Vì sao tôm hùm đất bị 'cấm cửa' tại Việt Nam?

25/05/2019 14:25 PM | Kinh doanh

Liên quan đến việc tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ, tên khoa học Cherax quadricarinatus) được coi là ngành kinh doanh tỷ đô của Trung Quốc nhưng lại bị cấm tiêu thụ tại Việt Nam, ngày 23/5, trả lời VTC News, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích những tác hại khôn lường nếu để loài tôm này xâm lấn vào đồng ruộng.

Theo ông Thịnh, xét về mặt kinh tế cũng như giá bán hiện nay (200.000 - 300.000 đồng/kg), sẽ tốt nếu đưa tôm hùm đất vào kinh doanh. Hơn nữa, loài tôm này có khả năng sinh sản nhanh chóng và chống chịu trước biến động môi trường.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, chính từ một số đặc điểm sinh học của tôm hùm đất nên chúng có nguy cơ phá hỏng hệ sinh thái.

Vì sao tôm hùm đất bị cấm cửa tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu vào Việt Nam. (Ảnh: Báo Nông nghiệp)


Vì loài này ăn tạp, ăn tất cả thủy sinh, chèn ép các loài sinh vật khác trong môi trường nước khiến chúng không còn thức ăn. Thậm chí, loại tôm này có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, tôm, cá nhỏ.

Lợi ích trước mắt không đáng bao nhiêu nhưng nếu để tôm hùm đất xâm lấn, thiệt hại về lâu dài rất lớn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

“Điều chúng ta lo lắng nhất, đây là giống tôm ngoại lai, sinh trưởng, phát triển nhanh. Hàng loạt tôm, cá của chúng ta có nguy cơ biến mất nếu để tôm hùm đất xâm lấn.

Vì lẽ đó, việc nghiêm cấm nuôi, phổ biến cũng như tiêu thụ tôm hùm đất hiện nay là yêu cầu bắt buộc đối với thực tế ở nước Việt Nam. Lợi ích trước mắt không đáng bao nhiêu nhưng thiệt hại về lâu dài rất lớn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng chỉ ra bài học đắt giá của chúng ta từ nhiều năm trước khi những sinh vật ngoại lai như ốc sên, ốc bươu vàng vào Việt Nam.

Với sự phát triển của tôm hùm đất như hiện nay, theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đó là “sự tàn phá khủng khiếp và khó phục hồi”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái. Nếu phát tán ra đồng ruộng Việt Nam, tôm hùm đất sẽ nguy hại hơn ốc bươu vàng.

Clip: Tôm hùm đất có sức sống mãnh liệt đáng sợ thế nào?

Nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ vẫn tiêu thụ, nuôi và coi tôm hùm đất là đặc sản và Việt Nam có thể quy hoạch các vùng nuôi loài này để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lại không đồng tình với quan điểm trên. “Khía cạnh này lại liên quan đến các nhà sinh học cũng như môi trường của Việt Nam. Tùy theo quốc gia, điều kiện thổ nhưỡng và môi trường sinh thái mỗi nước mà chúng ta có cách quản lý và xử lý.

Việt Nam là môi trường thích hợp để tôm hùm đất phát triển nhanh, đến lúc chúng ta khó khống chế. Chỉ cần một vài con tôm này ra ngoài môi trường, chúng có thể sinh sôi, nảy nở, trở thành mối nguy hại với hệ sinh thái.

Điều đó bắt buộc chúng ta không được nuôi, kể cả mua về dùng. Vì mua về dùng, không tránh khỏi việc rơi ra sông nước, chưa nói tới việc một số người cố tình làm điều đó”, PGS Đinh Trọng Thịnh nói.

Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, tôm càng đỏ là sinh vật ngoại lai mới du nhập vào Việt Nam, rất phàm ăn và còn đào hang, phá công trình thuỷ lợi, gây nguy cơ sạt lở; trong khi hiệu quả kinh tế thấp.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam có khoảng 100 sinh vật ngoại lai như cây mai dương, ốc bươu vàng, gần đây là tôm càng đỏ (tôm hùm đất)... Các cơ quan chức năng đang đặt mục tiêu đến năm 2020, bằng mọi giải pháp để giảm một nửa số sinh vật ngoại lai đó.

Ngày 20/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, loài tôm hùm đất không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.

Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Khi phát hiện có phát tán ra môi trường phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm hùm đất theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

Đồng thời tuyên truyền, phồ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên.

 

Theo Nguyễn Huệ - Minh Khang

Cùng chuyên mục
XEM