Vì sao nhiều nhà đầu tư không dám 'rót' tiền vào bất động sản?
Theo báo cáo của trang batdongsan, mức độ quan tâm đến bất động sản trên cả nước đã giảm đáng kể từ thời điểm tháng 3 năm nay, tuy nhiên giá bất động sản vẫn cao.
Thông tin trên trang batdongsan nêu rõ, nhiều tỉnh, thành phố chứng kiến nhu cầu tìm mua bất động sản trong quý III giảm so với quý II như: Hải Phòng ước tính giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%.
Các nhà môi giới cho rằng, giao dịch bất động sản gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát, 36% số người được hỏi cho biết rào cản lớn nhất là khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực nên không dám đầu tư vào bất động sản, 23% chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do khách hàng bị hạn chế trong vay vốn để mua bất động sản, 19% nhận thấy trở ngại chính là giá bất động sản quá cao so với khả năng tài chính của người mua.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, trong thời gian tới Nhà nước sẽ chưa có động thái nới hạn mức tín dụng quá mạnh mẽ vì sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát.
Tại thị trường Hà Nội, 7 tháng đầu năm nay, mức độ quan tâm tới bất động sản gần như không thay đổi, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các loại hình bất động sản khác của Thủ đô, từ đất thổ cư riêng lẻ đến đất nền dự án, nhà riêng, biệt thự liền kề đều ghi nhận lượt tìm mua giảm từ 5 - 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tại TPHCM, căn hộ chung cư - loại hình bất động sản phổ biến, phục vụ nhu cầu ở thực, nhưng nhu cầu tìm mua trong 7 tháng đầu năm giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Ghi nhận thực tế cho thấy, có khoảng 10 dự án mới mở bán tại TPHCM và các tỉnh xung quanh thành phố này có tỷ lệ hấp thụ hầu hết không vượt qua mức 50% nguồn hàng.
Xét về mặt bằng giá rao bán, trong 7 tháng đầu năm nay, tất cả các phân khúc căn hộ TPHCM đều tăng giá so với cùng kỳ 2021, tăng cao nhất ở phân khúc bình dân (8%), sau đó là trung cấp (5%) và cao cấp (4%).
Câu hỏi đặt ra là: Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư có nên đầu tư bất động sản hay không?
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản - cho rằng, bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn. Quan trọng là đầu tư vào phân khúc nào, chỗ nào sinh lợi nhiều nhất thì xuống tiền đầu tư. Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đang tăng, tốt nhất không nên dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Nếu chọn được đúng phân khúc chất lượng và khả năng sinh lời cao thì hãy xuống tiền.
Cũng theo ông Đính, các nhà đầu tư cũng có xu hướng thận trọng hơn. Nếu không được tháo gỡ, có thể thị trường bất động sản bước vào một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra.