Vì sao người Việt đến thăm bảo tàng Louvre chỉ 3 tiếng đã xong còn người Pháp mất tới vài tuần, thậm chí phải xem đi xem lại?

07/01/2019 15:21 PM | Xã hội

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều bảo tàng khác, về các giới hạn chủ đề rất hẹp, rất đặc trưng: bảo tàng rượu vang, bảo tàng chocolate hay thậm chí bảo tàng cống thoát nước, bảo tàng lịch sử hút thuốc lá… Có tổng cộng hơn 130 bảo tàng ở Paris.

Thế giới bảo tàng tại Pháp

Người Pháp thích đi xem bảo tàng. Hầu hết là như thế, nhất là dân Paris. Thích đến mức mới đầu ta nghĩ họ giả tạo, bởi ta không biết có gì hấp dẫn đến thế đằng sau những đồng xu cổ, những mảnh chai lọ chẳng còn nguyên vẹn hay một góc tường đổ mà khiến họ trầm ngâm hàng giờ, lục lọi đọc, ghi chép rồi gật gù sung sướng. Nhiều người nghiện đi xem bảo tàng, tuần nào cũng đi, đi thăm nhiều lần một cái bảo tàng cho đến khi thuộc từng ngõ ngách, am hiểu từng hiện vật mới chuyển sang bảo tàng khác (mà giá vé xem bảo tàng nói chung không hề rẻ). Sở thích ấy được truyền từ đời này sang đời khác, trẻ con vừa biết đọc biết viết đã thích đi xem bảo tàng.

Và họ cũng sống trong một thế giới của viện bảo tàng. Ở Paris có bảo tàng Louvre, hẳn nhiều người biết. Chỉ riêng những gì có ở Louvre đã đủ để bất cứ ai phải dành nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần để xem hết, hiểu hết bởi đó là bảo tàng nghệ thuật và hiện vật cổ của nước Pháp và cả nhân loại. Louvre có hơn 35.000 hiện vật trưng bày trải khắp hơn 60.000m2 diện tích các phòng trưng bày. 

Tôi không hiểu làm thế nào mà rất nhiều bạn bè tôi, đến Paris lần đầu tiên và đến thăm bảo tàng Louvre, chỉ sau ba tiếng đã bảo: "Xong, thế là đi hết Louvre rồi nhé, cái gì cũng xem hết cả."  Bảo tàng là một dãy các tòa nhà nối liền theo hình chữ U với nhiều tầng, các phòng ốc khá phức tạp, tôi nghĩ rằng nếu bạn đi bộ với tốc độ trung bình, chỉ đi thôi không xem gì cả, đi đủ hết các ngõ ngách của Louvre, chắc bạn cũng mất đến hai ngày. 

Vậy nhưng rất nhiều người đến Louvre, cố chen cho bằng được đến trước bức tranh nàng Mona Lisa chỉ để selfie (tự chụp ảnh) một cái. Thế là đã đủ để tuyên bố rằng "Đã vào Louvre, xem hết rồi." Ấy là nếu như biết được mấy chữ Mona Lisa cũng đã là tốt, chứ trong đám người chen lấn cố chụp cho được bức ảnh của nàng, tôi dám chắc rất nhiều người không biết tranh này ai vẽ và vẽ ai, chỉ thấy đông người chụp và nghe nói tranh nổi tiếng, thì chụp, thế thôi.

Vì sao người Việt đến thăm bảo tàng Louvre chỉ 3 tiếng đã xong còn người Pháp mất tới vài tuần, thậm chí phải xem đi xem lại? - Ảnh 1.

Musée d'Orsay

Chuyện học sử của người Việt Nam

Tôi không có ý chê nhiều người Việt mình ít am tường về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử nhân loại. Nếu chúng ta thiếu hụt trong lĩnh vực ấy thì chúng ta thừa nhận, thế thôi. Nếu không ai nhận, tôi sẽ nhận. Tôi mù tịt những kiến thức ấy. 

Có thể không phải lỗi do chúng ta mà do chúng ta không có điều kiện hay thói quen thăm quan học hỏi, do nét văn hóa của chúng ta đề cao chủ nghĩa gia đình, ít đề cao việc giao tiếp xã hội, khi gặp gỡ nhau ít nói chuyện lịch sử, xã hội, địa lý… Hoặc lý do gì đó tôi không biết, nhưng quả thật khi ra nước ngoài, nói chuyện với người nước ngoài tôi mới thấy cái hạn hẹp đến xấu hổ của bản thân trong những lĩnh vực ấy. Đừng nói thế giới, ngay lịch sử, địa lý Việt Nam tôi cũng mù mờ.

Tôi từng là một học sinh xuất sắc trong các môn học thuộc lòng. Trong vòng một tiếng đồng hồ, tôi có thể học thuộc đến từng dấu chấm, dấu phẩy một chương sách. Và tôi luôn đạt điểm cao trong các môn Lịch sử, xã hội, Địa lý. Nhưng rồi quên sạch. Thử hỏi người Việt mình có tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc hay không? Tự hào lắm chứ, nhưng khi hỏi một người trưởng thành trận Bạch Đằng diễn ra năm nào, thời nhà Lý, nhà Trần tồn tại trong bao nhiêu năm, chắc không dễ đưa ra câu trả lời ngay lập tức. 

Tôi còn nhớ khi mới đến Pháp, học lớp cao học MBA, có một sinh viên người Anh nói chuyện với tôi về nước Pháp và các thuộc địa Pháp, cậu đó hỏi tôi Pháp đến Việt Nam từ năm nào, bắt đầu đô hộ nước mình từ năm bao nhiêu đến năm bao nhiêu. Tôi bảo chỉ biết là Pháp kết thúc đô hộ Việt Nam năm 1945 và thua cuộc chiến sau đó vào năm 1954, còn bắt đầu lúc nào thì tôi không nhớ. Cậu ta tròn mắt nhìn tôi như người đến từ hành tinh khác. Rồi một cậu sinh viên người Pháp ngồi cạnh bắt đầu "giảng" cho chúng tôi nghe về những chuyện ấy, rất say sưa, rất chi tiết. Rồi cậu người Anh cũng tham gia bàn luận. 

Cũng chính hai anh đó nói với tôi rằng tiếng Quốc Ngữ của người Việt xuất hiện là do một số nhà truyền giáo phương Tây (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp) do nhu cầu giao tiếp với người bản xứ mà tìm cách ghi lại ngôn ngữ Việt bằng các ký tự Latin, rồi sau này mới được phát triển thêm bởi người Việt mình. Có lẽ bạn biết điều đó, nhưng quả thật khi ấy tôi hoàn toàn không biết. Tôi cứ tưởng rằng tiếng Việt là do các nho sĩ, thầy đồ tạo ra. Cũng chưa bao giờ tôi đặt câu hỏi tại sao Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực sử dụng bảng chữ cái Latin như người châu Âu. 

Khỏi cần phải kể với bạn lúc ấy bộ dạng tôi thế nào, vừa đần ngố, vừa xấu hổ, vừa khâm phục nhìn một ông bạn Anh, một ông bạn Pháp ngồi kể cho mình nghe lịch sử nước mình. Những kiến thức ấy họ biết nhờ đâu? Có lẽ không phải từ các tiết dạy lịch sử thế giới. Họ biết được chính từ các bảo tàng, các chuyến đi và sự ham hiểu biết, ham đọc của họ, đặc biệt là vì những kiến thức ấy được sử dụng trong cuộc sống đời thường của họ.


Vì sao người Việt đến thăm bảo tàng Louvre chỉ 3 tiếng đã xong còn người Pháp mất tới vài tuần, thậm chí phải xem đi xem lại? - Ảnh 2.

Musée de l'Orangerie

Bảo tàng là cái gốc của hiểu biết

Tôi trở lại với "thế giới bảo tàng" của người Pháp. Đến Paris bạn sẽ đến thăm Louvre, bạn sẽ nghe kể hoặc đặt chân đến cung điện Versaille, vừa là cung điện cổ, vừa là bảo tàng nghệ thuật. Nhưng còn vô số, vô số những bảo tàng ở khắp nơi, về đủ các chủ đề quen thuộc: bảo tàng chiến tranh, bảo tàng khoa học và công nghiệp, bảo tàng săn bắn và tự nhiên, bảo tàng năng lượng, y học…

 Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều bảo tàng khác, về các giới hạn chủ đề rất hẹp, rất đặc trưng: bảo tàng rượu vang, bảo tàng chocolate hay thậm chí bảo tàng cống thoát nước, bảo tàng lịch sử hút thuốc lá… Có tổng cộng hơn 130 bảo tàng ở Paris.

Và tất nhiên không giống như các bảo tàng ở Việt Nam thường vắng lặng, được xây dựng lên vì nhu cầu lưu giữ các hiện vật, các bảo tàng ở Paris, dù về chủ đề gì đi nữa, luôn tấp nập người, kể cả những ngày trong tuần.

Các trường học, ở mọi cấp từ mẫu giáo đến cao học, luôn có mối quan hệ mật thiết với các viện bảo tàng, đặc biệt là các trường tiểu học, trung học. Khi vào một viện bảo tàng nghệ thuật, lịch sử ở Paris vào một ngày trong tuần, bạn sẽ rất dễ gặp một nhóm học sinh, tay sách tay bút, được hướng dẫn bởi một nhân viên và một giáo viên. Họ học ngay tiết học lịch sử, văn học, nghệ thuật của họ dưới chân, bên cạnh một bức tranh lớn, một hiện vật gắn liền với chủ đề của tiết học ấy.

 Lần đầu tiên đến cung điện Versaille vào ngày trong tuần, tôi đã bị ấn tượng khi thấy các em bé chỉ học lớp Một, lớp Hai say sưa ngắm các bức tranh tả về những cuộc chiến cổ xưa, đầy chăm chú nghiêm túc tìm hiểu các thông tin trên bức tranh, trên những lời chú thích đặt dưới chân bức tranh để có thể trả lời các câu hỏi trong bài tập của mình. 

Chúng học hăng say như tham dự một cuộc thi, một cuộc đố vui, sôi nổi bàn luận và hét lên vui mừng khi tìm thấy một chi tiết nhỏ. Học như thế làm gì mà chẳng thích, chẳng nhớ lâu. Học để sau này lại dắt con cái, bạn bè vào bảo tàng và dạy cho họ những điều mình đã biết, tìm hiểu những cái mới mà khi trước mình đi chưa có (thứ hấp dẫn cũng nằm ở chỗ, các bảo tàng ở Pháp vẫn thường xuyên được cập nhật những hiện vật mới, những câu chuyện mới, khám phá mới khiến người đã đi rồi lâu lâu có thể quay lại mà không nhàm chán). 

Vì sao người Việt đến thăm bảo tàng Louvre chỉ 3 tiếng đã xong còn người Pháp mất tới vài tuần, thậm chí phải xem đi xem lại? - Ảnh 3.

Musée Rodin

Học để trong bất cứ cuộc chuyện trò, trong công việc nào, người ta cũng có thể sử dụng kiến thức của mình như những bằng chứng thuyết phục nhất, như những chi tiết đáng tin cậy nhất để nhiều khi có thể lý giải, có thể trả lời cho chính những câu hỏi của mình và bạn bè. Khi ta học mà biết rõ tác dụng của cái mà ta đang học, chẳng cần có cái gậy hay củ cà rốt nào ép buộc hay chèo kéo, tự ta sẽ học say sưa.

Trước khi đến Pháp, hình ảnh "bảo tàng" trong đầu tôi là những căn phòng rộng lớn, vắng lạnh, toát ra mùi ẩm mốc vì thiếu ánh sáng tự nhiên, là "lịch sử" nằm ngủ quên trong những góc tối, là dấu vết thời gian bị hóa thạch. Khi còn nhỏ tôi rất thích đến bảo tàng, đủ loại bảo tàng khác nhau, tình cờ có, bắt buộc có, khám phá có. Tôi còn quay lại nhiều lần nữa. Nhưng càng ngày, niềm yêu thích ấy càng giảm đi, ấn tượng về nơi mà "lịch sử đang ngủ quên" ấy càng tăng lên.

Không phải vì ở đó không có những câu chuyện cảm động và vĩ đại, không phải vì ở đó không có tình người chan chứa, không phải vì ở đó không có những kiếp người, những số phận, những thế hệ và cả lịch sử đằng sau mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh, nhưng bởi vì ở đó tôi luôn cảm thấy sự thiếu thốn, cảm thấy những câu hỏi của mình không được giải đáp đầy đủ, những thông tin được cung cấp nửa vời, là sự thiếu đầu tư, sự miễn cưỡng của những người có trách nhiệm. 

Đến Pháp, tôi dần cảm nhận được các bảo tàng là kho báu hiện vật, là cái gốc của hiểu biết và đương nhiên, của sự phát triển, bản thân các bảo tàng ở Paris hay ở châu Âu cũng được phát triển, tự nâng cấp không ngừng. Và lạ chưa, với người châu Âu, bảo tàng còn là nơi đem lại tình yêu: yêu nghề, yêu cuộc sống, yêu nhau. Thật đấy.

(*) Nội dung tham khảo cuốn: Tôi và Paris- Câu chuyện một dòng sông. Tác giả: Hoàng Long.

Hoàng Long

Cùng chuyên mục
XEM