Vì sao Nova Consumer chịu chi gần 500 tỷ đồng mua lại 1 công ty thực phẩm bí ẩn đang chiếm 15% thị phần thị trường xúc xích Việt Nam?

20/04/2022 08:53 AM | Kinh doanh

Nova Consumer Group sẽ hoàn tất thương vụ M&A CTCP Thực phẩm Gia đình Anco (AFF) vào đầu năm 2022. Công ty bí ẩn này hiện chiếm 15% thị phần thị trường xúc xích Việt Nam theo ước tính của SSI.

Còn nhớ đầu năm 2021, nhà sáng lập PhinDeli Phạm Đình Nguyên bất ngờ thông báo thương hiệu đình đám một thời này về tay Nova Consumer Group. Thời điểm bấy giờ, Nova Consumer Group là tên tuổi ít được nhắc trong ngành F&B dù đã có lịch sử phát triển gần 30 năm. 

Một năm sau, Nova Consumer trở nên phổ biến hơn khi Nova Group cho ra mắt 3 siêu thị đầu tiên ở Tp.HCM, mục tiêu mở 300 điểm bán trong 2022 nhằm phân phối các sản phẩm của Nova Consumer.

Không những vậy, tháng 2/2022, Nova Consumer Group tiến hành IPO trong tháng 2/2022 với khối lượng chào bán ban đầu là 10,9 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn hóa trước IPO. Dự kiến cổ phiếu sẽ niêm yết trên HOSE trong 2022. Giá chào bán tối thiểu là 43.462 đồng/cổ phiếu. Khoản thu về ước tính 474 tỷ đồng sẽ dùng để tài trợ vốn lưu động và gián tiếp mua lại CTCP Thực phẩm Gia đình Anco (AFF). Cũng phải nói thêm vốn điều lệ của Nova Consumer Group tính đến tháng 9/2021 là 1.100 tỷ đồng. 

Nova Consumer Group sẽ hoàn tất thương vụ M&A này vào đầu năm 2022. AFF là một công ty sản xuất xúc xích với doanh thu hàng năm đạt gần 600 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2020. Công suất hiện đạt 10 nghìn tấn/năm và AFF có kế hoạch nâng công suất xúc xích lên khoảng 14 nghìn tấn đến năm 2025.

Các sản phẩm của AFF bao gồm: xúc xích ăn liền, xúc xích dinh dưỡng, đồ hộp và bánh gạo, trong đó phần lớn doanh thu đến từ xúc xích.

Theo ước tính của công ty chứng khoán SSI, thị trường xúc xích ăn liền ở Việt Nam khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó Vissan, Masan, Xuxifarm (AFF) và CP lần lượt chiếm 35%, 30%, 15% và 5% thị phần.

Thương vụ M&A lớn này được xem là một bước chân đầu tiên của Nova Consumer trong việc cạnh tranh trực tiếp với Masan Consumer trong lĩnh vực xúc xích. Vì sao Nova sẵn sàng chi 474 tỷ đồng để bước chân vào cuộc chơi mà Masan Consumer đang nắm 1/3 thị phần?

Theo Euromonitor, thị trường thịt chế biến (chủ yếu là xúc xích) ở mức 4.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,2% tổng thị trường thịt ở Việt Nam. Trong khi ở Trung Quốc và Hàn Quốc, tỷ lệ này là hơn 20%. Tại Việt Nam, nhu cầu đối với thịt chế biến đang tăng trong những năm gần đây (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm theo giá trị là 5% trong giai đoạn 2016-2020). Theo nhận định của SSI, với nhu cầu ngày càng tăng về sự tiện lợi khi cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn, triển vọng về thịt chế biến có tiềm năng đáng kể. 

Euromonitor dự báo nhu cầu đối với thịt chế biến sẽ tăng với tốc độ CAGR 7,5% trong giai đoạn 2020-2025. Hơn nữa, phụ nữ ngày càng bận rộn với công việc đồng nghĩa với việc ít thời gian hơn cho việc nấu nướng, góp phần làm tăng nhu cầu về thịt chế biến. Cùng với đó, các lựa chọn cũng được mở rộng với các loại thực phẩm mới (thịt heo hun khói, giăm bông và xúc xích) trở nên phổ biến hơn.

Vì sao Nova Consumer chịu chi gần 500 tỷ đồng mua lại 1 công ty thực phẩm bí ẩn đang chiếm 15% thị phần thị trường xúc xích Việt Nam? - Ảnh 1.

Nguồn: SSI Research.

Sở dĩ Nova Consumer tự tin gia nhập cuộc chơi tiềm năng này là bởi hoạt động kinh doanh cũng có những nét lợi thế tương đồng với Masan Consumer. 

Nova Consumer được thành lập năm 1992, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu & phân phối thuốc thú y và được tái cấu trúc vào năm 2007 thành Công ty TNHH Anova (Anova JV), hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp về mảng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và trang trại chăn nuôi. Đến tháng 6/2021, công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn Nova Consumer (Nova Consumer Group) xây dựng chiến lược đa dạng hóa ngành nghề từ nông nghiệp đến hàng tiêu dùng.

Hiện tại, công ty đã thiết lập chuỗi giá trị ‘3F’ bao gồm thuốc thú y - thức ăn - trang trại - thực phẩm với 5 nhà máy nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế và 7 trang trại được chứng nhận tại các địa điểm chiến lược để có thể phân phối trên toàn quốc.

Vì sao Nova Consumer chịu chi gần 500 tỷ đồng mua lại 1 công ty thực phẩm bí ẩn đang chiếm 15% thị phần thị trường xúc xích Việt Nam? - Ảnh 2.

Với việc chiếm 30% về thị phần thuốc thú ý, tập đoàn này đang hướng tới mục tiêu xây dựng phân khúc trang trại lớn để tăng tiêu thụ mảng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Ngoài một trang trại bò 450 ha ở Bình Dương và một số trang trại chăn nuôi gia cầm, NCG hiện sở hữu 1 trang trại heo nái và 3 trang trại nuôi heo thịt. Đây vẫn là quy mô nhỏ hơn so với một số doanh nghiệp công nghiệp nhưng tập đoàn này hiện có kế hoạch tăng số lượng bán ra lên 40 lần, để đạt được 8% thị phần (hiện tại là 0,3% theo ước tính của ban lãnh đạo).

Mộc An

Cùng chuyên mục
XEM