Vì sao ở Iran cấm dạy tiếng Anh tại trường học?
Mới đây, Chủ tịch hội đồng giáo dục cấp cao Iran (HCE) Mehdi Navid Adham cho biết nước này sẽ cấm dạy tiếng Anh tại các trường trung học nhắm ngăn chặn sự "lây lan" của văn hóa Phương Tây.
"Tại các trường trung học, những nhà điều hành nên quảng bá văn hóa Farrsi và Iran hơn là tiếng Anh", ông Adham nói.
Những phát ngôn của Chủ tịch Adham được đưa ra sau khi nhiều cuộc biểu tình lớn nhất trong gần 10 năm qua đã nổ ra tại Iran. Chính quyền Tehran cáo buộc các nước như Mỹ, Israel hay Ả Rập Xê Út đứng đằng sau những vụ biểu tình này.
Ít nhất 21 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình này và hằng trăm người bị bắt giữ, bao gồm 90 sinh viên từ trường đại học Tehran.
Mặc dù tình hình căng thẳng đã lắng xuống nhưng Tổng thống Hassan Rouhani hiện đang đứng trước áp lực rất lớn từ giới chính trị gia trong việc hạn chế tự do ngôn luận, vốn đã mở rộng từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2013.
Ứng dụng Telegram đã bị chính phủ Iran chặn vào tuần trước khi chúng được những người biểu tình sử dụng cho việc hô hào liên kết các nhóm ủng hộ. Đây cũng là ứng dụng mà những người biểu tình chia sẻ thông tin về tệ nạn tham nhũng trong chính phủ.
Theo hãng tin Financial Times, một cựu chính trị gia giấu tên cho biết việc cấm dạy tiếng Anh có thể không liên quan đến những cuộc biểu tình nhưng chúng sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ thêm. Thậm chí, quy định này có thể chẳng đem lại tác dụng gì, nhất là với những gia đình ưu tiên dạy tiếng Anh cho con cái họ.
Học tiếng Ả Rập và tiếng nước ngoài là quy định bắt buộc tại các trường trung học ở Iran nhưng trong 20 năm trở lại đây, rất nhiều trường đã đưa tiếng Anh vào chương trình giáo dục và điều này khiến chính phủ không hài lòng.
Năm 2012, HCE đề nghị các trường trung học có thể đưa những thứ tiếng như Italy, Đức, Tây Ban Nha, Nga hay Pháp vào giáo dục thay vì mỗi tiếng Anh. Giáo chủ tối cao Ayatollah Ali Khamenei cũng nhiều lần lặp lại rằng hệ thống giáo dục ở Iran không đủ truyền thống theo phong cách Hồi giáo.
Năm 2016, Giáo chủ Khamenei thậm chí tuyên bố việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giáo dục nước ngoài chính là điều "không tốt".
"Liệu có hợp lý không khi giảng dạy ngôn ngữ của họ bằng tiền của chúng ta?", ông Khamenei chất vấn.
Tuy nhiên, Giáo chủ Khamenei cho biết ông không có ý nói rằng nên dừng dạy tiếng Anh tại các trường học ngay lập tức.
Sau tuyên bố trên của HCE, nhiều giáo viên tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của quy định nếu được ban hành.
"Rất nhiều trường tư đang cạnh tranh với nhau bằng chất lượng dạy tiếng Anh và nhiều trường cố gắng phát triển lớp tiếng Anh như một lợi thế cạnh tranh của họ. Nếu quy định trên được ban hành, chúng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều trường học và gia đình", cô Shiva, một giáo viên dạy tiếng Anh tại miền bắc thủ đô Tehran nói.