Vì sao thị trường BĐS đang chững lại?

10/07/2020 08:24 AM | Bất động sản

Một số chuyên gia địa ốc cho rằng, lúc này thị trường BĐS cần được hỗ trợ “bơm tiền” ngoài việc tháo gỡ vướng mắc các chính sách để kích hoạt các hoạt động. Các gói hỗ trợ mới, đặc biệt là gói tín dụng trung và dài hạn sẽ là “phao cứu sinh” để BĐS phục hồi, thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Tại diễn đàn "Bất động sản 2020: Cơ hội mới từ chính sách và thị trường", TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thị trường BĐS đang đứng trước giai đoạn khó khăn. Điều đầu tiên cần là thúc đẩy thực hiện các gói hỗ trợ hiện có. Ông đồng thời gợi ý đây là thời điểm có thể mở rộng quy mô, nguồn lực các gói hỗ trợ, đồng thời, mở các gói hỗ trợ mới, đặc biệt là các gói tín dụng trung và dài hạn cho các dự án quan trọng, cốt lõi.

Vị chuyên già này cho rằng, các gói hỗ trợ mới cần được thực hiện theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp nội địa, đây là nền tảng của kinh tế tự cường.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho hay, hiện mức độ tăng trưởng GDP có sự chậm lại, thấp hơn 2019 nhưng dưới góc độ Chính phủ đã có những động thái tích cực hỗ trợ thì kỳ vọng độ tăng trưởng của GDP sẽ có phần phục hồi đáng kể trong thời gian tới. Với thị trường BĐS cũng rất cần sự hỗ trợ về các chính sách, vốn để làm lực đẩy cho thị trường phục hồi.

Thị trường BĐS đang phát triển bất ổn do tác động của Covid-19, các dự án dừng hoãn, những chồng chéo về pháp luật trong thủ tục đang là trở ngại cho sự gia tăng nguồn cung của thị trường BĐS trong khi nhu cầu vẫn cao, đặc biệt phân khúc nhà ở xã hội. Trong khi đó, phân khúc văn phòng lại có tỉ lệ tiêu thụ thấp. Vì thế, những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ ở thời điểm này là rất quan trọng.

Tại diễn đàn, các chuyên gia đưa ra các nhóm giải pháp để hỗ trợ thị trường BĐS nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Giải pháp về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

Ngoài ra, Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý 3/2020.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tác động của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp BĐS gặp rất nhiều khó khan. Thị trường BĐS có liên quan rất nhiều đến cơ chế chính sách, khi có liên quan hơn 10 luật khác nhau từ Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật nhà ở, các luật liên quan tới thuế, phí…. Kinh doanh BĐS đặc biệt nhạy cảm với thay đổi chính sách.

"Doanh nghiệp mong chờ chính sách, mong chờ được tháo gỡ. Các văn bản mới được ban hành để tháo gỡ thì lại nhiều khi vấp phải những quy định mới thành ra lại gây khó khan", ông Hà nhấn mạnh.

Nói thêm về khó khăn của thị trường hiện nay, ông Hà cho hay, các dự án mới nguồn cung không có, giá nhà tăng lên, hàng trăm triệu đồng/m2 nhà. Trước đây nhà dưới 15 triệu là thu nhập thấp nhưng bây giờ không còn nữa, 25 triệu là cao cấp nhưng hiện tại Hà Nội và Tp.HCM giá nhà cao cấp đã tăng lên 40-50triệu đồng/ m2.

Vì vậy, ông Hà kiến nghị tiếp tục giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 hiện nay như giảm lãi suất, chậm nộp kéo dài khoảng 12 tháng hay tạm hoãn việc ký quỹ để cho phép dự án đầu tư. Đặc biệt là hướng dẫn lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, dự án đất thì phải đấu thầu, đấu giá,… Những thông tin này cần có những hướng dẫn cụ thể hơn.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) cho rằng, cái hỗ trợ quan trọng nhất mà doanh nghiệp mong chờ là gỡ rối cơ chế chính sách.

Theo ông Hiệp, về Luật Quy hoạch Quốc hội vừa sửa lại gây ách tắc nghiêm trọng hơn. Theo đó, muốn điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải điều chỉnh quy hoạch vùng, muốn điều chỉnh quy hoạch vùng phải điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Nếu dự án năm 2020 thực hiện nhưng lại đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch vùng đã có trước đó, đã lỗi thời thì đây là quy trình ngược, doanh nghiệp "bó tay".

Luật Đất Đai và Luật Quy hoạch, các dự án ách tắc hiện nay đều liên quan hai luật này. Do đó, ông Hiệp kiến nghị khi xây dựng, sửa đổi luật có mời các doanh nghiệp, những người làm quy hoạch để có tiếng nói của thực tiễn.

Ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Gamuda Land HCM cũng cho rằng, bên cạnh đơn giản thủ tục hành chính, doanh nghiệp luôn mong muốn hơn việc minh bạch các chính sách pháp luật, đồng thời các quy định về phê duyệt đầu tư nhanh chóng hơn sẽ là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như cam kết đầu tư lâu dài tại thị trường này.

Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM