Vì sao tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chi 300 tỷ đồng để mua mạng di động ảo Reddi?

21/09/2021 15:23 PM | Kinh doanh

Tầm nhìn của Masan là xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt, từ offline đến online. Hiện nay Masan còn thiếu online và việc thâu tóm Mobicast là bước đi đầu tiên trong công cuộc số hóa. Trong tương lai, Masan sẽ sở hữu nền tảng tích hợp tất cả dịch vụ thiết yếu với người tiêu dùng, qua đó giúp chính người tiêu dùng sử dụng dịch vụ sản phẩm với giá rẻ hơn.

Theo thông tin từ Masan, Tập đoàn này vừa thông qua công ty con mua lại 70% cổ phần của Mobicast. Giá trị thương vụ là 295,5 tỷ đồng, tương đương mức định giá của Masan dành cho Mobicast là 422 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Mobicast là công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, một mảng kinh doanh khác biệt hoàn toàn so với các sản phẩm mà Masan đang tạo ra hiện nay, như thực phẩm, khoáng sản, bán lẻ...

Vậy, điều gì đã khiến Masan lấn sân sang lĩnh vực viễn thông?

Theo Masan, tập đoàn này đang hướng đến hệ sinh thái tiêu dùng "point of life", hệ sinh thái phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số. Đây là những dịch vụ thiết yếu chiếm 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt.

Trước khi lấn sân mảng viễn thông, Masan đã sở hữu hệ thống Vinmart, Vinmart+ và đang tích hợp dần thêm các dịch vụ vào các siêu thị này, như mở quầy của ngân hàng Techcombank, quầy của Phúc Long ngay bên trong các cửa hàng Vinmart, Vinmart+.

CEO của Masan cho biết, tầm nhìn của tập đoàn này là xây dựng nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online nhằm phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, có tần suất sử dụng hàng ngày cho 50 triệu người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2025.

Do đó, tập đoàn này cần một giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng và Mobicast là bước đi đầu tiên trong công cuộc số hóa này.

Masan cho biết, trong tương lai tập đoàn này sẽ từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất. Theo ông Danny Le, CEO Masan, dù chỉ mới ở giai đoạn đầu, "point of Life" của Masan đã có tất cả các mảnh ghép chiến lược cần thiết để thu hút người tiêu dùng với chi phí hiệu quả. Từ đó, giúp người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ và sản phẩm với chi phí rẻ hơn so với hiện tại.

Vì sao tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chi 300 tỷ đồng để mua mạng di động ảo Reddi? - Ảnh 1.

Trong khi đó đối với Mobicast, về làm công ty con của Masan sẽ giúp công ty này tiếp cận với lượng khách hàng đông đảo mà Masan đang sẵn có, từ đó tiết kiệm rất nhiều chi phí tìm kiếm và tiếp cận khách hàng.

Mobicast hiện đang vận hàng mạng di động ảo (Mobile Virtual Network Operator) có tên Reddi. Theo lộ trình của công ty này, Reddi đạt 1 triệu thuê bao vào năm 2020, 3 triệu thuê bao vào năm 2022 và 10 triệu thuê bao vào năm 2030.

Hà My

Từ khóa:  reddi , mobicast , masan
Cùng chuyên mục
XEM