buộc (non-binding MOU). Hôm qua Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng thông báo các thỏa thuận có tổng trị giá 9 tỷ USD, trong đó đa phần là biên bản ghi nhớ.

Bloomberg trích lời 1 quan chức Trung Quốc giấu tên cho rằng các biên bản ghi nhớ này thể hiện Trung Quốc sẵn sàng hợp tác kinh tế với Mỹ, và sẽ phải mất nhiều năm đàm phán để có thể đi đến ký kết hợp đồng thực sự.

Trong khi đó những thứ mà các nhà đầu tư của hai nước mong chờ từ nhiều năm nay như mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc hoặc cho phép các công ty Mỹ tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc không được đề cập đến.

Một trong những thỏa thuận đáng chú ý là thỏa thuận phát triển chung về đẩy mạnh dự án khí hóa lỏng ở Alaska, với sự tham gia của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc gồm Alaska Gasline Development Corp., Sinopec, China Investment Corp và ngân hàng Bank of China. Tổng vốn đầu tư của dự án có thể lên đến 43 tỷ USD.

Bên cạnh đó có thương vụ tập đoàn China Aviation Supplies Holding đồng ý mua 300 máy bay trị giá 37 tỷ USD từ Boeing.

Trong chuyến công du châu Á lần này, vấn đề thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn nhất khu vực gần như không được đề cập đến. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Trump chủ yếu tập trung vào vấn đề thắt chặt các mối quan hệ hợp tác về an ninh.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM