Vì sao ô tô nhập giảm mạnh bất thường, giá tăng đột biến thêm 300 triệu?

06/05/2017 13:44 PM | Kinh doanh

Nửa đầu tháng 4, người tiêu dùng bất ngờ với thông tin xe nhập khẩu giảm mạnh về lượng nhưng giá lại tăng đến cả trăm triệu đồng.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, từ ngày 1 – 15/4, cả nước đã nhập khẩu hơn 3.868 xe ô tô nguyên chiếc, trong đó, xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi là 1.292 chiếc, chiếm 33% tổng lượng nhập.

Trong khi đó, nửa đầu tháng 3/2017, tổng lượng xe nguyên chiếc nhập về là 6.348 xe, xe con là hơn 4.800 chiếc, chiếm 75%.

Như vậy, sau 1 tháng, lượng xe nhập đã giảm hơn 2.400 chiếc, trong đó, xe con giảm 3.500 chiếc. Bên cạnh đó, so với 15 ngày cuối tháng 3, lượng xe nhập nguyên chiếc cũng giảm gần 980 chiếc, trong đó, xe con là hơn 600 chiếc.

Đối chiếu với lượng và giá xe nhập 15 ngày tháng 4 năm 2016, tổng lượng nhập đạt hơn 4.200 chiếc, trong đó xe con là hơn 1.880 chiếc. Lượng xe nhập cùng kỳ của tháng 4/2017 giảm gần 400 xe, trong đó xe con giảm gần 600 chiếc.

Về mức giá, trung bình 15 ngày đầu tháng 4 đã tăng rất mạnh lên 554 triệu đồng chiếc, xe con là hơn 488 triệu đồng/chiếc. So với 15 ngày đầu tháng 3/2017, giá xe đã tăng thêm 294 triệu đồng/chiếc, trong đó xe con tăng giá 254 triệu đồng/chiếc.

Trong khi đó, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam vẫn tăng hơn 6.400 chiếc so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng số hơn 30.000 xe, giá khai báo hải quan là 441 triệu đồng/xe, giảm hơn 119 triệu đồng/xe so với cùng kỳ năm 2016.

Mặc dù lượng xe nhập từ đầu năm đến hết 15/4 vẫn tăng hơn 6.400 xe so với cùng kỳ năm trước, đơn giá giảm gần 120 triệu đồng so với đơn giá khai báo xe nhập cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, lượng xe nhập giảm và tăng giá trong nửa đầu tháng 4 đang được đánh giá là hiện tượng bất thường.

Lý giải cho hiện tượng này, đại diện của Tổng cục Hải quan đưa ra 2 nguyên nhân. Một là nửa đầu tháng 4 lượng xe nhập về được điều chỉnh, tập trung vào dòng xe có giá cao, dung tích lớn. Hai là phía Hải quan đang tính toán siết, chấn chỉnh tình trạng khai báo chênh lệch giá trị của doanh nghiệp gây giảm thuế, thất thu ngân sách.

Thực tế, trước khi các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính và cơ quan Hải quan chưa xem xét vấn đề này thì giá xe nhập rẻ bất thường từ các nước. Tuy nhiên, chỉ sau nửa tháng ban hành chính sách, đã có hiện tượng giá tăng, lượng xe giảm mạnh dẫn đến việc nghi ngờ vấn đề không chỉ nằm ở việc nhập xe theo chủng loại.

Một doanh nghiệp chuyên nhập xe hơi giấu tên cho biết lượng xe nhập giảm, giá tăng có thể do tập trung vào phân khúc xe hạng sang. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết có thể là do doanh nghiệp chủ động khai báo đầy đủ sau khi Hải quan siết chặt.

Người này bật mí, doanh nghiệp muốn trốn thuế thường khai báo giá xe thấp hơn giá trị. Trên thực tế, mức giá xe nhập được căn cứ vào 3 cơ sở giá tham chiếu gồm: giá nhà sản xuất tại Việt Nam, giá đơn vị nhập khẩu và giá của thị trường nơi xe xuất xứ.

Đối với xe không được lắp ráp tại Việt Nam, giá trị khai báo Hải quan căn cứ vào mức giá doanh nghiệp đưa lên và giá xe tại thị trường nước sản xuất, nước xuất khẩu xe.

Dù vậy, giá xe tại thị trường nước sản xuất, nước xuất khẩu xe chỉ có tính chất tham chiếu vì giá tại các nước đều do hãng và nhà phân phối. Các hãng và nhà phân phối đều đưa ra mức giá có lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu để khai báo với Hải quan. Như vậy, gần như không có sự khác biệt giữa giá xe do doanh nghiệp đưa lên và giá tại thị trường sản xuất.

Trong khi đó, bên cạnh nhà phân phối chính hãng, còn có nhiều phân phối biên, doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi phân phối với mức giá khác nhau, rẻ hoặc đắt hơn.

Vì vậy, để xác định giá chuẩn, cần một khoảng thời gian dài. Hiện, phần lớn các trường hợp, Hải quan vẫn dựa vào mức giá hãng, doanh nghiệp đưa ra. Mức giá này mang tính thị trường, có lợi cho hãng và cạnh tranh của xe. Đây cũng chính là nguyên nhân nảy sinh một hoặc một số doanh nghiệp thao túng giá, trong khi đó, một số doanh nghiệp khác vì không nằm trong chỗi phải khai mức giá cao hơn, phát sinh chênh lệch trị giá hải quan.

Theo N.D

Cùng chuyên mục
XEM