Vì sao người Việt chi không tiếc tay cho giáo dục và không ngại mua hàng hiệu?

21/08/2016 19:43 PM | Xã hội

Có thể nói, người Việt chi tiền không tiếc tay cho giáo dục là bởi nhiều người Việt cho rằng giáo dục là chìa khóa để giúp họ và gia đình sẽ giải quyết những khó khăn của nền kinh tế.

Theo các số liệu nghiên cứu đã chỉ rõ, 77% người Việt dùng tiền nhàn rỗi của mình để tiết kiệm. Tuy nhiên, người Việt lại không ngần ngại chi rất nhiều tiền cho giáo dục và mua hàng xa xỉ?

Tại sao lại có sự khác biệt này? Đây là câu hỏi mà nhiều chuyên gia tiêu dùng mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu.

Theo báo cáo trước đó từ Nielsen, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người tiêu dùng để tiền vào các tài khoản tiết kiệm lớn nhất trong số các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có tỷ lệ dân số đầu tư vào chứng khoán ít nhất.

Cụ thể, mức người Việt đầu tư vào chứng khoán rất thấp. Chỉ 18% người Việt đầu tư vào chứng khoán. Con số này thấp hơn hẳn Malaysia với 33%, Indonesia với 32% và Thái Lan với 30%.

Báo cáo Nielsen, cũng chỉ ra, trong 1 năm trở lại đây, 86% dân số Việt Nam có sự điều chỉnh thói quen chi tiêu để tiết kiệm hơn.

Nguyên nhân của sự xiết chặt chi tiêu này là do người Việt cho rằng, họ đang trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn. Do đó, họ sẵn sàng cắt giảm hết các nhu cầu mua sắm quần áo, các dịch vụ giải trí, điện, ga, điện thoại "xịn", mua đồ công nghệ mới. Nói chung họ luôn có ý thức “chắt bóp” chi tiêu.

Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ trong nước. Người tiêu dùng hiện nay khi lựa chọn sản phẩm sẽ dựa vào các tiêu chí theo mức độ ưu tiên: giá, sự cần thiết và vị trí mua sắm thuận tiện. Đây là điều mà các trung tâm thương mại, siêu thị phải tính đến nếu muốn thu hút người tiêu dùng.

Thậm chí, trong suốt năm 2014, theo báo cáo của Nielsen, người Việt sử dụng phần lớn thu nhập của mình cho các chi phí duy trì cuộc sống cơ bản cá nhân thay vì chi tiêu cho các hạng mục khác như mua sắm những mặt hàng cao cấp hay đồ điện tử.

Tuy bắt đầu chắt bóp chi tiêu hàng ngày như vậy nhưng người Việt vẫn không ngại ngần chi nhiều hơn cho giáo dục. Điều này đã được ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson (TNS) chia sẻ trên Người lao động.

Theo Ông Ralf Matthaes phần chi tiêu lớn nhất của đa số người Việt hiện nay là dùng cho giáo dục. Tổng chi tiêu cho giáo dục của người Việt chiếm đến 47% tổng chi tiêu trong gia đình họ.

Có thể nói, người Việt chi tiền không tiếc tay cho giáo dục là bởi nhiều người Việt cho rằng giáo dục là chìa khóa để giúp họ và gia đình sẽ giải quyết những khó khăn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Ralf Matthaes cũng đưa ra một điểm đáng lưu ý khác. Đó là có đến 52% đàn ông mua sắm hàng tiêu dùng xa xỉ; trong số đó Hà Nội chiếm tới 36% và TP.HCM chiếm 10%.

Lý giải nguyên nhân người tiêu dùng Việt vẫn sẵn sàng bỏ khoản tiền không nhỏ ra mua hàng xa xỉ bởi họ nghĩ rằng “tiền nào của nấy”. Mua hàng xa xỉ đắt tiền, đồng nghĩa với việc họ có được chất lượng tốt nhất cho sản phẩm so với các hàng bình dân khác.

Thói quen chi tiêu này của người Việt hơi khác so với các nước phát triển.

Theo Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM