Vì sao người thích biểu diễn, 'ưa drama' lại dễ thành công trong sự nghiệp?
Thích và có năng khiếu biểu diễn trên sân khấu là một trong những kỹ năng tuyệt vời để có thể có được một sự nghiệp thành công.
Điều này nghe có vẻ không liên quan? Hãy tham khảo bài viết sau đây để nhìn thấy tính liên kết giữa tính nghệ thuật và khoa học của việc trình diễn để rút ra đôi điều ngẫm nghĩ và có thể giúp chúng ta trang bị thêm nhiều kỹ năng quý giá.
1. Người thích biểu diễn biết khi nào cần cải thiện
Để thành công trên sân khấu đòi hỏi bạn phải có khả năng đáp ứng những sự phát triển ngoài dự kiến. Nhạc sĩ có thể sẽ phải độc diễn nếu chẳng may ca sĩ ngôi sao bất ngờ không thể xuất hiện. Khả năng tiếp nhận tình huống và phản ứng nhanh rất giá trị. Như người ta vẫn nói: "Chương trình phải tiếp tục." Mang thái độ đó vào công việc nghĩa là bạn có khả năng thích nghi cao độ và xử lý tốt các rắc rối. Bên cạnh đó, nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu còn là người biết cách mở rộng công việc khi tình huống yêu cầu.
2. Người thích biểu diễn hiểu tầm quan trọng của thời hạn
Trong vai trò của một ca sĩ, diễn viên hay nghệ sĩ sân khấu, bạn sẽ nhanh chóng học được ý nghĩa quan trọng của thời hạn (deadline). Nếu một người trễ lịch trình, toàn bộ ê kíp sẽ gặp trục trặc và khán giả không vui. Có mặt đúng giờ cho mỗi và mọi màn trình diễn là kỹ năng có thể áp dụng trực tiếp vào đời sống văn phòng chuyên nghiệp. Trong thế giới công sở, đi làm đúng giờ vào buổi sáng, tham dự kịp thời mọi cuộc họp và đáp ứng thời hạn từ ngày này qua ngày khác là kỹ năng thực sự quan trọng.
3. Người thích biểu diễn tỏ ra thành thạo việc giao tiếp và trình diễn
Trên sân khấu, toàn bộ con người bạn nằm trọn trong tầm nhìn của khán giả và những người đồng diễn. Tự tin đứng trước công chúng thể hiện tài năng là yêu cầu bắt buộc. Một khi đã xây dựng được nền tảng cho sự tự tin, bạn có thể làm việc để phát triển các thói quen giao tiếp hiệu quả. Người biểu diễn chuyên nghiệp luôn nhớ một quy tắc: Đối tượng của việc trình diễn và giao tiếp là KHÁN GIẢ, không phải bản thân bạn.
4. Người thích biểu diễn biết cách tận dụng tối đa những gì đang có
Là người biểu diễn, đôi khi bạn phải thực hiện công việc với sự hỗ trợ và thiết bị hạn chế. Ví dụ: Trên đường di chuyển đến điểm biểu diễn, bạn phát hiện mình bỏ quên nhạc cụ cần thiết ở nhà. Nhằm đảm bảo luôn có những màn trình diễn tuyệt vời, người biểu diễn phải có khả năng tìm được giải pháp thay thế.
Không bỏ cuộc, không than vãn mà tập trung tận dụng mọi thứ mình đang có trong tay để hoàn thành nhiệm vụ. Thái độ này cũng quan trọng không kém khi bạn làm việc. Có thể bạn sẽ không nhận được những sự đào tạo, huấn luyện, bàn giao công nghệ hay cấp phát vật dụng đầy đủ như mong đợi, nhưng những ai biết tự tìm giải pháp sẽ là người sớm gặt hái thành công.
5. Người thích biểu diễn thường biết cách đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau
Tạo ra một màn trình diễn thành công ấn tượng trên sân khấu đòi hỏi phải có sự góp sức từ nhiều người khác nhau. Mặc dù chuyên môn chính của bạn là diễn viên, theo thời gian trôi qua, bạn hiểu rằng đôi lúc chương trình cũng cần sự đóng góp của bạn trong vai trò khác. Trong các tình huống bất đắc dĩ, bạn có thể trở thành người sửa chữa trang phục diễn khẩn cấp, đi mua vật tư vào phút chót hoặc điều khiển sân khấu tạm thời. Sự đa năng, khả năng xoay chuyển linh hoạt và đảm nhận nhiều trách nhiệm sẽ tạo nên khác biệt lớn. Những người thành công hiếm khi nói rằng: "Đó không phải là mô tả công việc của tôi."
6. Người thích biểu diễn có xu hướng làm việc bền bỉ để đạt mục tiêu
Nhận lời hợp tác và tham gia vào show diễn, thông thường bạn sẽ cần bỏ ra rất nhiều thời gian. Không ít nghệ sĩ biểu diễn phải chuẩn bị, luyện tập suốt nhiều ngày đêm liền trước giờ khai mạc. Khả năng và tư duy giữ trạng thái làm việc suốt thời gian dài cho đến khi đạt mục tiêu là điều cực kỳ giá trị mà những người làm nghệ thuật sở hữu được. Nó cũng tạo nên khác biệt lớn nếu bạn áp dụng vào quá trình xây dựng sự nghiệp. Tính kiên trì, nhẫn nại và làm việc bền bỉ chính là phẩm chất của thành công.
7. Người thích biểu diễn luôn biết cách mừng chiến thắng
Nhiều nghệ sĩ, diễn viên thường tổ chức tiệc mừng khi họ gặt hái được những thành công mới như giành giải thưởng uy tín, đóng máy một bộ phim, tổ chức thành công một tour ca nhạc… Hoạt động này dường như đã trở thành thông lệ trong giới biểu diễn. Không chỉ là cuộc vui mang mục đích giải trí hay thư giãn, tổ chức một buổi tiệc để có thể truyền cảm hứng, bày tỏ sự cảm kích là kỹ năng quan trọng. Sự khích lệ tinh thần, ghi nhận công lao và lời cảm ơn mọi người vì tất cả những đóng góp, hỗ trợ hay cổ vũ họ dành cho bạn là hành động ý nghĩa mà bất cứ ai muốn thành công cũng phải thuộc lòng.
8. Người thích biểu diễn có khả năng "đọc" được tâm tư người khác
Làm người biểu diễn, bạn chính là một phần của nhóm để tạo nên thành công cho chương trình. Nguyên tắc này đúng ngay cả khi bạn chỉ là người biểu diễn đơn lẻ - vì bạn cần quan sát và chú ý phản ứng của khán giả. Người thực sự xuất sắc sẽ biết cách quan sát, nắm bắt những thay đổi trong lòng khán giả, rồi ngay lập tức điều chỉnh phù hợp để thu hút và khiến họ ấn tượng.
Kỹ năng quan sát cũng tạo cho bạn những lợi thế khi làm việc bên ngoài môi trường sân khấu. Với sự nhạy bén, bạn có thể chọn đúng thời điểm đưa ra những câu hỏi nắm bắt tâm lý và nhu cầu người đối diện, từ đó có phương án hiệu quả nhất thuyết phục họ chấp nhận lời mời bán hàng hoặc yêu cầu hợp tác.